Thị trường du lịch: “Không nên để trứng vào cùng một giỏ”
Xuất thân từ giảng viên tiếng Pháp, với đam mê lịch sử, ngưỡng mộ những di sản của đất nước, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group quyết định rẽ hướng sang làm du lịch vì theo ông đây là nghề hạnh phúc, làm cho người khác vui, làm cho người khác nhớ.
Từ giảng viên đến nay Lux Group của doanh nhân Phạm Hà đã có hệ sinh thái xe vận tải hành khách Luxtrans Limousine, lữ hành Lux Travel DMC, Luxury Travel, khu nghỉ núi Secret Hideaways Pù Luông, đội du thuyền Emperor Cruises Phú Quốc, Nha Trang và Hạ Long, Heritage Bình Chuẩn trên quần đảo Cát Bà,…
Bước ngoặt vào cuối năm 2019, ông cho ra mắt Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn tại Cát Bà (Hải Phòng) với kỳ vọng sống dậy con tàu Bình Chuẩn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi từ thế kỷ 20, gửi gắm mong muốn người Việt đi tàu Việt.
Gặp bão lớn cần người thuyền trưởng giỏi
Người Đưa tin (NĐT): Suốt 2 năm thị trường đóng cửa, nhiều doanh nghiệp giải thể, Lux Group đã có những hướng đi nào để chèo lái vượt qua khủng hoảng ?
Ông Phạm Hà: Khi bão lớn chúng ta không thay đổi được hướng gió nhưng sẽ thay đổi được cánh buồm để đưa mọi người về bờ an toàn.
Trước Covid-19, Lux Group là tập hợp của những tí hon vĩ đại, chúng tôi tập trung 100% vào khách du lịch nước ngoài.
Nhưng khi nguồn khách này không còn nữa, con thuyền đã nhanh chóng chuyển sang phục vụ khách nội địa nhằm duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp.
Không phải là người duy nhất lựa chọn con đường này, tuy nhiên điểm khác biệt là khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ chuẩn châu Âu, biết đến những dịch vụ sang trọng mà trước kia chỉ dành cho khách nước ngoài.
Chưa dừng lại ở đó, đây là cơ hội khởi nguồn cho thói quen người Việt Nam đi tàu Việt Nam, viết tiếp câu chuyện cụ Bạch Thái Bưởi năm xưa. Chính việc lấy cảm hứng từ di sản giúp Lux Group không chỉ bán kỳ nghỉ trên du thuyền mà còn bán câu chuyện, bán sự trải nghiệm.
Khi chuyển sang khách nội địa, tôi cũng nhận thấy đây là thị trường lớn với gần 1 trăm triệu dân, nhóm người giàu và cận giàu ngày càng tăng. Thời điểm đó chúng tôi đã nhanh chóng tìm hiểu và xây dựng chân dung khách hàng, thay đổi menu và trải nghiệm mới, phong cách mới phù hợp với người Việt và kỳ vọng những gì mang lại sẽ vượt qua kỳ vọng của khách hàng.
NĐT: Các doanh nghiệp hiện nay có đang bỏ qua tiềm năng của thị trường trong nước ?
Ông Phạm Hà: Đển phục vụ thị trường Việt Nam, cần có một tư duy khác và doanh nghiệp chỉ làm cái mình giỏi và thích nhất.
Covid -19 tác động lớn vào hành vi tiêu dùng của du khách. Khi không thể đi du lịch nước ngoài, các khách hàng tầm trung và cao cấp lại có nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới ở trong nước.
Cũng nhờ đó, chính người Việt Nam mới thấy được vẻ đẹp di sản của nước mình, chúng ta vẫn có những dịch vụ đẳng cấp quốc tế – những thứ mà khách nước ngoài phải bay hàng nghìn cây số mới thấy được trong khi chúng ta lại rất dễ dàng chiêm ngưỡng.
Trong kinh doanh, đã là tiềm năng thì không thể bỏ qua mà cần tập trung đúng lúc, đúng thời điểm. Thực tế khách quốc tế không thể thay thế khách nội địa và ngược lại, mỗi một thị phần đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển bền vững. Chúng ta không nên quá phụ thuộc vào một thị trường mà cần bay lên bằng đôi cánh.
NĐT: Lux Group có đang rơi vào tình trạng thiếu người làm ?
Ông Phạm Hà: Ngành du lịch đang đối mặt với việc chảy máu nguồn nhân lực, phần lớn đã chuyển đổi sang ngành nghề khác và không có ý định quay trở lại. Hiện tại chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyển dụng, chào đón lại những nhân sự đã nghỉ trong thời gian dịch bệnh.
Ngoài ra vẫn cần tiếp tục đào tạo nhân lực mới, tạo nguồn từ những trường đại học, kết hợp các trường nghề, sao cho nguồn nhân lực, đầu ra của nhà trường sẽ là đầu vào của doanh nghiệp.
Mặc dù Lux Group vẫn hoạt động liên tục trong suốt hai năm qua, nhưng vẫn phải đối mặt với việc những doanh nghiệp đóng cửa khi quay trở lại sẽ lấy cắp nhân sự, thay vì đào tạo họ sẽ trả lương cao hơn, lôi kéo nhân sự đang làm việc, sống xót tại các công ty trong Covid-19.
NĐT: Bài học rút ra cho doanh nghiệp sau khi chuyển hướng là gì ?
