Chiến lược Marketing du lịch quốc gia Việt Nam đến năm 2030

March 4, 2023 By Uncategorized Comments Off

Ngày 2/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL.

Theo đó, Chiến lược được ban hành nhằm quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Du lịch Việt Nam sẽ hướng đến củng cố, nâng cao sự nhận biết, hiểu biết, sự quan tâm, yêu thích và sự hài lòng đối với điểm đến du lịch Việt Nam; Khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, được lựa chọn hàng đầu tại các thị trường mục tiêu, đáp ứng nhu cầu khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; Tăng lượng truy cập website, lượng thành viên tham gia các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác của các hoạt động marketing kỹ thuật số.

Đồng thời, cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số liên quan marketing du lịch (về chiến lược phát triển thương hiệu điểm đến quốc gia, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ du lịch, mức độ cạnh tranh về giá…) thuộc Bộ chỉ số đánh giá Năng lực phát triển du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Mục tiêu đến năm 2025, phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 – 15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 – 5%/năm.

Về định vị thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia, tiếp tục làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với tiềm năng, lợi thế quốc gia, bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc sắc, di sản lâu đời, con người nồng hậu, cảnh quan tươi đẹp, kết nối với yếu tố cảm xúc, tinh thần của khách du lịch, đảm bảo đem lại các trải nghiệm du lịch độc đáo, nguyên bản, chân thực. Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu, gắn thương hiệu du lịch Việt Nam với thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu điểm đến địa phương, thương hiệu sản phẩm du lịch. Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống thương hiệu.

Về tiêu đề, biểu tượng, tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam – Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Phát triển các tiêu đề, biểu tượng nhánh phù hợp với các thị trường mục tiêu theo từng giai đoạn.

Về định hương sản phẩm du lịch, tập trung tiếp thị các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu gồm có: Du lịch biển, đảo, du thuyền (www.lux-cruises.com); Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch đô thị, trong đó, tập trung vào các đô thị trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Đà Lạt, Sa Pa; gắn kết du lịch với phát triển kinh tế ban đêm.

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền, du lịch làm đẹp.

Về định hướng thị trường quốc tế, giai đoạn 2022-2025, phục hồi các thị trường truyền thống; kết hợp thu hút các thị trường mới nổi: Ấn Độ, các nước Trung Đông. Giai đoạn 2026-2030, duy trì và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống: các nước Đông Bắc Á, Châu Âu, khu vực ASEAN, Bắc Mỹ, Nga, Châu Đại dương; tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao; đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững.

Đối với thị trường nội địa, giai đoạn 2022-2025, sẽ phục hồi và giữ vững đà tăng trưởng của thị trường khách nội địa. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa, đa dạng hóa các phân khúc thị trường mục tiêu gồm khách gia đình, thanh niên, giáo dục, khách doanh nghiệp, khách MICE. Tập trung thúc đẩy lượng khách có sử dụng dịch vụ lưu trú, khách đi du lịch vào mùa thấp điểm.he

Chiến lược cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó đáng chú ý là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn, kết hợp hiệu quả giữa các hình thức quảng bá truyền thống và hiện đại.

Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch marketing kỹ thuật số gắn kết với kết quả phân tích, đánh giá dữ liệu thực tế. Tập trung đầu tư marketing nội dung, xây dựng cơ chế phát triển, phân phối nội dung, các sản phẩm sáng tạo và cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động marketing du lịch; Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.

Tổng cục Du lịch là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam. Trên cơ sở kinh phí được ngân sách nhà nước cấp và mục đích hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch quy định tại Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, triển khai các nhiệm vụ của Chiến lược. (TITC)

Hoạ sĩ, chiến sĩ Phạm Lực kể chuyện di sản Việt Nam bằng tranh

March 4, 2023 By Uncategorized Comments Off

Phạm Lực, Picasso Việt Nam, Hoạ sĩ chiến sĩ sống qua hai thế kỷ kể chuyện chiến tranh, hoà bình, di sản nước Việt bằng hội hoạ bậc thầy.

Vài nét chính

Được biết đến với tên gọi “Picasso của Việt Nam”, Phạm Lực (1943) là một trong số hiếm hoi những họa sĩ đã vượt qua mọi giới hạn tiền lệ. Thật khó có thể tin được, ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng mỗi ngày, họa sĩ Phạm Lực đều có thể đứng trước giá vẽ hơn 12 tiếng và vẽ nên hơn chục bức tranh. Nhẩm tính, một năm sẽ có đến hơn ngàn bức tranh được ông thổi hồn cho tới khi bị tai biến và không thể vẽ được nữa.

Hầu hết những bức vẽ của ông đều được chăm chút bằng tất cả niềm say mê và tỉ mỉ. Song trong số ấy, cũng có không ít những tác phẩm được ra đời chỉ bằng vỏn vẹn những nét vẽ phóng khoáng hay sự thăng đầy hoa ngẫu hứng của người họa sỹ tài ba.

Không chỉ kiên định trong tình yêu nghệ thuật, người họa sĩ với vóc dáng nhỏ gọn, nhưng đậm người này vẫn luôn “một lòng một dạ” với phong cách ria rậm, tóc dài, cố hữu của mình, đặc biệt ngay cả khi ông đang trong thời gian tại ngũ, sống và làm việc tại nơi được biết đến với vô vàn những quy định khắt khe về tác phong, thẩm mĩ.

Thành công trên con đường nghệ thuật, song có lẽ ít ai biết đến tận tường những trở trăn, gian khổ và cả những lận đận trong câu chuyện đời, chuyện tình của ông.

Phải chăng, nhờ tư chất thiên tài, nguồn năng lượng dồi dào, kỹ thuật dụng màu thiên biến vạn hóa, hay bởi cuộc đời đầy những sóng gió, thăng trầm và cả những câu chuyện tình duyên dang dở đã khiến họa sĩ phạm lực được biết đến nhiều hơn qua những cái tên gắn liền với những nhà cầm cọ đại tài của thời đại?

Qua bài viết này, hãy cùng nhau giải mã bí ẩn đó, đồng thời thông trang đời sống động của người họa sĩ đặc biệt ấy, nền hội họa Việt Nam trong thời hiện đại cũng sẽ phần nào được khắc họa rõ nét.

1. Phạm Lực là ai?

Phạm Lực sinh ngày 14 tháng 3 năm 1943 tại miền quê Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, (Cố đô của vương triều Nguyễn). Cha ông, khi ấy là một vị quan cấp thấp trong cung đình. Tuy thân phụ của ông chỉ có ba người vợ chính thức, nhưng bên cạnh đó lại còn những mối quan hệ phức tạp bên ngoài, vì thế không ai biết đích xác cha ông có bao nhiêu người con. Chỉ biết, Phạm Lực là một trong ba người con trai của người vợ thứ hai.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nhà nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Tuy nhiên, nước đô hộ khi ấy là Pháp vẫn chưa công nhận Việt Nam là một nước Dân Chủ Cộng Hòa mà chỉ coi nước ta như thuộc địa. Để tránh khỏi thảm cảnh xung đột, mẹ Phạm Lực đã đưa 3 con trai về nương nấu tại quê ngoại (Hà Tĩnh). Mẹ ông cũng chính là cháu gái của đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) – một trong những nhà thơ lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, tác giả của tập truyện thơ “Kim Vân Kiều” viết vào đầu thời Nguyễn.

Ngay từ khi mới 3 tuổi, Phạm Lực đã thể hiện tài năng cũng như tình yêu đặc biệt của mình với hội họa. Khi ấy, đâu đâu cậu bé Phạm Lực cũng vẽ được, từ tường nhà, ngõ xóm cho đến các công trình ở công viên. Tài năng hội họa đặc biệt của Phạm Lực đã sớm được mọi người thừa nhận và thu hút sự chú ý của những người sống xung quanh.

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Phạm Lực được nhận vào khóa 3 năm của Trường Cao đẳng Mỹ thuật tại Hà Nội. Năm 1962, ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật với vị trí thủ khoa. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm việc tại Phòng Văn hóa tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, ông không làm việc ở đây lâu mà sớm được chuyển sang đội công an vũ trang và được phân công làm trong ban điện ảnh quân đội.

Tiếp theo đó, năm 1965, ông nhận nhiệm vụ làm giáo viên hội họa của Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Đây là ngôi trường nơi con em của các cán bộ Đảng và quân đội học tập.

Mùa hè năm 1965, Phạm Lực về nước với tư cách là nhân viên của Tổng cục Chính trị thuộc Trường Thiếu sinh quân và được đưa về Thanh Hóa để thẩm tra tư cách Đảng viên. Lúc bấy giờ, việc thẩm tra tư cách Đảng viên được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, để được công nhận chính thức là Đảng viên, phải thể hiện được tinh thần dũng cảm trong thời gian “đấu tranh” hay còn gọi là thời gian thử thách trong 12 tháng.

Trực tiếp quan sát chiến trường Hàm Rồng, Phạm Lực lần đầu tiên trong đời đã trải nghiệm sự khốc liệt và tàn khốc của chiến tranh. Ông cũng chứng kiến cánh máy bay Mỹ bị bắn hạ, cảnh rất đông người chết và người bị thương được thu gom về cùng một nơi. Tại cơ sở thu gom, Phạm Lực có bữa ăn cùng rất đông người khác, nhưng ông đã từ chối ăn khi trước mắt mình là thi thể của những người đã mất. Do vậy, việc vào Đảng của ông bị hoãn một năm.

Năm 1967, Phạm Lực chuyển về làm việc với tư cách là giảng viên nghệ thuật tại Cục Văn tuyên huấn, Tổng cục chính trị. Nhiệm vụ của ông là đến các đơn vị và quân khu theo các khóa học 3 tháng, làm giáo viên dạy những người lính cách vẽ tranh tường và tranh cổ động. Khi đó, “Miền Bắc” (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và “Miền Nam” (Việt Nam Cộng hòa) đang trong tình trạng chiến tranh, với một giới tuyến, thực chất là biên giới giữa hai chính thể, được vạch ra ở Vĩ tuyến 17. Người ta gọi đường ranh giới đó là giới tuyến quân sự.

Phạm Lực đã có thời gian giảng dạy ở Khu IV – quân khu của “Miền Bắc” gần nhất với vĩ tuyến 17. Ngoài ra, ông cũng có thời gian làm việc tại Bộ tư lệnh 559 – đơn vị quản lý tuyến đường mòn bí mật vận chuyển Vật tư và binh Sĩ từ Bắc vào Nam, được gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là một nghệ sĩ quân đội, cũng trong thời gian đó, Phạm Lực vẫn duy trì sự nhạy cảm của một nghệ sĩ độc lập. Trong khi Đường mòn Hồ Chí Minh thời bấy giờ là đối tượng sáng tác trung tâm nhất của các họa sĩ Miền Bắc, Phạm Lực lại chọn cho mình một đề tài theo đuổi riêng.

Trong những năm tháng ấy, đã có một khoảng thời gian nhất định, Phạm Lực từ chối việc vẽ tranh theo những chủ đề đã được giao. Thay vào đấy, bên cạnh việc hoàn thành công việc mang tính nghĩa vụ, Phạm Lực cũng vẽ về những đề tài khác. Ông tận dụng buổi tối cũng như mọi thời gian rảnh rỗi đồng thời tận dụng mọi dụng cụ có thể sử dụng được để vẽ những điều mà mình muốn, vẽ ở mọi địa điểm, dù là tiền tuyến hay hậu phương.

