Nam Phong Tạp Chí – Khát vọng giáo dục quốc dân của lớp trí thức Việt nam những năm đầu thế kỷ 20
Số báo đầu tiên của Nam Phong được phát hành vào ngày 01/07/1917 và số cuối cùng vào ngày 16/12/1934, chấm dứt 210 số báo tiếng Việt, 210 phụ trương tiếng Pháp và 210 phụ trương tiếng Hán sau hơn 18 năm tồn tại.
Vào năm cuối cùng, tờ báo chuyển từ nguyệt san sang bán nguyệt san với một nỗ lực mạnh mẽ đổi mới, như Hán Thu – Nguyễn Tiến Lãng (1909 – 1976) viết trong số báo 199 kỷ niệm mười tám năm ra số đầu: “Tôi muốn từ nay Nam Phong không phải là một bà lão, Nam Phong lại là một cô thiếu nữ hây hây”.
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Thủy Chi tại Hà Nội, nhận xét: Thứ nhất, báo chí Việt Nam cho tới những năm 1930 đã chứng kiến một sự lột xác ngoạn mục, mà Phong Hóa là một ví dụ với khẩu hiệu trẻ trung đã thay thế “vị trí rất cao trong văn giới, chính giới” của Nam Phong. Thứ nhì, nó gắn với hiện tượng thường gặp trong làng báo chí đương thời: việc đình bản và tục bản của các tờ báo trong một thị trường báo chí thuộc địa rất hẹp và nhỏ.
Dĩ nhiên Nam Phong sống thọ như thế một phần quan trọng là nhờ ở vai trò ở hậu trường của người Pháp với một ý định chính trị thực dân rất rõ ràng. Đó là nhằm loại trừ ảnh hưởng nước Đức, vốn được truyền bá gián tiếp qua phong trào Tân Thư, qua tên tuổi Lương Khải Siêu. Nam Phong không chỉ nhận được khoản trợ cấp để có thể ra báo một cách đầy đặn, mà còn được chính quyền thực dân hỗ trợ “tạo nên công chúng”.
Hồi ký của Hồ Hữu Tường (1910-1980) là một chính trị gia, nhà văn, nhà báo Việt Nam cho biết ông cậu bà con của mình làm Hội Đồng “bị nhà nước ép mua dài hạn tạp chí này”. Song mọi việc nhanh chóng vượt khỏi những điều mà nhà sáng lập người Pháp là Louis Marty dự tính ban đầu khiến ta phải thừa nhận rằng Nam Phong tạp chí tồn tại thực sự trong làng báo chí Việt Nam với tư cách một tờ báo lớn không thể chỉ là nhờ ý định chủ quan của giới thực dân cầm quyền mà còn chính ở những người trực tiếp chèo lái nó. Một trong số những công trạng quan trọng nhất cần kể đến là khát vọng giáo dục quốc dân của lớp trí thức.
Trong lời mở đầu cho số 1 Nam Phong, cụ Phạm Quỳnh (1892 –1945) đã đặt ra một vấn đề quan trọng về vai trò học vấn đã tóm tắt điểm chủ yếu nhất mà một trí thức Việt Nam đương thời phải đối mặt. Đó là tình thế “toàn cầu hóa” một cách bất đắc dĩ. Nhận thức của ông với tư cách một trí thức Tây học không chỉ bao gồm việc nhận ra “kẻ khác” mà còn hiểu rằng giờ đây ta phải sống cùng kẻ khác thì mới có cơ hội tồn tại trong thời mới.
Để tồn tại được cùng kẻ khác, giáo dục là một trong những cách mà thế hệ trí thức 1917 thực hiện nhằm gìn giữ những giá trị quá khứ. Thế mà chi phí giáo dục theo lối mới rất đáng kể đối với một gia đình thường thường bậc trung ở ngay Hà Nội khi đó. Vào thời điểm này, từng đã có Đông Kinh Nghĩa Thục tham gia giáo dục quốc dân rồi nhanh chóng bị chính quyền thuộc địa đàn áp và giải tán. Đồng hành cùng với họ là Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh (1882–1936) làm chủ bút với những bài viết về học vấn Tây phương, nhưng cuối cùng bị đình bản.
Khai dân trí
Trang bìa Nam Phong Tạp Chí số đầu tiên năm 1917 mà tôi có sưu tầm được, với phụ đề “l’Information Française” (Cơ quan thông tin của Pháp), La France devant le Monde – son rôle dans la guerre des nations (Nước Pháp trước thế giới – vai trò của Pháp trong các cuộc chiến tranh các quốc gia). Phía dưới có biểu tượng con gà trống Gaullois trong vòng tròng tự do, bình đẳng, bác ái bằng tiếng Pháp. Báo được in tại Đông Kinh Ấn Quán (Imprimerie Tonkinoise) tại 14-16 phố Hàng Bông (Rue du Coton), Hà Nội, đây chính là nhà in của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi.