Ông Phạm Hà: Với câu chuyện nguồn khách quy tắc “không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ” là bài học thể hiện rõ nhất, khi phải đa dạng hóa thị trường nhưng nên chú trọng khách nội địa. Đơn giản, vì đây là hoạt động kinh doanh trên đất nước mình, nói tiếng Việt và chúng ta hiểu người Việt hơn bất kỳ ai.
Để đảm bảo duy trì hoạt động cho doanh nghiệp cần có dòng tiền, nguồn tài chính phải chuyển đổi nhanh nhất thành dòng tiền trong mọi điều kiện như chiến tranh, dịch bệnh. Có những tài sản chuyển đổi nhanh chóng thành tiền là điều rất quan trọng.
Và sau tất cả, nhân sự là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp được thực sự phát huy khi gặp khó khăn. Những người ở được với công ty là người đồng hành trong bão lớn cùng chèo lái con thuyền về bờ.
Trong mọi hoàn cảnh, cần suy nghĩ chậm lại để thành công bởi đi nhanh chưa chắc đã đúng nhưng đi đúng chắc chắn sẽ nhanh.
Trăn trở mang văn hóa vào trải nghiệm của du khách
NĐT: Ông có những ý tưởng gì cho Lux Group sau phục hồi ?
Ông Phạm Hà: Một trong những khác biệt độc đáo của Lux Group luôn tạo ra, đầu tư vào những sản phẩm hướng đến câu chuyện văn hóa, lịch sử, mỹ thuật và ẩm thực của Việt Nam.
Di sản của Việt Nam rất giàu có, sứ mệnh của người làm du lịch là đưa được trải nghiệm của du khách gắn với câu chuyện văn hóa. Kể lại lịch sử bằng ngôn ngữ du lịch.
Sau đại dịch khách hàng quan tâm đến những trải nghiệm xanh, giúp con người khỏe mạnh, giàu có về mặt trí tuệ và cảm xúc. Chính những yêu cầu đó nên những sản phẩm của Lux Group đều nhắm tới tâm-thân-tuệ của du khách.
Nha Trang và Phú Quốc sẽ là điểm đến tiếp theo của con tàu Bình Chuẩn. Bước tiến xa hơi của Lux Group sẽ là khu vực Tây Bắc những địa điểm gắn với tựa thơ “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy” trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Chúng tôi muốn biến các điểm đến trở thành câu chuyện ký ức, để lúc về du khách có thứ nhớ về chuyến đi, sau tất cả mọi thứ sẽ quên chỉ có những câu chuyện còn lại.
NĐT: Theo ông cơ quan báo chí/ truyền thông nên làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá du lịch Việt Nam ?
Ông Phạm Hà: Điều đáng buồn là Việt Nam chưa có định vị thương hiệu quốc gia, từ đó làm cho chúng ta không biết nói gì, thông điệp như thế nào đến với bạn bè quốc tế.
Hiện nay vẫn mạnh ai người nấy làm, các địa phương không có sự thống nhất trong việc làm truyền thông. Chúng ta vẫn đang loay hoay chưa biết định vị thương hiệu, các sản phẩm, hình ảnh quảng bá chất lượng chưa được như kỳ vọng.
Để làm tốt hơn cần định vị lại thương hiệu quốc gia, hiểu rõ thế mạnh, tìm ra cái mới, độc đáo so với các đối thủ cạnh tranh như văn hóa, ẩm thực, con người và các di sản đấy sẽ là thứ định vị thương hiệu Việt Nam.
Từ đó mới có những chiến dịch theo chủ đề, điều quan trọng cần tất cả mọi người cùng nói một ngôn ngữ truyền thông, thông điệp thì mới có thể tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Không thể phủ nhận truyền thông là một kênh hiệu quả. Nhưng người dùng thay đổi, cách quảng bá cũng phải thay đổi. Cần sử dụng đa dạng các kênh mạng xã hội khác nhau, chia nhỏ từng phân khúc thị trường theo ngôn ngữ, địa lý, sẽ có những chiến lược khác nhau, nói ngôn ngữ khách hàng muốn nghe.
Đối với khách trong nước mặc dù đã có “gu” nhưng văn minh du lịch còn kém, cần có truyền thông để cải thiện điều này, để người Việt hiểu đi du lịch cần phải có ứng xử văn minh với điểm đến, con người, di sản, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
NĐT: Là một trong những doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng, ông có những lời khuyên nào cho những startup trong ngành ?
Ông Phạm Hà: Thực tế, ngành du lịch của Việt Nam chỉ mới bắt đầu so với các nước trong khu vực. Năm 2019, chúng ta mới đón được 18 triệu lượt khách quốc tế, vẫn là con số nhỏ so với các nước. Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Du lịch Việt Nam cần có những doanh nghiệp mạnh dạn tạo ra những thương hiệu mới cạnh tranh với thế giới.
Covid-19 làm cho các hoạt động chậm lại chứ không phải là sự khó khăn của ngành. Mặc dù có một số những công ty truyền thống biến mất, một số hình thức kinh doanh, cách thức đi du lịch sẽ biến mất, nhưng đấy sẽ là cơ hội cho nhiều công ty khởi nghiệp tạo ra những xu hướng mới, trải nghiệm mới những cách tiêu dùng mới.
Đặc biệt, nên tập trung vào những nhóm gen Z, những khách hàng có tư duy khác, hướng tới cho những người dùng mới nổi, sẽ là mảnh đất nhiều cơ hội để khởi nghiệp.
NĐT: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông !
Thực hiện: Hoa Trà
Ảnh: Hữu Thắng