Tranh của Phạm Lực khi đó, dù là những bức tranh khỏa thân nhạy cảm hay về đề tài lãng mạn cũng đều được lột tả hết sức tinh tế. Tại Miền Bắc vào thời điểm đó, tuy những đề tài tương tự không được khuyến khích, cũng không bị cấm đoán, song việc công bố thì lại bị nghiêm cấm. Đối với một cán bộ quân đội lại là Đảng viên như Phạm Lực, cuộc sống hai mặt với một mặt là người nghệ sĩ đi kèm với rất nhiều rủi ro. Do đó, Phạm Lực đã hết sức lưu ý giữ gìn những bức tranh đó, chỉ đưa ra xem đối với những người bạn thực sự tin cậy và được lựa chọn kỹ càng.

Bên cạnh đó, vải và màu vẽ khi đó do Liên Xô và Trung Quốc cung cấp nên rất thiếu thốn, Phạm Lực cũng không còn cách nào khác là phải luôn nỗ lục tìm kiếm những vật dụng có thể sử dụng. Đế vẽ được, ông phải trưng dụng bao gạo đã rỗng, cố gắng vẽ tranh bằng tất cả những gì có trong tay. Có những lúc, ông phải thử dùng cả đầu bẩn còn sót các bình xăng thay cho màu đen. Phạm Lực đã là một họa sĩ với căn tính ưa thích việc vẽ tranh một cách hết sức bản năng như vậy.

Năm 1972, ông tham gia một khóa đào tạo về hội họa ở cấp đại học và tốt nghiệp năm 1977. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 – ngày Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Phạm Lực khi đó đang tham gia một khóa bồi dưỡng ở Quân khu 4 thuộc tỉnh Nghệ An. Phạm Lực nói ông nhớ rất rõ cảm xúc ở thời điểm đó. Đó là thứ cảm xúc sung sướng và được giải thoát, vì từ giờ ông có thể về Hà Nội, có thể gặp gỡ thường xuyên hơn mẹ mình vốn sống ở vùng ngoại ô Hà Nội, cũng như gặp lại biết bao người mà lâu lắm ông không được gặp.

Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, ông đã được đến Thủ đô Sài Gòn của Miền Nam Việt Nam – vốn trước đó là quốc gia đối địch, trong một chuyến đi chính thức. Dọc đường, ông đã tạt qua Cố đô Huế ở Miền Trung và gặp lại cha mình. Mấy tháng trước đó, cha ông đã gửi một lá thư về quê ông ở Hà Tĩnh để liên lạc với mẹ con Phạm Lực. Trong lá thư đó, cha ông đã ghi lại địa chỉ của mình ở Huế. Khoảnh khắc bước vào cửa, gặp lại cha mình và những người anh chị em họ đã đẩy lên trong tâm khảm Trung tá Phạm Lực một cảm xúc rất lẫn lộn, vừa vui mừng nhưng cũng có chút sợ hãi.

Đó là vì trong gia đình ông, không phải tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với chiến thắng của phe Miền Bắc, cũng không phải tất cả mọi người trong gia đình ông đều cảm thấy tự hào khi đón tiếp một thành viên đang mang trên mình bộ quân phục cán bộ Quân đội Nhân dân của quân đội Miền Bắc. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, tình cảm huyết thống đã vượt qua quan điểm chính trị. Phạm Lực đã giải tỏa được sự e ngại ban đầu với những người anh chị em họ và nhanh chóng trở nên thân thiết. Sau đó, một người anh chị em họ của Phạm Lực do là binh sĩ Miền Nam nên bị đưa vào trại cải tạo. Phạm Lực đã đứng ra viết đơn bảo lãnh đề người thân được phóng thích.

Năm 1976, Phạm Lực kết hôn lần đầu tiên. Giữa ông và người vợ đâu tiên có ba người con, hai con gái và một con trai. Tuy nhiên, sau đó, hai người đã ly hôn, đến năm 1989, ông tái hôn cùng một phụ nữ Pháp, François Flane. Tuy nhiên, giữa hai người không có con chung. Vợ thứ hai của ông là một cán bộ của UNICEF, sau khi văn phòng Việt Nam bị đóng cửa, bà đã trở về Pháp. Hiện tại, ông đang sống với bà Allison Cargill, giáo viên Mỹ thuật trường Quốc tế Anh tại Hà Nội. Bà cũng là người say mê những tác phẩm hội họa của Phạm Lực và đem lòng yêu ông.

Phạm Lực làm việc trong quân đội đến năm 1989. Năm 1979, khi xảy ra Chiến tranh Trung – Việt, ông đã làm việc tại khu vực biên giới với Trung Quốc với công việc tương tự như dưới thời Chiến tranh Việt Nam là dạy những người lính cách vẽ các bức tranh tường. Phạm Lực xuất ngũ với vị trí Đại tá. Mặc dù làm việc trong quân đội trong một khoảng thời gian dài cũng như đã có những cống hiến nhất định, nhưng Phạm Lực không được tặng thưởng bất cứ một huy chương hay huân chương nào.

Phạm Lực giải thích rằng đó là vì ông chưa một lần nào viết đơn xin huân chương hay huy chương. Tóc dài và để ria là hai điều cấm kị trong quân đội, nhưng Phạm Lực đã không thay đổi phong cách của mình. Vì vậy, ông cũng không dám đến các buổi hội họp vinh danh các cán bộ chiến sĩ khi còn tại ngũ.

Phạm Lực đã vẽ hàng vạn bức tranh, nhưng ông hầu như chưa bao giờ đưa tác phẩm của mình tham dự các cuộc thi hay triển lãm chính thức được tổ chức bởi các đoàn thể như Hội Mỹ thuật Việt Nam.

2. Khái quát về nền hội họa cận đại Việt Nam

Cho đến khi giành được độc lập vào thế kỷ X, Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ trực tiếp trong suốt 1000 năm (Thời kỳ Bắc thuộc). Ngay cả sau khi độc lập, các vương triều Việt Nam cũng thống trị đất nước theo mô hình vương triều kiểu Trung Quốc. Nhà Lý (1009-1225), nhà Trần (1225-1400), nhà Lê (1428-1789), nhà Nguyễn (1802-1945) đều xây dựng cung điện theo kiểu Trung Quốc. Do vậy, chắc chắn đã tồn tại những họa sĩ để vẽ bích họa, trang trí trên tường hay trần cung điện.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu lịch sử Đào Thế Hùng (1), các họa sĩ khi đó làm việc với tư cách là những người thợ vô danh trong một nhóm thợ, ở Việt Nam không có truyền thống làm việc với tư cách là họa sĩ chuyên nghiệp độc lập.

Năm 1925, sau 40 năm bị Pháp xâm chiếm làm thuộc địa, tình hình xã hội Việt Nam đã đi vào ổn định, người Pháp đã thành lập tại Hà Nội Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Một họa Sĩ người Pháp là Victor Tardieu (1870-1937) đã có công rất lớn ương việc thành lập ngôi trường này. Việc một tác phẩm trưng bày tại triển lãm tại Paris giành được giải thưởng Đông Dương của Hiệp hội Mỹ thuật Thuộc địa Pháp đã đưa Tardieu đến Việt Nam.

Giải thưởng Đông Dương này chính là một gói học bổng đến làm việc tại Đông Dương, họa sĩ được giải sẽ nhận được một tấm vé hai chiều Paris – Đông Dương cũng như một chuyến du lịch Đông Dương miễn phí. Do chi phí ăn ở không dư giả lắm, nên thông thường, các họa sĩ chỉ lưu lại Đông Dương trong một thời gian ngắn rồi về nước.

Tuy nhiên, sau khi đến Hà Nội, Tardieu đã nhận công việc vẽ bức bích họa lớn trên tường của Đại học Đông Dương vốn đang được xây dựng, nên ông đã kéo dài thời gian lưu lại Hà Nội. Trong thời gian ở đây, Tardieu đã tìm hiểu về tình hình mỹ thuật Đông Dương cũng như giao lưu với các họa sĩ bản địa, dẫn đến ý tưởng thành lập một trường cao đẳng mỹ thuật với mục đích “bồi dưỡng những nghệ sĩ (bản địa) thông qua việc cảm hóa họ bằng những tư tưởng và phương pháp ưu Việt của nước Pháp”.

Cụ thể, Tardieu đề xuất với Toàn quyền Đông Dương Merlin về một phương án cải cách giải thưởng Đông Dương. Theo đó, họa sĩ được giải sẽ dành năm đầu tiên để du lịch Đông Dương, năm tiếp theo sẽ phải có nghĩa vụ giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Phương án này đã được chấp thuận.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được thiết lập với Pháp lệnh ngày 27/10/1924. Một năm sau đó, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã chính thức mở cửa. Các công trình kiến trúc và tổ chức cũng dần dần được hoàn thiện, để 5 năm sau, hai khoa Điêu khắc Hội họa Phác thảo và Khoa Kiến trúc đã bắt đầu tiếp nhận học viên. Khoa Điêu khắc Hội họa Phác thảo có 50 học viên, 40 người thuộc khóa dự bị, Khoa Kiến trúc có 10 người, 16 người thuộc khóa dự bị, tổng số là 116 người. Trừ khóa dự bị, thời gian tu nghiệp là 5 năm. Đại đa số học viên được chu cấp chi phí học tập, được bảo đảm điều kiện kinh tế trong suốt 5 năm, nên có thể tập trung để tiếp nhận nền giáo dục mỹ thuật.

Đội ngũ giảng viên được tổ chức rất bài bản, các họa sĩ được giải thưởng Đông Dương chủ yếu phụ trách các giờ học kỹ thuật thực tiễn, trong khi các môn lịch sử mỹ thuật, lịch sử mỹ học, khảo cổ học ủy thác cho đội ngũ giảng viên đến từ Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise de l’Extreme Orient: EFEO). Như vậy, Trường Cao đăng Mỹ thuật Đông Dương đã học tập mô hình của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, vốn đã tích lũy truyền thống và kinh nghiệm từ thời Phục hưng.

Các kỹ thuật hội họa và điêu khắc được giảng dạy thuộc trường phái Paris. Tuy nhiên, Tardieu còn có một ý tưởng tiến bộ hơn nhiều. Ông nhận thức vấn đề là “phải làm thế nào để có được sự phát triển mang tính hiện đại trên cơ sở kéo dài truyền thống”. Ý tưởng này là khuyến khích học viên trên cơ sở học tập kỹ thuật và tư tưởng của Trường phái Paris, phối hợp những kiến thức đã học được với các tư tưởng và kỹ thuật truyền thống của Việt Nam theo hướng hiện đại.

Được dẫn dắt bởi triết lý của Tardieu, các họa sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bên cạnh việc tiếp thu các kỹ thuật và nguyên lý của nền hội họa Pháp, đã thử nghiệm việc sáng tác theo các chủ đề truyền thống để hình thành nên một phương pháp hội họa riêng. Các họa Sĩ này được gọi là “trường phái Hà Nội”. Các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ đã hình thành nên “trường phái Hà Nội” này.

Công lao lớn nhất của những họa sĩ hoạt động với tư cách là chuyên gia thời kỳ đầu này là họ đã ứng dụng được các chất liệu truyền thống của Việt Nam như sơn mài hay tranh lụa vào kỹ thuật hiện đại, biến chúng không chỉ dừng lại ở những đồ thủ công trang trí mà trở thành những tác phẩm hội họa, nâng cao được giá trị nghệ thuật của chúng.

Tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có thể khai thác được nguồn sơn với chất lượng tốt. Do vậy, năm 1927, người phụ trách giảng dạy hội họa tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Joseph Inguimberty đã quyết định mở lớp hội họa sơn. Năm 1937, Tardieu qua đời, 1 năm sau tức năm 1938, Évariste Jonchère kế nhiệm Tardieu làm hiệu trưởng đã tiếp tục phát triển Khoa sơn, cũng như thành lập trường thủ công tại nhiều địa phương.