Nam Phong Tạp Chí do Hội khai trí tiến đức lập ra nên nó phản ánh mong muốn tôn chỉ mục đích của hội như đúng cái tên của hội mà Bạch Thái Bưởi là chi hội phó. Trên măng séc, tạp chí Nam Phong lại có phụ đề khác bằng tiếng Việt Văn học – Khoa học – Tạp chí. Chủ bút phần quốc ngữ Phạm Quỳnh, phần chữ nho Nguyễn Bá Trác. Các đề mục đặc biệt có liên quan tới giáo dục do các nhà tân nho như Phan Kế Bính và Nguyễn Đỗ Mục, hoặc các trí thức Tây học Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn đảm trách và được duy trì suốt trong suốt thời kỳ ra báo: Luận thuyết, Văn học bình luận, triết học bình luận, Khoa học bình luận, Văn tuyển, Tạp trí, Thời đàm, Tiểu thuyết.
Bằng việc thiết kế như vậy, Nam Phong tự nhận trách nhiệm về giáo dục như Đông Dương tạp chí từng làm. Cũng trong số đầu tiên, bức ảnh Albert Sarraut (1872-1962) được chú thích là người thành lập Đại học Đông Dương chứ không phải bằng chức danh quan toàn quyền. Rõ ràng, tạp chí Nam Phong là một cách thức giáo dục khai dân trí dành cho quốc dân mà Phạm Quỳnh muốn theo đuổi. Với cách học qua tạp chí như thế, học không chỉ là lên lớp để lấy bằng, mà còn học để lấy tri thức như ông viết: “đương buổi bây giờ không cần cấp bằng gây lấy một cái cao đẳng học thức để thay cái học thức cũ đã gần mất”.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Ngoạn dẫn lời đài quốc tế Pháp RFI tiếng Việt cho biết bà hoàn toàn có lý khi gọi Phạm Quỳnh cùng các bạn đồng chí là những “giáo sư” trong một trường học mở theo lối mới để đáp ứng một nhu cầu học mới. Trong hoạt động của kiểu trường học không có trụ sở này, giáo sư không giao bài cho học sinh, không sửa bài, mà chỉ muốn “tâm tình với bạn đọc như với bạn cố tri”, nhận những câu trả lời từ bạn đọc để từ đó có những bài viết thể hiện được.
Tính chất trường học góp phần tạo nên tính điển phạm ở cả khía cạnh kiến thức lẫn hành vi của cuộc đời. Điều ấy còn tương ứng với một kỳ vọng khác của Phạm Quỳnh khi ông viết: “Nước cốt ở dân, dân chủ ở một bọn người gọi là “thượng-lưu”, hay bọn “thức giả xã hội”, như nhà có nóc vậy.” Nhà không có nóc thì ở sao. Nước không có một bọn thượng-lưu trí-thức để giữ-gìn cái cốt-cách trong nước, thì sao gọi là một nước được? Có nhà danh-sĩ Pháp đã nói rằng Nước Pháp sở-dĩ là nước Pháp, cũng chỉ nhờ bởi bốn năm mươi người đại-trí. Nếu không có họ thì nước Pháp không còn là nước Pháp nữa”.
Chi tiết “bốn mươi người đại trí” của Hàn Lâm Viện Pháp, mà Phạm Quỳnh thường xuyên cho in lại trên Nam Phong những bài viết của các thành viên hoặc của các giáo sư đại học Paris, hàm ý tham vọng xây dựng một lớp trí thức mới mẫu mực, tinh túy cho thời đại mới.
Vậy ai là những thành viên có thể tham gia vào nhóm bốn mươi người Việt đó? Hẳn nhiên trước hết chính là những ai từng bỉnh bút cho Nam Phong giai đoạn đầu như Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục và Nguyễn Mạnh Bổng. Họ tất thảy đều có hai yếu tố rất quan trọng đối với giới trí thức Việt Nam đương thời: uy tín và tuổi tác.
Phạm Quỳnh cùng tờ báo của mình không chỉ hoàn thành một vai trò nhà báo đưa tin như cái măng-séc đã ghi ban đầu, mà còn có tham vọng giữ một tiếng nói chính thức về mặt học thuật đương thời trên trường trí thức mới đương thành lập. Dù tiếng nói đó đôi lúc trở nên học phiệt như Phan Khôi sau này từng lên tiếng, nhưng người ta không thể không ghi nhận một kỳ vọng lớn lao ấy của Phạm Quỳnh về lớp “thượng lưu trí thức để giữ gìn cốt cách trong nước, để bồi dưỡng cái quốc-túy”.
Phong Hóa ra đời vào những năm 1930 đã chấm hết sự tồn tại Nam Phong. Nhưng chắc chắn lớp trí thức tư sản trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng đã được thừa hưởng rất nhiều từ cái khát vọng thượng lưu trí thức của Phạm Quỳnh như một nền tảng của trường trí thức thời hiện đại.