Ngành du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nên tập trung vào dòng khách cao cấp
Ngành du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ưu tiên tập trung vào khách cao cấp, hạng sang có khả năng chi trả cao, ở lâu hơn. Từ đó, định vị điểm đến Việt Nam cao cấp, khai thác mỏ vàng di sản văn hóa và thiên nhiên – Pham Ha, CEO Lux Group
Việc tự do di chuyển đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Cùng đó, việc mở cửa đường bay quốc tế vào 15/3 sẽ là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Sự phục hồi của ngành du lịch được kỳ vọng trở thành đòn bẩy, giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở lại “thời hoàng kim”.
Bởi sự hồi phục của lĩnh vực du lịch sẽ tác động tích cực tới công suất phòng, số phòng. Mặt khác, trong phát triển kinh tế, du lịch là điểm rất mạnh của Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác và định vị một cách xứng tầm.
Do đó, việc mở cửa hoàn toàn du lịch cùng với chiến lược phát triển định vị thị trường du lịch Việt Nam là cơ sở vững chắc để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có “đất diễn” bền vững.
Xung quanh vấn đề Việt Nam mở cửa du lịch, nên hướng định hướng thị trường du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ra sao, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group.
PV: Thưa ông, việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào ngày 15/3 được cho là đòn bẩy kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới, đồng thời đây cũng là điều kiện để ngành du lịch, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phục hồi nhanh. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
Ông Phạm Hà: Du lịch nội địa đương nhiên không thể thay thế được du lịch quốc tế. Bởi doanh thu và lợi nhuận từ khách quốc tế luôn cao hơn rất nhiều so với khách nội địa.
Trong 2 năm vừa qua, hạ tầng cơ sở du lịch của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, có thêm cảng biển mới, hạ tầng đường bộ tốt hơn, nhiều khu du lịch, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương cũng mang tầm vóc quốc gia và khu vực, hướng tới những phân khúc cao cấp hạng sang.
Đồng thời, trong 2 năm vừa qua, du lịch Việt Nam cũng đã có rất nhiều sự chuẩn bị để đưa đến cho du khách quốc tế những trải nghiệm mới. Như vậy, khi mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, kết hợp với du lịch xúc tiến, tháo gỡ những lút thắt của ngành, cùng các cơ chế chính sách thông thoáng chắc chắn sẽ giúp cho ngành du lịch tăng trưởng trở lại tốt hơn.
Qua đó, cũng giúp phát triển kinh tế xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm, và cũng thúc đẩy một số ngành nghề khác tăng trưởng trở lại như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, số lượng phòng, công suất phòng sẽ có tỷ lệ lấp đầy cao hơn.
PV: Theo ông, sau khi mở cửa du lịch, ngành du lịch và các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nên đón khách đại trà hay tập trung vào thị trường, phân khúc du khách nào?
Ông Phạm Hà: Về cơ bản ngành du lịch đang đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Việc thiếu nhân lực sẽ khiến cho chất lượng ngành kém đi. Bởi nhân lực có chất lượng tốt thể hiện ở năng lực chuyên môn, thái độ, hiểu biết và tâm của người làm nghề sẽ tạo ra dịch vụ chạm tới cảm xúc của du khách một cách tốt nhất.
Trong khi đó, du lịch Việt Nam đang hướng đến dòng khách cao cấp nghỉ dưỡng nhiều hơn, do đó trong thời gian tới muốn phát triển bền vững cần tháo gỡ các nút thắt như chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng và việc xúc tiến du lịch sao cho đúng và trúng. Đặc biệt là việc định vị thương hiệu du lịch để có thể thu hút lượng khách quốc tế.
Sau Covid-19, hành vi tiêu dùng của du khách thay đổi rất nhiều. Theo đó, công ty du lịch, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Nói chung, do thiếu nguồn nhân lực nên tôi cho rằng, ngành du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nên tập trung vào dòng khách cao cấp, ưu tiên chất hơn lượng. Bởi đó là dòng khách sẵn sàng chi trả cao hơn, ở lâu hơn, họ có cũng có yêu cầu về các sản phẩm du lịch, nơi lưu trú xanh, sạch, hướng đến chăm sóc sức khoẻ, an toàn… Hơn nữa, chúng ta không bán cái chúng ta có mà phải bán cái khách hàng cần, muốn vậỵ phải định vị cho được thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam trong mắt khách hàng tiềm năng.