Ngoài ra, Nguyễn Phan Chánh – học viên khóa đầu tiên được Victor Tardieu nhận xét là không thích hợp với tranh dầu mà tài năng của ông hợp hơn với tranh truyền thống, sau một thời gian lao tâm khổ tứ đã tạo ra được một bước đổi mới lớn khi ứng dụng thành công kỹ thuật hiện đại trên tranh lụa. Như vậy, không chỉ dừng lại ở tranh dầu, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã dần dần chuyển sang việc giảng dạy các kỹ thuật truyền thống của Việt Nam như tranh lụa và tranh sơn.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tuy nhiên, nước Pháp đô hộ không thừa nhận nền độc lập đó, dẫn đến cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Mặc dù năm 1954, tại Điện Biên Phủ, Việt Nam đã giáng một đòn tấn công mang tính hủy diệt vào quân đội Pháp, nhưng trong bối cảnh Chiến tranh lạnh khi đó, Mỹ đã nắm lấy quyền chủ động, thành lập quốc gia “Việt Nam Cộng hòa” ở Sài Gòn, dẫn đến việc chia tách Việt Nam thành hai miền Bắc – Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa), kéo dài cuộc chiến.

 

Do tình trạng chiến tranh kéo dài trong suốt 30 năm, Miền Bắc Việt Nam đã bị cô lập khỏi thế giới, hoạt động giao lưu mỹ thuật chỉ được tiến hành với các nước Xã hội chủ nghĩa, đi theo con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, do các họa sĩ thuộc thế hệ thứ nhất lẩy mục đích sáng tạo nghệ thuật là sử dụng những phương pháp thể hiện mới mà mình đã được trang bị để phục vụ cho mục đích chính trị, nên họ bắt buộc phải tự phủ định tính cá nhân. Những họa sĩ được đào tạo đông đảo tại các trường mỹ thuật tại Hà Nội trong thời kỳ này được gọi là “thế hệ thứ hai”, nhằm phân biệt với những họa sĩ tiếp nhận nền giáo dục hội họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước đó.

Việc tiếp xúc với hiện thực Xã hội chủ nghĩa được coi là việc lựa chọn một cách có ý đồ những đề tài liên quan đến tư tưởng, với hình mẫu là các tác phẩm của Liên Xô và Trung Quốc. Những hình mẫu đó đã dẫn dắt các nghệ sĩ đến cuộc sống hiện thực, giúp họ nâng cao trách nhiệm đối với xã hội. Mặt khác, nó lại bó buộc người nghệ sĩ trong một tư duy thẩm mĩ cố định, không chấp nhận sự đa dạng.

Do vậy, các tác phẩm trong thời kỳ này tuy bao hàm nhiều giá trị cống hiến cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng về hình thức thể hiện lại thiếu đi tính sáng tạo, chỉ dừng lại ở những hình thức đơnđiệu và bình thường.

Tuy nhiên, các họa sĩ thuộc “thế hệ thứ nhất” – những người tìm kiếm phương pháp thể hiện đặc trưng của Việt Nam, cũng như “thế hệ thứ hai” đã nghiêng về phong cách hội họa ấn tượng của Châu Âu hơn là phong cách hiện thực Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và Trung Quốc.

Lối ra cho người nghệ sĩ trong thời kỳ này bị giới hạn trong các cuộc triển lãm tập thể do Hội Mỹ thuật (thành lập năm 1957) hay các cơ quan văn hóa tổ chức. Các cuộc triển lãm cá nhân là cực kỳ hiếm, có thể nói là gần như không có. Việc đánh giá các tác phẩm dự thi cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn thẩm mỹchính thống, các tác phẩm thoát ly khỏi những tiêu chuẩn đó ngay lập tức sẽ bị loại bỏ bởi sự kiểm duyệt của Hội đồng đánh giá nghệ thuật bao gồm lãnh đạo của Hội Mỹ thuật.

Người mua các tác phẩm hội họa trong thời kỳ này là các bảo tàng mỹ thuật, nhưng các bảo tàng tự tiện áp đặt giá cho từng tác phẩm, trong khi người tạo ra tác phẩm hội họa thậm chí còn không có quyền đề xuất giá bán cho tác phẩm của mình. Đó là vì vào thời kỳ này, người ta coi việc được các bảo tàng mỹ thuật mua tranh bản thân nó đã là một niềm vinh dự. Trong tình hình như vậy, người họa sĩ cũng không thể sống được bằng các tác phẩm của mình.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đất nước được thống nhất. Tuy nhiên, việc đưa quân sang Campuchia (phía Việt Nam dùng từ“đưa quân”, nhưng cộng đồng quốc tế khi đó lại phê phán đây là hành vi “xâm lược”), rồi tiếp theo đó là Chiến tranh Trung – Việt bùng phát, đến đầu những năm 1980 lại xảy ra nạn đói Ở Miền Trung. Đời sống khổ cực, giới mỹ thuật cũng phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn.

Cuối năm 1986, Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi mới, nền hội họa Việt Nam cũng bước sang một thời kỳ mới. Bản thân các nghệ sĩ Việt Nam cũng cónhững nỗ lực mang tính chủ động, tuy nhiên ảnh hưởng từ các nhà sưu tầm hội họa nước ngoài cũng rất lớn. Việc các nhà sưu tầm nước ngoài, ban đầu là từ các nước Âu Mỹ và sau đó là từ các nước Châu Á khai quật các tác phẩm hội họa đã kích thích ý chí sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam. Chính các nhà sưu tầm này đã xác định giá trị của mỹ thuật Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho sự thành công của nhiều họa sĩ mà trước đó hầu như chưa được biết đến.

Thị trường hội họa Việt Nam được mở rộng từ thành phố Hồ Chí Minh nhờ mối liên kết hình thành với các họa sĩ sống Ở nước ngoài. Tại Hà Nội, tuy việc sưu tập có quy mô hẹp hơn, nhưng một vài họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Dũng, Đặng Xuân Hòa cũng bắt đầu được các nhà sưu tầm nước ngoài chú ý đến. Một trong số đó chính là Phạm Lực.

Đặc tính tranh Phạm Lực

Ngay ở thời điểm hiện nay, vẫn có đến 70% dân số Việt Nam sống ở vùng nông thôn, tức là sinh hoạt trong một môi trường rất gần gũi với thiên nhiên. Miền Bắc Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có cả mùa hè dài và nóng lẫn mùa đông, tuy rất ngắn, nhìn chung là có đủ sự biến đổi theo bốn mùa. Ngoài ra, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm thường phải đón chịu các cơn bão, có những lúc lại phải chịu thiên tai như lũ lụt, có thể nói người Việt Nam sống trong một môi trường tự nhiên khá khắc nghiệt. Hơn nữa, lại trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, nên cuộc sống của người Việt Nam bị đặt trong một hoàn cảnh khắc nghiệt cả về tâm lý, xã hội cũng như kinh tế.

Chính trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc kéo dài, phải làm thế nào để sống sót trở về, không thể chết được nếu chưa “nghe thử bài hát đó”, “ăn lại một lần bữa ăn đó”, “xem lại một lần bức tranh đó” là tâm lý chung của người Việt Nam. Để khích lệ bản thân, lấy lại cuộc sống nhân văn cũng như để chia sẻ niềm vui với gia đình và những người thân, con người cần đến các môn nghệ thuật như âm nhạc, diễn kịch, văn học, hội họa. Ngược lại, trong môi trường đó, các bộ môn nghệ thuật cũng được nuôi dưỡng bởi khát vọng mang tính nhân bản là được sống theo đúng nghĩa của một con người, do vậy chúng tồn tại một cách rất gần gũi với đời sống. Đây được gọi là truyền thống của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Lấy ví dụ, ngay cả những họa sĩ lớn lên ở thành phố, do rất quen thuộc với văn hóa phong tục truyền thống của vùng nông thôn, nên rất dễ dàng cảm thụ được tinh thần dân tộc dù thông qua bất kỳ một hình thức biểu hiện nghệ thuật nào. Các làn điệu Chèo – được coi là nghệ thuật kinh kịch của Việt Nam, các làn điệu dân ca, tranh khắc Đông Hồ, điêu khắc trên kiến trúc đình ở các làng nghề trong một thời gian dài đã ảnh hưởng đến việc hình thành năng lực cảm thụ của người nghệ sĩ Việt Nam.

Có thể nói dù ý thức hay không ý thức, người nghệ sĩ Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực nào đi chăng nữa, nhìn chung đều xác định mình mang sứ mệnh phải đáp ứng được những nhu cầu mang tính cơ bản của dân tộc mình. Đặc biệt nếu so sánh với văn học, diễn kịch hay âm nhạc, hội họa ít chịu sự áp đặt chính trị và tư tưởng hơn, nên các họa sĩ được tự do hơn trong việc thể hiện nội tâm của mình. Với ý nghĩa này, có thể coi Phạm Lực là một họa sĩ đã thể nghiệm tinh thần dân tộc Việt Nam.

Trước tiên, hay thử cùng tìm hiểu từ góc độ một họa sĩ chuyên nghiệp. Tuy không xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng có thể nói tranh của Phạm Lực nằm trong dòng chảy truyền thống của nền hội họa cận đại Việt Nam. Đó là vì các tác phẩm của Phạm Lực chia sẻ được nhận thức chung về việc “làm thế nào để phát triển hiện đại trên cơ sở nối dài truyền thống”. Đề tài của Phạm Lực được lấy từ những điều rất gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam bình thường như tranh nhân vật lấy đề tài về mẹ và con, tranh phong cảnh về vùng nông thôn hay làng chài, tranh về gia súc như trâu, tranh tĩnh vật như hoa quả hay bình hoa…

Bên cạnh đó, Phạm Lực cũng dám vẽ rất nhiều tác phẩm về đề tài nude, một đề tài mà nhiều họa sĩ Việt nam chịu ảnh hưởng của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thường tránh né. Trong lựa chọn đó, có thể cảm nhận được ý thức mãnh liệt về cái tôi của họa sĩ, ý thức tôi lựa chọn cái mà tôi muốn vẽ. Đối với Phạm Lực giá trị tối thượng là “sự tự do của bản thân”.

Ngoài ra, không chỉ sử dụng hình thức tranh của Phương Tây như tranh dầu, tranh chì hay màu nước, Phạm Lực còn sử dụng những nguyên liệu rất truyền thống của Việt Nam. Ông cũng có các tác phẩm tranh sơn hay tranh lụạ. Dù một tác giả tranh sơn người Nhật là Ando Saeko đã phê phán “tranh sơn của Phạm Lực không sử dụng chất liệu sơn truyền thống của Việt nam mà sử dụng chất liệu sơn hóa học hợp thành, cũng như không sử dụng kỹ thuật sơn mài nên không thể coi là tranh sơn thuộc dòng chính thống”, nhưng rõ ràng Phạm Lực cũng có những tác phẩm tranh sơn.

Ngoài ra, do từng ở trong quân ngũ, nên Phạm Lực vẽ nhiều tranh về đề tài người lính hay gia đình ở lại của người lính trong thời chiến. Tuy nhiên, dù chọn đề tài nào đi chăng nữa, dù dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp, những bức tranh đó đều thể hiện “nỗi buồn chiến tranh”. Phạm Lực không có dù chỉ một tác phẩm theo phong cách cổ động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu như những tác phẩm mà các họa sĩ “đi theo quân đội” hay vẽ.

Những điều đặc biệt về vua Bảo Đại!

February 26, 2023 By Uncategorized Comments Off

Bảo Đại là vị vua sống gần với thời đại chúng ta nhất và đây cũng là vị vua Việt có nhiều điểm thú vị. Sau đây xin cung cấp cho bạn đọc một số tìm tòi, lượm lặt chúng tôi phát hiện được và hẳn cũng chưa được đầy đủ hết về đức Thiên tử cuối cùng của nhà Nguyễn:

VUA CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM

Chế độ phong kiến Việt Nam theo phân định của các nhà sử học được bắt đầu từ thời họ Khúc (có quan điểm cho rằng bắt đầu từ sau năm 938 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng).

Tính từ khi họ Khúc đặt nền móng cho sự tự chủ của nước Việt năm 905 cho đến năm 1945 là năm đánh dấu chế độ phong kiến kết thúc là 1.160 năm. Họ Khúc giành quyền tự chủ trong hòa bình thông qua cải cách của Khúc Hạo, Bảo Đại cũng kết thúc chế độ cũ trong hòa bình. Sự kiện ngày 30 tháng 8 năm 1945 là dấu mốc lớn trong lịch sử dân tộc và cả trong cuộc đời ông vua Bảo Đại: ngày Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Sự kiện đó đánh dấu ông là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và của cả chế độ phong kiến Việt Nam.

“THÀ LÀM DÂN MỘT NƯỚC TỰ DO CÒN HƠN LÀM VUA MỘT NƯỚC NÔ LỆ”

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị tại Huế, trao quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời. Trong buổi lễ này Bảo Đại đã có một câu nói nổi tiếng: “Thà làm dân một nước tự do, còn hơn là làm vua một nước nô lệ” khi tuyên bố thoái vị. Câu nói được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt vì tinh thần hợp tác của Cựu hoàng và cũng là bước ngoặt trong cuộc đời ông khi từ vị trí “Thiên tử” cai trị nhân dân trở thành một công dân bình thường của đất nước tự do: công dân Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

VUA LẤY VỢ ĐA VÙNG MIỀN, ĐA QUỐC GIA

Năm 1933 Bảo Đại lấy Hoàng hậu Nam phương (người miền Nam) và tuyên bố thực hiện giáo lý của đạo Thiên chúa thực hiện chế độ một vợ một chồng. Thực hiện lời hứa được chừng 12 năm, Bảo Đại rơi vào lưới tình của thứ phi Mộng Điệp (miền Bắc). Đến năm 1949 Bảo Đại từ Hồng Kông về nước chấp chính, bà Lê Thị Phi Ánh (người miền Trung) trở thành mối tình thứ ba của ông, sinh cho Bảo Đại hai người con là Hoàng nữ Phương Minh và Hoàng nam Bảo Ân. Ngoài những bà phi chính thức, cuộc đời vị vua đào hoa và ăn chơi Bảo Đại còn có bà Lý Lệ Hà nhưng đã chia tay chứ không chính thức thành phi.

Cựu hoàng Bảo Đại khi ở Trung Quốc trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã được bà Jenny Woong, tức Hoàng Tiểu Lan người Trung Quốc thương yêu và chu cấp cho. Sau này Bảo Đại đưa Hoàng Tiểu Lan về Việt Nam hưởng vinh hoa phú quý.

Trong thời gian sống tại Pháp, cựu hoàng Bảo Đại yêu thêm bà đầm Vicky, bà thứ phi Tây đầu tiên của ông. Vicky sinh cho Bảo Đại một Hoàng nữ là cô Phương Từ. Chia tay Vicky, cựu hoàng lao vào cuộc tình buồn với cô đầm Clément. Sau vụ tai tiếng đó ông kết hôn lần cuối với cô làm nghề dọn phòng Monique Baudot, cuộc tình cuối cùng của ông. Không có một ông vua Việt nào có vợ mang nhiều quốc tịch và ở nhiều miền như Bảo Đại.

VUA KHÔNG NGỒI NGAI VÀNG KHI LÀM VUA

Năm 1925 vua Khải Định mất, Bảo Đại về nước chịu tang cha. Ngày 8 tháng 1 năm 1926 ông lên ngôi vua rồi sang Pháp tiếp tục việc học cho đến năm 1932 mới quay trở lại làm vua cho đến khi thoái vị năm 1945. Đây là ông vua duy nhất làm vua nhưng không ngồi trên ngai vàng của nước mình cai trị mà bận… du học.

VUA DUY NHẤT NHÀ NGUYỄN PHÁ LỆ TỨ BẤT

Từ đời Minh Mạng (1820 – 1840) ông đưa ra lệ Tứ bất (không lập Hoàng hậu, không lập Tể tướng, không lấy Trạng nguyên, không lập Thái tử). Các vua nhà Nguyễn từ đó về sau đều răm rắp thực hiện theo, duy đến đời Bảo Đại thì không. Ngay sau khi lấy bà Nguyễn Hữu Thị Loan, Bảo Đại đã phong bà làm Nam phương Hoàng hậu (hương thơm phương Nam). Bình thường các vua đời trước chỉ sau khi vợ mất mới phong hậu, còn Bảo Đại thì phong hậu cho vợ ngay sau khi cưới. Điều này Bảo Đại thực hiện theo một trong bốn yêu cầu của bà vợ mới cưới. Sinh ra Bảo Long ngày 4 tháng 1 năm 1936 thì ngày 27 tháng 7 năm 1938 Tôn nhân phủ tôn cậu bé làm Đông cung Thái tử, lệ Tứ bất xem ra mất hết hiệu lực.

VUA DUY NHẤT CHỐNG CHUYỆN ĐA THÊ

Lấy Hoàng hậu Nam phương, vua Bảo Đại tuyên bố công khai với đình thần rằng ông chống lại “tục đa thê”. Ngày xưa vua chúa Việt “Tam cung, lục viện” là chuyện rất ư bình thường còn ông thì không. Nhưng nói một đằng mà làm một nẻo. Tình sử với các người đẹp của ông vua này còn nhiều chuyện để bàn.

VUA CÓ PHONG CÁCH TÂY NHẤT

Là ông vua Việt nhưng ở Bảo Đại chất phương Đông của ông vua thuần Việt bị mất mát khá nhiều. Đơn giản một điều là ông được đào tạo ở phương Tây, đi theo lề thói phương Tây. Năm 1922 khi Bảo Đại 10 tuổi đã được Khải Định đưa sang Pháp phó thác cho vợ chồng ông Charles – nguyên Khâm sứ Trung kỳ, giúp đào tạo người kế nghiệp mình theo những lề thói phương Tây. Nhờ đó chất Tây phương thấm đẫm trong máu Bảo Đại.

20 tháng 3 năm 1934 ông kết hôn với bà Nguyễn Hữu Thị Loan. Phong bà làm Hoàng hậu Nam phương. Nam Phương Hoàng hậu trước đây cũng du học tại Pháp, bà là một con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo – tôn giáo phổ biến của phương Tây. Hiếm ông vua Việt nào lấy vợ dị biệt tôn giáo như tín đồ Phật giáo Bảo Đại. Dù vậy Bảo Đại vẫn chấp nhận, các con Bảo Đại gồm Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, Bảo Thăng được sinh ra đều chịu lễ rửa tội của Thiên chúa giáo và đi theo đạo của mẹ. Lễ cưới của vua Bảo Đại phải được sự cho phép của Tòa thánh Vatican. Vua lấy vợ còn phải xin phép là trường hợp đặc biệt của Bảo Đại. Những năm cuối đời tại Pháp, cựu hoàng có ba người vợ Tây. Cuộc sống của ông theo lối sống Pháp chứ không phải Việt Nam. Chơi thể thao ông ưa môn tennis chứ không đơn thuần xem đấu gà hay chơi đầu hồ như các vị tiền bối xưa.

VUA THỌ NHẤT

Trong lịch sử Việt Nam, vua đoản thọ cũng nhiều, vua đắc thọ cũng lắm. Đơn cử có thể kể như vua Trần Nghệ Tông thọ 73 tuổi, Hàm Nghi thọ 71 tuổi. Các ông đều vượt qua cái tuổi mà Đỗ Phủ gọi là “nhân sinh thất thập cổ lai hi” (người sống đến tuổi 70 xưa nay hiếm). Nhưng kỷ lục có tuổi thọ cao nhất trong các vua Việt không ai vượt qua được Bảo Đại.

5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 khi cựu hoàng Bảo Đại trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Val de Grace của Pháp, ông đã bước qua 84 tuổi đời. Nếu không bệnh tật bất đắc kì tử, với thân thể và trí lực còn minh mẫn, ông vẫn còn có thể sống lâu hơn. Bảo Đại cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam chết tại đất khách quê người, nối gót vua Trần Duệ Tông, rồi Hàm Nghi, Duy Tân…

VUA CUỐI CÙNG TIẾN HÀNH CẢI CÁCH

Trong lịch sử nước Việt có nhiều vị vua từng tiến hành cải cách như Hồ Qúy Ly, Lê Thánh Tông, Minh Mạng. Bảo Đại sau khi được đào tạo ở Pháp về cũng tiến hành cải cách. Nhưng “cải cách” chỉ tiến hành được tí ti trong việc lễ nghi theo Âu hóa, thể hiện ở việc không bắt dân chúng quỳ lạy, không được ngó “mặt rồng” như trước. Âu đó cũng là điểm hợp lý. Việc này được tiến hành năm 1932, được ghi rõ trong cuốn sách Những thời kỳ trong đại của nước Việt Nam trong lúc hồi xuân của tác giả Pháp là Henri Le Grauclaude.

CỰU HOÀNG DUY NHẤT LÀM CỐ VẤN

Thông thường các triều đại chuyển giao thì vai trò lịch sử của triều đại cũ cũng kết thúc. Còn Bảo Đại dù không còn làm vua nhưng sau khi thoái vị ông được Chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn, một chức vụ trong chế độ mới. Chưa có ông vua Việt nào được sung sướng đắc dụng như cựu hoàng Bảo Đại.

VUA VIỆT DUY NHẤT GẶP GIÁO HOÀNG

Điều đặc biệt này diễn ra cũng thật trớ trêu. Vốn dĩ đến cuối đời Bảo Đại được bà Monique Baudot “nâng khăn sửa gối”. Nhưng ông không muốn bà xuất hiện nhiều trước công chúng, không thích mọi người biết bà là vợ ông. Giận dữ với thái độ của chồng, bà Monique Baudot dọa sẽ không chăm sóc ông nữa nếu ông không cho bà gặp Đức Giáo hoàng. Gặp Đức Giáo hoàng đâu phải chuyện dễ, chỉ những người quyền cao chức trọng, có ảnh hưởng lớn mới làm được. Bảo Đại bất đắc dĩ phải gửi thư xin gặp Giáo hoàng John Paul II và ngày 24 tháng 6 năm 1995 ông và vợ được tiếp kiến tại Vatican. Sự kiện này khiến bà Monique rất hãnh diện vì mình thuộc bậc danh giá.

Văn hoá chợ

February 16, 2023 By Uncategorized Comments Off

Cặp vợ chồng lữ khách người Anh chăm chú nhìn vào bức tranh Hàng Trống chợ Tết, Canh Nông Vi Bản, Tứ Bình : Xuân Hạ Thu Đông…, xem đi xem lại trong triển lãm tranh Tết Hàng Trống trên du thuyền của chúng tôi trên vịnh kỳ quan. Họ cho biết rất thích thú với không khí náo nhiệt chợ hoa phố cổ Hà Nội những ngày trước Tết trước khi tìm thấy sự tĩnh lặng giữa các đảo đá, có dịp ngắm tranh chợ Tết, tranh Tết Ất Mão 1975 của danh hoạ Phạm Lực, bưu ảnh cổ về Tết xưa và nay trên không gian di sản văn hoá giữa thiên nhiên.

Hai lữ khách người Việt chăm chú vào tấm bưu ảnh cổ được treo khu vực bếp mở nhà hàng Le Tonkin, họ nhận ra ngay khu chợ Bưởi và cây đa giữa đường hiện vẫn còn, không gian chợ quê, đình làng, nơi du khách Việt được đưa ngược thời gian trở về đầu thế kỷ 20, khám phá những khu chợ náo nhiệt đầy màu sắc nhất ở miền Bắc Việt Nam thông qua bộ sưu tập bưu thiếp hiếm và ảnh gốc của tôi trên du thuyền di sản độc bản.