PV: Thưa ông, đúng là du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, có di sản và văn hoá phong phú nhưng chưa định vị được thương hiệu du lịch quốc gia. Vậy với quan điểm của ông, trong bối cảnh mới mở cửa du lịch, nếu định vị được thương hiệu du lịch Việt Nam thì ngành du lịch, ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội bứt phát như thế nào?
Ông Phạm Hà: Việt Nam chúng ta vẫn loay hoay chọn lựa du lịch đại trà hay cao cấp. Thực tế là trong thời gian qua, một trong những điểm yếu của ngành du lịch là tập trung quá nhiều vào một điểm khiến cho nơi lưu trú quá tải, ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực không đảm bảo, dịch vụ đi xuống…
Theo đó, về lâu dài, du lịch Việt Nam cần có một định hình, định vị thương hiệu quốc gia tốt. Trong khu vực, Việt Nam có thế mạnh về di sản và biển thì chúng ta có chọn để định vị làm thương hiệu quốc gia, để từ đó thực hiện các chiến lược dài hơi để Việt Nam trở thành một điểm đến cao cấp trong khu vực. Khi định vị được thương hiệu, Việt Nam sẽ có các chính sách, hình ảnh, chương trình xúc tiến, nội dung xúc tiến hiệu quả hơn, truyền bá tốt hơn hình ảnh đất nước Việt Nam ra với thế giới.
Với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hiện tại nhiều khách quốc tế cũng đang lựa chọn các khu nghỉ dưỡng cao cấp hạng sang, đáp ứng nhu cầu xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sau Covid-19, khách luôn muốn chọn những khu nghỉ dưỡng có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường và mang đậm chất văn hoá bản địa.
Do đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần thay đổi các chiến lược xây dựng, làm mới các khu nghỉ dưỡng của mình để đáp ứng nhu cầu cũng như thu hút được dòng khách. Tóm lại nếu biết tận dụng và phát huy các thế mạnh của tiềm năng du lịch thì ngành du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tạo ra nhiều đột phá mới khi mở cửa trở lại.
Cơ hội phục hồi cho du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở các nước hiện nay là như nhau. Nước nào chuẩn bị tốt và nhanh thích ứng thì sẽ nắm bắt được cơ hội vàng này.
Tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành quốc gia du lịch hàng đầu châu Á về di sản và du lịch biển. Ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng dự vào thế mạnh này để vận hành khai thác các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng,…
PV: Một câu hỏi cuối cùng, xin ông có thể chia sẻ động lực nào giúp của Lux Group tăng trưởng trong thời gian qua và trong bối cảnh mở cửa du lịch trở lại?
Ông Phạm Hà: Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp du lịch hay bất động sản du lịch nghỉ dưỡng gặp khó khăn thì mọi người đã thấy. Tuy nhiên, với Lux Group, trên hệ sinh thái lớn gồm nhiều lĩnh vực nên trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội. Với sự kiên tâm, kiên định, kiên cường của toàn bộ lãnh đạo và nhân viên, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi 100% từ phục vụ khách quốc tế sang khách nội địa cao cấp. Việc thích ứng nhanh, chuyển đổi dòng khách đã tạo ra dòng tiền giúp Lux Group tiếp tục vận hành và phát triển trong 2 năm dịch bệnh qua.
Việc nhanh chóng chuyển đổi, cộng với việc duy trì kết nối với các đối tác nước ngoài trong thời gian dịch bệnh vẫn tạo ra cơ hội cho chúng tôi. Bởi khi Việt Nam nằm trong đợt bùng dịch lần thứ 4 nhưng ở một số quốc gia họ đã mở cửa trở lại và vẫn cần nghiên cứu, mở rộng thị trường, làm mới thương hiệu…. Tôi cho rằng, Covid-19 chỉ là giai đoạn để ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp chúng tôi phát triển chậm lại tạo khoẳng lặng cần thiết để nhìn lại, làm mới mình và sẵn sàng cho chặng đường phát triển tiếp theo bền vững hơn.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thay vì ngồi im chờ đợi, nhiều công ty du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, thu hút khách, phương thức bán hàng để thích nghi và “sống chung với dịch”, đồng thời sẵn sàng cho sự trở lại chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!