Ở Việt Nam, chợ là nơi gặp gỡ, không chỉ đơn giản là để mua và bán. Quan niệm này vẫn như vậy trong nhiều thế kỷ và tiếp tục cho đến ngày nay, mặc dù Việt Nam đã trải qua những thay đổi sâu rộng trong thế kỷ 21.

Chẳng có đứa trẻ nào không muốn mẹ dắt đi chợ cả. Tại sao? Nếu họ sống ở vùng sâu, vùng xa, phải làm việc vất vả ngoài đồng hoặc nơi khác để kiếm sống, ít có cơ hội gặp gỡ bạn bè, họ hàng, làng xóm, vì vậy chợ là một nơi tuyệt vời để giao lưu hay đơn giản là để vui chẳng hạn vào ngày mùng 6 Tết hằng năm, người dân sẽ đổ về phiên “chợ Choảng” tại ven bờ sông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá tham gia ném cà chua, trứng vào nhau với ý nghĩa cầu may.

Trên vùng cao, nếu không có chợ, cuộc sống có thể khá tẻ nhạt, vì vậy các cộng đồng giữa chúng vì vô số lý do để đi chợ, không chỉ để mua sắm, mặc dù chợ là nơi người dân địa phương tìm thấy những sản phẩm tươi ngon nhất, gà sống, nông cụ, đồ gia dụng, quần áo hoặc đồ nghề cắt tóc.

Người dân địa phương đến chợ để hòa nhập với bạn bè và gia đình, thực hiện các giao dịch kinh doanh hoặc thậm chí tìm kiếm một người bạn đời. Một khu chợ cũng là nơi lý tưởng để mặc những bộ quần áo mới, những món đồ may hay làm bằng tay thể hiện tài năng của người con gái.

Chợ Bưởi xưa trong tranh của Jos-Henri Ponchin (1897-1981)

Dù ở bất cứ nơi đâu, vùng sông nước, đồng bằng hay lên miền núi, bạn sẽ luôn có thể tìm thấy chợ, dù là làng nhỏ, tỉnh lẻ, chợ nổi hay chợ phố ở một thành phố lớn. Chúng có thể diễn ra hàng ngày, vào sáng sớm hay chợ đêm, 3, 5 hoặc 7 ngày một lần, vào thứ bảy hoặc chủ nhật cuối tuần chẳng hạn như ở vùng núi phía bắc (ví dụ ở Sapa, Bắc Hà, Cốc Ly và Phong Thổ), hay thậm chí mỗi năm chỉ có một lần như chợ Khâu Vai ở Hà Giang và chợ Viềng đầu năm mới ở Nam Định.

Mọi người sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đi những quãng đường dài, vượt đồi núi, thậm chí băng qua biên giới chỉ để đến chợ. Ở miền núi, chợ thường được dựng lên từ ngày trước và có thể có không khí lễ hội khá sôi động với các tiết mục văn nghệ, thi hát truyền thống, thầy bói xem quẻ, hát hò, Xẩm chợ.

Vào những dịp như vậy, mọi người đều tham gia, từ nông dân đến chuyên gia và quan chức chính phủ, nhiều người trong số họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất của họ, hay trang phục truyền thống của mỗi dân tộc.

Các thành phố lớn, chẳng hạn như Hà Nội, cũng không khác. Bất cứ nơi nào có chợ, đường phố sẽ đông đúc người dân địa phương. Tại Hà Nội, bạn có thể tha hồ lựa chọn và không thể bỏ qua chợ Bưởi, Đồng Xuân, chợ hoa Quảng Bá sáng sớm, chợ Long Biên và chợ hoa Tết hàng năm ở Phố Cổ.

Khi đất nước phát triển, lối sống thay đổi và một số chợ mất đi tính chân thực, nhưng những chợ khác vẫn là tâm điểm cho các cộng đồng nông thôn. Để có được hương vị của bất kỳ ngôi làng, thị trấn, thành phố nào, đừng quên khám phá các khu chợ. Bạn sẽ không phải thất vọng.

Kinh doanh tử tế, thành công và hạnh phúc

February 14, 2023 By Uncategorized Comments Off

Doanh nhân Phạm Hà: “Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc chính là tinh thần dân tộc

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, một công ty lữ hành và sở hữu các du thuyền 5 sao, kinh doanh chính đạo cuộc đời và doanh nhân cần đạt được thành công bằng sự tử tế và hạnh phúc.

PV Dân Trí: Ông là thế hệ doanh nhân sinh ra khi đất nước bắt đầu thống nhất. Ông nghĩ gì về sự tự do, trong nghĩa rộng nhất của khái niệm này?

Ông Phạm Hà: Khái niệm tự do không chung định nghĩa và giống nhau giữa các quốc gia, thể chế và mỗi con người. Một số điều về tự do được hiến định như tự do tư tưởng, tôn giáo, đảng phái, biểu tình, hội nhóm, tự do biểu đạt, tự do báo chí… Tuy nhiên trong thực tế những quyền này còn chưa thành luật. Con người phải thượng tôn phát luật thì xã hội mới đạt được sự văn minh.

Tự do là biết quy luật và hành động theo quy luật. Cá nhân tôi cho mình là tự do và hạnh phúc vì được làm điều mình thích và thích điều mình làm, tự hào về điều mình làm. Kinh doanh là chính đạo cuộc đời và doanh nhân cần đạt được thành bằng sự tử tế và hạnh phúc.

PV Dân Trí: Cầm tinh con Mèo, năm mới sắp đến cũng là năm Mèo, Quý Mão, ông nhìn nhận ra sao về sự tinh khôn, lanh lợi của con vật này. Trong kinh doanh, đặc biệt ở môi trường kinh doanh của nước ta, sự tinh nhanh có phải là tố chất cần phải có của người làm kinh doanh?

Ông Phạm Hà: Trong 12 con giáp Việt Nam ta có con mèo, Trung Quốc có con thỏ, nhiều bạn tôi là người Hoa cũng rất nhanh nhạy, linh hoạt uyển chuyển trong cuộc sống và công việc.

Không biết cầm tinh con mèo thì thế nào nhưng tôi luôn cố gắng chính trực, tập trung, linh hoạt, thường xuyên đổi mới sáng tạo. Tôi cũng kiên định, kinh doanh cũng phải có đạo kinh doanh, có tầm nhìn, sứ mệnh giá trị cốt lõi mới dẫn đường tới thành công và hạnh phúc. Tầm nhìn của mình ở đâu thì tương lai ở đó.

Môi trường kinh doanh Việt Nam dần ổn định, có khung pháp lý, tuy nhiên cũng chưa hẳn giống nhau ở các nơi, giữa cấp trung ương và địa phương. Nhiều lĩnh vực chưa có trong luật và còn rất mới như lĩnh vực kinh doanh du thuyền, vật liệu, cảng… quy chuẩn chưa có nên cũng khó cho doanh nghiệp. Những người làm kinh doanh như chúng tôi phải tư duy toàn cầu và hoạt động địa phương sao cho phù hợp.

PV Dân Trí: Những năm qua, nhất là năm 2022, chứng kiến sự vi phạm pháp luật của nhiều doanh nhân. Nhìn thẳng thắn thì họ chắc chắn làm sai luật, tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng ở nước ta ranh giới ĐÚNG – SAI đôi khi không rõ ràng, các văn bản dưới luật cao hơn luật, dẫn đến tình trạng “sai vẫn phải làm”. Bình luận của ông về việc này?

Ông Phạm Hà: Thể chế tạo ra con người, con người nào thì cơ chế ấy, cơ chế do con người tạo ra. Nếu luật không phục vụ lợi ích xã hội mà chỉ phục vụ một nhóm người thì luật không nghiêm và dẫn đến cơ chế “xin-cho”. Đã là luật thì không cần văn bản dưới luật, có lẽ Việt Nam nên thay đổi thực trạng này.

Xã hội chỉ phát triển được khi mọi người làm kinh doanh đều phải thượng tôn pháp luật, đúng luật và luật đúng. Thế hệ doanh nhân như chúng tôi cũng già nửa đời người rồi, lớn lên sau ngày đất nước được thống nhất, được ăn học đàng hoàng và tiếp thu nhiều cái mới, nên chúng tôi luôn mong muốn kinh doanh tử tế, đúng luật. Sai mà không biết sửa, biết luật mà vẫn cố làm sai để vụ lợi thì có quả xấu.

PV Dân Trí: Ông được coi là truyền nhân của vị doanh nhân dân tộc, cụ Bạch Thái Bưởi. Nghiên cứu sâu về cuộc đời cụ khiến ông rút ra được điều gì lớn lao về việc kinh doanh tử tế?

Ông Phạm Hà: Có câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi”, cụ Bạch Thái Bưởi chỉ xếp thứ 4 nhưng lưu danh và học sinh lớp 4 được học về cụ, đạo kinh doanh, thành công và hạnh phúc, để lại nhiều bài học hay về kinh doanh.

Kinh doanh ở cụ chính là “giúp đồng bào”, phụng sự đồng bào, tạo thế và lực cho lớp doanh nhân đủ mạnh, tự tôn dân tộc, mang tầm quốc gia dân tộc, dân quốc phú cường giành độc lập, cạnh tranh sòng phẳng và thắng người Hoa có tiền và người Pháp có quyền hồi đầu thế kỷ 20.

Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc chính là tinh thần dân tộc. Tinh thần quý tộc thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm. Cụ tử tế với chính mình, người nhà, người làm, đồng nghiệp, và đồng bào. Cụ Bạch Thái Bưởi kinh doanh bằng sự tử tế, có tầm nhìn, sứ mệnh cao cả, giao thương hàng hoá và tự do đi lại cho người Việt, lấy khách hàng làm trung tâm, phục vụ từ tâm với chính đồng bào mình. Như vậy triết lý kinh doanh của cụ rất bền vững và trường tồn, xứng đáng để lớp doanh nhân hậu bối ngày nay học hỏi.

PV Dân Trí: Việt Nam chưa giải quyết tận gốc rễ nạn “chặt chém” du khách quốc tế. Thực tế có lần tôi chứng kiến khách nước ngoài vào một quán ăn ở Hà Nội thì chủ nói giá cao hơn hẳn khách bản địa. Hay như lái xe taxi “chém” khách tây tới 500k cho một cuốc xe chỉ 2-3km. Ông có “cao kiến” gì để chấm dứt những hành động làm xấu xí hình ảnh du lịch Việt Nam này?  

Ông Phạm Hà: Khi xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết thì sự tử tế là xa xỉ. Du lịch suy cho cùng là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Khi bị lừa đảo và có trải nghiệm tệ khách sẽ không đến nữa và truyền tai lại cho 12 người khách tiềm năng. Vậy chúng ta có lợi hay có hại? Liệu những người làm du lịch “chặt chém” như vậy có hiểu được thế nào là “lợi bất cập hại” không?

Sự tử tế cũng đến từ giáo dục, nó là máy cái của xã hội, giáo dục Việt Nam thiếu triết lý dân tộc, nhân văn và khai phóng. Con người cần đối xử tốt với đồng bào mình, biết yêu thương bản thân, gia đình cộng đồng, biết yêu thương thấu cảm, chấp nhận sự khác biệt thì mới biết phục vụ người khách, không lừa lọc người khác. Kinh doanh phải cùng thắng lợi mình, lợi nhân viên và lợi khách hàng, cùng nhau “win-win” thì mới bền lâu.

“Chém” ví tiền của du khách được 1 lần sẽ không có lần thứ 2 và mất 12 khách hàng tiềm năng. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh tử tế, mỗi người đều tử tế, xã hội sẽ văn minh và phát triển, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Lux Group tâm niệm kinh doanh bền vững, tuyên bố quyền khách hàng được 100% sự thoả mãn nếu không hoàn tiền. Cả Lux Group chỉ có một ông chủ là khách hàng trả lương, trả thưởng và có thể đuổi việc bất kỳ ai trong công ty.

PV Dân Trí: Có lẽ đến lúc phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội liên quan đến du lịch, chủ trì là Cục Du Lịch Quốc Gia, trực thuộc Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, nhằm thực hiện một chiến dịch, có thể tạm gọi là “làm sạch du lịch”, hiểu theo nghĩa ‘dọn dẹp” những thứ độc hại, “rác rưởi” như “chặt chém” khách quốc tế, cạnh tranh bẩn, kinh doanh thiếu lành mạnh trong ngành lữ hành-du lịch. Theo ông điều này có cần thiết hay không?

Ông Phạm Hà: Việt Nam cần coi du lịch là một ngành kinh tế, có chính sách phát triển bền vững, coi sự thoả mãn của khách hàng làm trọng, đặt họ làm trung tâm. Con người làm du lịch đủ năng lực thái độ, kỹ năng và hiểu biết. Nâng cao truyền thông giáo dục để xã hội nhận thức về kinh tế du lịch và kinh doanh tử tế khách mới đến rồi quay lại, thay vì một đi không trở lại.

PV Dân Trí: Có một thực tế “khổ lắm nói mãi”, là du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh với Thái Lan về sự kinh doanh tử tế, nó xuất phát từ ngay những người dân kinh doanh ăn uống-lưu trú-bán hàng lưu niệm và từ những hành động nhỏ nhất. Chả lẽ người dân nước ta không làm nổi những việc đó hay sao, thưa ông?

Có lẽ Việt Nam nên học Thái Lan cách làm du lịch, toàn dân làm du lịch, tất cả cho du lịch. Làm du lịch bền vững, có bản sắc, khách đến nhiều lần tiêu tiền nhiêu hơn, ai cũng được vui vì hưởng lợi. Thái Lan có chiến lược phục hồi hậu Covid-19, nhưng nước ta thì không. Covid làm chúng ta chậm lại, nên coi đây là cơ hội suy nghĩ lại, định vị lại, xem lại và đi chậm lại nhưng chắc và bền hơn.

Xin cảm ơn ông!

Lộ trình khám phá du thuyền Heritage Bình Chuẩn.

February 8, 2023 By Uncategorized Comments Off

Thăm Quan Du Thuyền Heritage Bình Chuẩn, Tuyệt Tác Độc Bản Giữa Kỳ Quan Thiên Nhiên.

Một vòng khám phá du thuyền này thường là có hướng dẫn riêng cho khách trên tàu và khách đối tác thăm quan, tìm hiểu, khám phá du thuyền Heritage Bình Chuẩn, một tuyệt tác trong lòng di sản.

Với cuốn sách này trong tay, du khách có thể tự khám khá mà không cần hướng dẫn viên, đây là lộ trình khám phá du thuyền chuyên sâu vào từng ngóc và nghe từng câu chuyện, thời gian ước tính khoản. Mỗi tập đoàn lớn trên thế giới đều cần một người biết mộng mơ.

Thông thường, đó là nhà sáng lập – người có niềm đam mê và có cả kế hoạch triển khai khi giới thiệu dự án kinh doanh. Biến giấc mơ thành hiện thực, đưa câu chuyện di sản vào thực nghiệp, hồi sinh di sản, khát vọng du thuyền ra biển lớn, khát vọng đó còn lớn hơn cả tiền bạc, sự giầu có và nổi tiếng. Thời gian thăm quan tác phẩm nghệ thuật này mất khoảng 30 phút đến 1 giờ, tuỳ sự quan tâm của du khách.

Chúng ta bắt đầu từ nhà hàng Le Tonkin, không gian chợ quê, bếp mở, tinh hoa và ký ức Bắc Bộ.

Giữa tàu là không gian giếng trời phong thuỷ, ngắm pho tượng đồng vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi, cha đẻ của dịch vụ ngủ đêm trên du thuyền tại Việt Nam.

Khách thăm quan đi cầu thang bộ lên tầng 2 theo phong thủy, bắt đầu bước sinh lão bệnh tử và sinh.

Ngay tầng 2 gần cầu thang tròn độc đáo là thư viện sách Bạch Thái Bưởi, rất giàu có về sách văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và về Chúa Sông Bắc Kỳ và Vua Tàu Thuỷ Việt Nam và mua sắm tại Vân Đồn Shop và tìm hiểu ý nghĩa của tên thương cảng cổ này.

Rẽ phải đi dọc hành lang di sản, tầng 2 là chủ đề biển đảo, các thành phố ven biển Bắc Kỳ, xem phòng Regal Suite và Ocean Suite

(chúng tôi giới thiệu 2 loại phòng thông nhau và nghệ thuật feng sui của căn phòng Ocean nếu có phòng trống).

Đi tới hành làng cuối tàu để lên tầng 3 bằng cầu thang ngài trời, giới thiệu Outdoor Lounge, nhà hàng l’Indochine

với thang tời bí mật từ bếp lên, sau hai cánh cửa và bộ sưu tập các bưu ảnh cổ về con người xứ Đông Dương (Le Tonkin, Annam, Cochinchine, Laos, Cambodge), công chúa hoàng tử, thắng cảnh nổi tiếng và con người và trang phục những năm đầu thế kỷ 20.

Qua giếng trời, tới phòng Gym, 2 phòng trị liệu spa White Lotus Spa, phòng tranh nghệ thuật L’Art d’Annam,

Sông Hồng Lounge và không gian con sông Cái, sông Mẹ tức Sông Hồng gắn với cụ Bạch Thái Bưởi và nghe câu chuyện khởi nghiệp của cụ từ việc xây dựng cầu thép vĩ đại Paul Doumer.

Tại đây và chỉ duy nhất nơi này có trưng bày với những con tàu cổ được chủ nhân du thuyền sưu tập từ khắp nơi trên thế giới về đây.

Bước ra khỏi khu điều hoà, không gian di sản văn hóa là chạm vào di sản thiên nhiên, không gian ngoài trời là Pool Bar và La Piscine bể bơi bốn mùa đầu tiên trên vịnh Bắc Bộ.

Sau đó du khách lên sundeck tầng 4, có diện tích lớn nhất vịnh Bắc Bộ với 1000m2, tuyệt vời cho các sự kiện gala dinner, đón Năm Mới hay đám cưới. Điểm nhấn là bức tượng cụ Bạch Thái Bưởi và tàu Bình Chuẩn là quà tặng của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Đình Quỳ.

Du khách đi một vòng để xem xung quanh, hai ống khói tàu hơi nước cổ, tủ mát hệ thống điều hòa tổng và giới thiệu hai chòi gỗ phía cuối để ngắm hoàng hôn và những góc chụp ảnh đẹp, hay nhìn ngắm Outdoor Lounge từ trên cao và phía sau của du thuyền. Sau đó du khách xuống bể bơi bốn mùa La Piscine, đây là nơi tuyệt vời để tổ chức cho tiệc bể bơi pool party, ngắm hoàng hôn với cốc vang hoặc ly cocktail. Nếu nhìn từ trên cao vào buổi tối, bể bơi giống viên kim cương và tiến tới chỗ chụp ảnh thần thánh nơi mũi tàu cho những bức ảnh đặc trưng của du thuyền Heritage Bình Chuẩn.

Từ bể bơi xuống phòng thuyền trưởng bằng cầu thang ngoài trời xuống tầng 2, vào thăm quan thiết bị hiện đại nhưng vẫn có tay lái cổ bằng gỗ, nếu muốn du khách có thể chụp ảnh với đồng phục và mũ thuyền trưởng.

Đi một vòng xung quanh du khách chiêm ngưỡng khu vực mũi tàu rất riêng độc đáo giống mũi tàu Bình Chuẩn xưa.

Đi cầu thang ngoài xuống tầng 1, thăm quan hầm rượu chiến thắng Bạch Đằng, xem 1 phòng Delta suite và góc di sản phi vật thể của Việt Nam như truyện Kiều với bức Thúy Kiều- Kim Trọng, Tấm-Cám, Bến Đợi, Quan Họ Bắc Ninh, Hát Xẩm hay bức “Lời ru trưa hè”… tất cả những di sản văn hóa này đều được kể bằng ngôn ngữ hội hoạ của danh hoạ Phạm Lực, Picasso Việt Nam.

Xuống tầng hầm, phòng nội bộ, không kém sang trọng so với phòng khách là mấy, giới thiệu phòng họp hàng ngày, hành lang, bảng thông tin nội bộ, xem đời sống nhân viên, một phòng ở nhân viên tiêu biểu, đi dọc hành lang và lên khu vực lễ tân bằng cầu thang giữa tàu. Kết thúc thăm quan du thuyền Heritage Bình Chuẩn tại quầy lễ tân.

Nếu khách tò mò hơn nữa và thời gian cho phép có thể đưa thăm nhà ăn tập thể, bếp sơ chế, sau đó lên bếp bằng cửa phụ đi lên bếp chính, giới thiệu bếp nóng và bếp bánh. Đi qua nhà hàng Le Tonkin và cũng kết thúc tour tại quầy lễ tân. Nếu khách thích thăm quan buồng máy thì rẽ phải vào buồng máy, và lên bằng 2 cửa thông gió phía sau tàu, khu vực để nhiều kayak và kết thúc tour cũng tại quầy lễ tân tầng 1, cũng tại quầy lễ tân. Lưu ý trước là buồng máy sẽ nóng và ồn.

Giá trị kinh doanh cốt lõi và lời hứa thương hiệu

February 8, 2023 By Uncategorized Comments Off

Cốt lõi kinh doanh chúng tôi nêu cao giá trị, hợp tác, tin cậy, luôn sáng tạo, chất lượng, hiệu quả. Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Mỗi điểm đến đều có những bí mật, những câu chuyện, kho báu về ẩm thực, thiên nhiên, văn hoá, nghệ thuật, di sản, lịch sử và con người của vùng đất đó, đấy chính là điểm lôi cuốn du khách tới để tìm tòi, khám phá, tận hưởng, thư giãn, hoà mình vào văn hoá bản địa và thiên nhiên.

1. Chúng tôi Giáo dục Thế Hệ Mới.

Sức khỏe hơn tiền tài. Chúng ta không bao giờ là quá trẻ để tìm hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ. Các hội thảo về dinh dưỡng của chúng tôi dạy trẻ cách ăn uống lành mạnh, đồng thời giữ dinh dưỡng toàn bộ gia đình ngay cả trong kỳ nghỉ du lịch. Chúng tôi kết nối các vị khách của mình với thiên nhiên và thế giới xung quanh từ những con đường đi bộ huyền diệu, những cuộc phiêu lưu leo núi, kinh nghiệm chèo thuyền kayak, khám phá đại dương và các bài học về thảo mộc và thực vật.

2. Chúng tôi tạo cho khách hàng giấc ngủ ngon hơn.

Tầm quan trọng của giấc ngủ không chỉ thể hiện được ở việc khiến tinh thần thoải mái cũng như giảm thiểu quầng thâm mắt mà còn hơn thế nữa. Chúng tôi lựa chọn nệm thủ công, gối và chăn bông hữu cơ, khăn trải giường, các ứng dụng hỗ trợ giấc ngủ, trầm hương và vật dụng khác nữa để đảm bảo quý khách kết thúc một ngày trong giấc ngủ yên bình.

3. Chúng tôi tạo ra các món ăn mang đến sự trải nghiệm, dinh dưỡng và tập trung vào yếu tố sức khỏe.

Ẩm thực là một trong những phương thức tiếp cận sáng tạo của chúng tôi. Đầu bếp cung cấp các thành phần hữu cơ tốt nhất và tạo ra các món ăn có đường thấp và ít natri, và các lựa chọn bột mì chính, không có hóc môn vì sự khỏe mạnh bắt nguồn từ bên trong.

4. Chúng ta đều biết rằng sức khoẻ tối ưu được xây dựng trên kế hoạch và sự cam kết.

Dinh dưỡng, giấc ngủ, di chuyển và các liệu pháp chăm sóc toàn thân cũng như yoga và dưỡng sinh, khí công là một phần trong khối xây dựng sức khỏe toàn diện của du khách trên du thuyền. Và hỗ trợ việc này là sự ra mắt công nghệ thông minh dưới hình thức sàng lọc sức khỏe và phong cách ẩm thực mới kết hợp với chuyên gia để cung cấp các chương trình cá nhân hóa vượt mọi ranh giới và mang lại hiệu quả.

5. Bằng cách kết hợp các chuyên gia sức khỏe uy tín

Phòng Spa, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, ngủ nghỉ, và thuốc bổ sung. Nhóm này đã làm việc song song với du thuyền để tạo ra một cách tiếp cận tích hợp cho việc chăm sóc sức khoẻ.

6. Một hành trình khám phá.

Là những người tiên phong chúng ta khám phá những thực tiễn mới và xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với những phương thuốc truyền thống và hiện đại. Chúng tôi hợp tác với các chuyên gia hàng đầu để cung cấp các chương trình chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao và cảm ứng cao. Thành quả là cách tiếp cận từng lớp duy nhất cho sự khỏe mạnh mà chúng tôi gọi là sức khoẻ tiên phong.

7. Chúng tôi tạo ra những kỷ niệm không chỉ đơn thuần là các bữa ăn.

Được lấy cảm hứng từ các món ăn địa phương và có nguồn cung cấp vững vàng, ẩm thực được thiết kế để thu hút những người tìm kiếm một hương vị xa nhà. Thành phần đến từ các vườn nghỉ dưỡng, nông dân địa phương, siêu thị, ngư dân và được phục vụ bởi đầu bếp của chúng tôi và các chủ nhà từ khắp các nơi trên thế giới, biến các bữa ăn thành những khoảnh khắc không thể nào quên.

8. Không chỉ là thực đơn, chúng tôi đem lại trải nghiệm ẩm thực độc đáo,

Không chỉ ăn mà là trải nghiệm ẩm thực. Cảm hứng không bắt đầu và kết thúc bằng một cái tên trong thực đơn, đó là tạo ra những trải nghiệm có khả năng thay đổi và lưu lại trong tâm trí con người mãi mãi.

9. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu.

Cách tiếp cận dịch vụ của chúng tôi bắt đầu với sự đồng cảm và mong muốn hiểu được nhu cầu của khách, dù nhu cầu đó có được phát biểu thành lời hay không. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng mọi người bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, cách tiếp cận trực quan của chúng tôi đối với dịch vụ có nghĩa là mọi khách hàng đều nhận được trải nghiệm cá nhân phong phú nhất có thể.

10. Bằng cách làm mới mẻ con người.

Hài hước và mưu mô không phải là yếu tố mà bạn sẽ có thể liên kết được trong các mô hình khách sạn và kinh doanh chăm sóc sức khỏe. Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, chúng tôi là một sự khác biệt độc đáo. Sự tò mò và mong muốn khám phá của chúng tôi cho phép chúng tôi và khách hàng của mình khám phá theo cách không thể dự đoán trước được để kết nối lại từng chuỗi ngày một.

11. Bằng việc đóng vai trò như một phần của kết nối địa phương.

Chúng tôi không xây lâu đài trên đồi. Chúng tôi xây dựng từ lịch sử và văn hoá địa phương. Kiến trúc và thực tiễn xây dựng của chúng tôi theo thiết kế bản địa và sử dụng kiến trúc sư địa phương và thợ thủ công. Thực phẩm của chúng tôi đến từ nông dân địa phương và ngư dân. Kiến thức của chúng tôi về các vùng đánh bắt cá tốt nhất, các điểm lặn, các câu lạc bộ không cố định và tạm thời, các sự kiện và nhà hàng được thành lập trên cơ sở các mối quan hệ địa phương.

12. Bằng cách sống cho hôm nay và lập kế hoạch cho ngày mai.

Trong phát triển, thiết kế và hoạt động hàng ngày của chúng tôi, chúng tôi hành động một cách có trách nhiệm để đo lường và giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự ảnh hưởng đến môi trường, mặc dù quản lý năng lượng, lãng phí nước, đa dạng sinh học, mua sắm và sử dụng hóa chất. Bằng cách ban cho Mẹ Thiên nhiên một lời nói lớn trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta bảo vệ tương lai lâu dài song song với sự phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết một vùng vịnh tốt hơn cho người dân sinh sống cũng như cho các du khách đến thăm quan.

13. Nó bắt đầu từ nội tại, từ một niềm tin sẵn có trong việc thôi thúc con người làm việc thiện.

Sinh ra với tư tưởng lạc quan, chúng ta thấy sự tốt lành và tiềm năng cho những điều tốt đẹp hơn trong mọi vấn đề của cuộc sống. Chúng tôi không thể hy vọng chăm sóc cho khách hàng của chúng tôi nếu trước tiên chúng tôi không chăm sóc cho chính người dân và cộng đồng mà chúng tôi thuộc về.

14. Chúng ta giới thiệu lại cho mọi người, những người khác, và thế giới xung quanh họ.

Trong một thế giới như thế, mối liên hệ giữa con người bị ảnh hưởng. Sử dụng trực giác của chúng tôi và áp dụng trực giác này với lòng hiếu khách góp phần loại bỏ những rào cản hàng ngày và để chúng tôi mở rộng liên kết lại với thế giới, thiên nhiên, những người khác và chính chúng ta.

15. Chúng tôi tạo ra một nơi để mọi người kết nối với nhau.

Chúng tôi tạo ra một nơi để mọi người kết nối với nhau. “Kết nối” có thể là cái gì đó thoáng qua và dễ dàng bị lãng quên. Để duy trì kết nối, chúng tôi cố gắng để tạo ra những kỷ niệm. Để được lâu dài sự kết nối này phải độc đáo – không chỉ là một ly cocktail Martini hoàn hảo, mà là khoảnh khắc hoàn hảo. Những cảm xúc mạnh mẽ nhất được xây dựng từ khoảnh khắc khám phá và sẻ chia.

Hãy làm cái mình thích và thích cái mình làm

Đó là lời chia sẻ của anh Phạm Hà – CEO Lux Group xoay quanh chủ đề: “Con đường thực hiện những ước mơ” với các bạn trẻ xuất phát từ kinh nghiệm thực hiện ước mơ của anh. Tạp chí Thanh niên trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung thú vị về cuộc chia sẻ này.

Phóng Viên: Anh giới thiệu đôi chút về bản thân mình? Về doanh nghiệp của mình?

Anh Phạm Hà: Tôi sinh năm 1975, trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tôi học Khoa tiếng Pháp tại Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó được cử đi học ở bên Pháp. Khi sang Pháp, tôi thấy có cái hay là mình ở quê nghèo sang, được mở mang đầu óc, tư duy. Mà con người quan trọng nhất là tư duy, đó là tài sản lớn nhất ở thế kỷ 21.
Những năm 1995 khi còn là sinh viên, tôi đã vác ba lô đi làm hướng dẫn viên du lịch rồi, lúc đấy là lúc làn sóng khách du lịch đầu tiên họ tới Việt Nam. Việt Nam mở cửa năm 1986 nhưng đến năm 1990-1995 mới có những người khách nước ngoài đến. Khi đi cùng và nói chuyện với khách nước ngoài thì tôi có được sự tự tin hơn, có cảm hứng từ câu chuyện của họ, học hỏi được phong cách và kinh nghiệm sống của người ta. Từ đó niềm tin, đam mê với nghề trong tôi cứ lớn dần lên và được khẳng định hơn. Ra trường, về nước tôi vào làm cho công ty du lịch, kinh qua các vị trí từ: hướng dẫn, bán hàng, sale, điều hành,… Sau 8 năm đi làm thuê, tôi bắt đầu khát khao tạo dựng cho mình một chân trời riêng.


Năm 2004 tôi quyết định khởi nghiệp, thành lập công ty lữ hành đầu tiên, Công ty Luxury Travel – phân khúc lữ hành sang trọng và cao cấp, nhưng chủ yếu vẫn là đi vào thị trường ngách. Lúc đầu vốn khởi nghiệp chỉ có khoảng 1000 USD, bài toán đặt ra là với 1000 đó mình sẽ có nhà để ở hoặc là mình sẽ phải mất cái nhà đó.. Nhân sự lúc đó cũng chỉ có 1 người, 1000 đô, 1 laptop, 1 văn phòng tự mình làm hết mọi công việc. Lúc đấy thị trường du lịch Việt Nam mới bắt đầu phát triển, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Internet xuất hiện. Tôi tận dụng được thế mạnh của Internet để tạo ra những sản phẩm trải nghiệm tốt, phù hợp với đối tượng khách hàng cao cấp của mình. Sau đấy tôi sử dụng các công cụ website, quảng cáo như: google tác dụng trực tiếp đến khách hàng là những người dùng cuối, tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng hơn trong việc trả tiền. Luxury Travel là đơn vị đầu tiên dùng thương mại điện tử để khách hàng ở khắp nơi trên thế giới có thể đạt được trải nghiệm của mình qua Internet. Đấy là những thành công đầu tiên, là đơn vị tiên phong làm du lịch cao cấp và thương mại điện tử. Đó là bước đầu thành công, sau đó tôi bắt đầu phát triển nhiều hơn lượng khách cao cấp, họ đến nhiều hơn nữa, công ty có uy tín cao hơn. Năm năm gần tôi vẫn tập trung vào du lịch trải nghiệm nhưng nhiều hơn là du thuyền. Hiện tại bây giờ công ty đang có du thuyền tại Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng.

Sau 15 năm hoạt động, từ một văn phòng tại Hà Nội dần dần mở được văn phòng tại Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Hạ Long. Ngoài ra còn có các văn phòng đại diện tại các nước phát triển 5 ngôn ngữ tại thị trường mục tiêu của mình tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Ngoài lữ hành thì công ty còn có các du thuyền như Hạ Long, Nha Trang, Hải Phòng.. giải quyết việc làm cho khoảng 250 người với thu nhập ổn định. 15 năm phát triển cũng là một kỳ tích từ gần như một con số không tròn trĩnh đã tạo ra danh tiếng, uy tín hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Châu Á.

Phóng Viên: Anh có thể chia sẻ sâu hơn với các bạn trẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình khởi nghiệp xuất phát từ bản thân anh?

Anh Phạm Hà: Thuận lợi với tôi có lẽ, mình là một trong những đơn vị mà vốn khởi nghiệp không nhiều trong ngành du lịch. Nhưng mình luôn có đam mê, có chút kinh nghiệm và mình học hỏi được ở những người khác, kể cả khách du lịch nước ngoài. Mặt khác, mình chọn được những người thầy tốt để học và gặp được những người bạn cùng ngành giúp đỡ.. Nhận được sự giúp đỡ của những người cùng trí hướng là những anh em trong công ty, cùng trí hướng làm dịch vụ cao cấp mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng và chạm vào cảm xúc của họ. Khi bạn làm kinh doanh bạn phải trở thành người đầu tiên, bạn phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đấy thì sẽ hiểu được khách hàng của mình là ai, họ muốn cái gì. Mình thấu hiểu khách hàng thì mình sẽ có những sản phẩm trải nghiệm phù hợp, đáp ứng gần nhất nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ mua của bạn.

Còn khó khăn, rủi ro thì rất nhiều: Ví dụ như: có những khách hàng họ rất tốt nhưng cũng có khách hàng họ đặt qua Internet nhưng họ không trả tiền hoặc họ không đến hay có khách hàng họ lừa đảo trên Internet,… Để tránh những rủi do mình luôn dạy nhân viên những kỹ năng làm việc với khách nước ngoài, những khách hàng sang trọng dùng những ngôn từ hay cách thức mình giao tiếp văn minh, thân thiện. Phải tạo ra được một đội ngũ nhân viên hiểu biết, phải thuyết phục được những đối tác nước ngoài, khách nước ngoài đến Việt Nam bằng những trải nghiệm mà mình cung cấp cho họ sự khác biệt đáng đồng tiền bát gạo. Họ đến có người đưa đón, mình chọn những nhà hàng, khách sạn cao cấp hơn, xe cộ máy bay phải phù hợp với giờ giấc của khách hàng, đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng vào chuyến đi tới Việt Nam.

Phóng Viên: Hiện nay còn một bộ phận thanh niên đang thiếu những ước mơ, hoài bão? theo anh nguyên nhân từ đâu?

Anh Phạm Hà: Theo tôi có nhiều nguyên nhân, thường thì các bạn gặp khó khăn sẽ cố gắng vượt lên, nỗ lực hơn…nhưng không có nghĩa các bạn có điều kiện thì lười hơn hoặc không có cái gì đó làm động lực. Các bạn trẻ dù thuận lợi hay khó khăn luôn phải biết mục đích sống và phải biết được cái mình muốn là cái gì. Điều này có ảnh hưởng khá nhiều từ giáo dục. Tôi cũng xuất phát từ quê ra thành phố học, rồi được đi học ở nước ngoài, rồi quay về lập nghiệp. Tôi có cảm giác giáo dục Việt Nam! nó nặng về lý thuyết và hơi giáo điều làm mất đi khả năng sáng tạo của con người, hơi bị áp đặt dẫn đến con người không phát huy được hết khả năng và kỹ năng của mình. Tôi thích kiểu giáo dục nó phải dân tộc, thứ 2 nó phải nhân văn, thứ 3 là phải khai phóng. Ba cái yếu tố đấy sẽ tạo ra con người là chính mình và phát huy, khai phóng được những cái tiềm ẩn trong con người bộc lộ ra bên ngoài. Có thể nó sẽ hoàn toàn ngược lại những gì mà trước giờ người ta hay nói. Nhưng rõ ràng người ta biết được, người ta lý giải được, làm được cái điều đấy và người ta được làm cái mình muốn đấy là cái hạnh phúc.
Từ cái hạnh phúc thì sẽ tìm được động lực dù nền tảng của anh thuận lợi hay khó khăn, là nông thôn hay thành phố khi mà tìm được chân lý thì sẽ thấy con đường chính đạo trong cuộc đời cho sự nghiệp của mình.

Phóng Viên: Bản thân anh và Doanh nghiệp của mình đã đồng hành, chắp cánh cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ bằng những hoạt động thiết thực nào?

Anh Phạm Hà: Đây cũng là vấn đề quan tâm rất lớn của tôi cũng như doanh nghiệp. Thứ nhất là, tôi tạo ra môi trường làm việc tốt để các bạn trẻ trong công ty có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Thứ hai, dành ưu tiên cho các bạn sinh viên đến thực tập, cộng tác, giúp các bạn quen với môi trường doanh nghiệp sau đó các bạn ấy thích thì có thể ở lại ngay khi ra trường, đây là một cách tạo nguồn cũng rất là thành công. Khi ở trong trường thì các bạn chỉ có kỹ năng tiếng nước ngoài, khi đi làm thì mình bổ sung cho các bạn kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, bổ sung thêm phần thái độ để hiểu biết về ngành du lịch. Mình thì cũng tổ chức các buổi tranning để đào tạo các bạn.. Thứ ba, thường xuyên dành những xuất học bổng, tặng quà cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi..

Phóng Viên: Lời khuyên của anh với các bạn trẻ xuất phát từ kinh nghiệm thực hiện ước mơ của mình?

Anh Phạm Hà: Thường thì tôi thấy các bạn trẻ bây giờ hay tự thỏa mãn về bản thân, cái tôi lớn quá, quá tự tin về bản thân mình. Ví dụ như chưa ra trường các bạn đã khởi nghiệp ngay, có thể bạn giỏi về chuyên môn nhưng thường yếu về tất cả các kỹ năng quản lý, lãnh đạo.. Kết quả các bạn ấy bị thất bại. Vì vậy tôi khuyên các bạn trẻ hãy làm vì tiền trước, làm thuê đi đã sau đó tìm ra chân lý “Hãy làm cái mình thích và thích cái mình làm”. Hãy là chính mình trước, là người tốt, người tử tế rồi hãy theo đuổi đam mê. Khi mà có đam mê đủ lớn thì nó sẽ thúc đẩy chúng ta thức dậy hàng ngày, kết nối nhiều hơn cũng như trang bị thêm kỹ năng còn thiếu. Mặt khác, cuộc đời là hàm tổng của các lựa chọn, các bạn phải một chọn thầy giỏi mà học, phải chọn bạn để chơi, chọn vợ mà lấy và chọn nghiệp để mình theo, đấy là con đường để đi đến sự hạnh phúc và thành công.

Văn Quảng (thực hiện)

SWOT – Phân tích điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức du lịch Việt Nam

February 2, 2023 By Uncategorized Comments Off

Nằm ở vị trí lý tưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam ngày càng trở nên dễ tiếp cận thông qua các thị trường lân cận. Rủi ro tiêu cực bao gồm căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc đại lục, có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch. Quyết định của chính phủ về việc mở cửa trở lại lĩnh vực này vào tháng 3 năm 2022 sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch vào năm 2023.

Điểm mạnh

Việt Nam đang ở vị trí đắc địa để tận dụng lợi thế của việc mở rộng du lịch ra nước ngoài khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
• Một loạt các điểm tham quan lịch sử, văn hóa và tự nhiên được UNESCO công nhận mang đến cho đất nước sự hấp dẫn lâu dài.
• Đối với cả khách du lịch và các nhà phát triển, Việt Nam được coi là một điểm đến hợp lý hơn so với các thị trường lâu đời khác trong khu vực.
• Các thị trường nguồn đa dạng duy trì lượng khách du lịch đa dạng.
• Đồng Việt Nam là một loại tiền tệ hấp dẫn và hỗ trợ du khách có thu nhập thấp so với Thái Lan và các đối thủ cạnh tranh khác.
• Một hệ thống phát triển nhà ở vững chắc, với hơn 120 dự án mới đang được xây dựng.

Điểm yếu

• Ngành du lịch Việt Nam tiếp xúc nhiều với lượng khách đến từ Trung Quốc Đại lục, quốc gia đang duy trì các biện pháp nghiêm ngặt đối với du lịch nước ngoài tại thời điểm viết bài (tháng 10 năm 2022) như một phần trong chiến lược không có Covid.
• Một số lĩnh vực của cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm cả cơ sở lưu trú, cần được hiện đại hóa và mở rộng, đặc biệt là bên ngoài thủ đô và các khu nghỉ mát bãi biển nổi tiếng.
• Kết nối giao thông ở khu vực nông thôn bị hạn chế, đặc biệt là ở vùng cực Bắc và nội địa hướng tới biên giới với Lào.

Những cơ hội

• Mở lại biên giới để thúc đẩy sự phục hồi rất cần thiết, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ Q422.
• Triển vọng du lịch cải thiện rõ rệt giai đoạn 2023-2026 khi dịch bệnh lắng xuống.
• Có rất nhiều cơ hội bất động sản để phát triển khách sạn, đặc biệt dọc theo bờ biển phía nam và ở các vùng nông thôn nội địa.
• Những nỗ lực xây dựng mạnh mẽ dựa trên du lịch hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước.
• Việc mở rộng mạng lưới các hãng hàng không giá rẻ trên toàn bộ khu vực đang thúc đẩy lượng khách quốc tế đến.
• Việt Nam có cơ hội tiếp thị bản thân như một điểm đến hội họp, khen thưởng, hội nghị và triển lãm (MICE).
• Sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới có thể dẫn đến các biện pháp đi lại nghiêm ngặt được thực hiện một lần nữa.
• Lạm phát giá lương thực toàn cầu và tăng giá hàng hóa có thể ảnh hưởng đến khách du lịch tương lai nhạy cảm với thu nhập.
• Các thị trường khác trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan, là những điểm đến du lịch lâu đời hơn và có kết nối chuyến bay tốt hơn.
• Tâm lý nhà đầu tư có thể suy yếu trong H123; khách sạn và các dự án cơ sở hạ tầng khác có thể phải đối mặt với sự chậm trễ và áp lực tài trợ.

Ngành du lịch Việt Nam tiếp xúc nhiều với lượng khách đến từ Trung Quốc Đại lục, quốc gia đang duy trì các biện pháp nghiêm ngặt đối với du lịch nước ngoài tại thời điểm viết bài (tháng 10 năm 2022) như một phần trong chiến lược không có Covid.
• Một số lĩnh vực của cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm cả cơ sở lưu trú, cần được hiện đại hóa và mở rộng, đặc biệt là bên ngoài thủ đô và các khu nghỉ mát bãi biển nổi tiếng.
• Kết nối giao thông ở khu vực nông thôn bị hạn chế, đặc biệt là ở vùng cực Bắc và nội địa hướng tới biên giới với Lào.

Các mối đe dọa

• Sự xuất hiện của các biến thể Covid-19 mới có thể dẫn đến các biện pháp đi lại nghiêm ngặt được thực hiện một lần nữa.
• Lạm phát giá lương thực toàn cầu và tăng giá hàng hóa có thể ảnh hưởng đến khách du lịch tương lai nhạy cảm với thu nhập.
• Các thị trường khác trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan, là những điểm đến du lịch lâu đời hơn và có kết nối chuyến bay tốt hơn.
• Tâm lý nhà đầu tư có thể suy yếu trong H123; khách sạn và các dự án cơ sở hạ tầng khác có thể phải đối mặt với sự chậm trễ và áp lực tài trợ.

Vương đạo cuộc đời, thành công bằng kinh doanh tử tế mang lại hạnh phúc: Tất niên năm Dần, trò chuyện cùng doanh nhân tuổi Mão

January 31, 2023 By Uncategorized Comments Off

Sinh năm 1975 ở Hải Dương, từ nhỏ, Phạm Hà đã yêu lịch sử, yêu tiếng Pháp, rồi làm giảng viên tiếng Pháp tại Trường đại học Luật Hà Nội. Ban đầu, Phạm Hà đi phiên dịch, hướng dẫn tour du lịch cho người Pháp, rồi có cơ duyên góp sức cùng đạo diễn Trần Anh Hùng làm bộ phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”.

Tuy nhiên, vì đam mê du lịch, ngưỡng mộ những di sản của đất nước và khát khao cung cấp những trải nghiệm du lịch độc đáo, sang trọng cho du khách, anh đã sáng lập Luxury Travel (www.luxurytravel.vn), nay là Tập đoàn Lux Group (www.luxgroup.vn) với hệ sinh thái dịch vụ trọn gói, gồm: Công ty lữ hành Lux Travel DMC (www.luxtraveldmc.com), Luxury Travel, xe sang trọng Luxtransco, hãng du thuyền Emperor Cruises (www.emperorcruises.com), du thuyền Heritage Bình Chuẩn (www.heritagecruises.com) với các tour trải nghiệm ở Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà…

Là một doanh nhân may mắn cảm được cái hồn của nghệ thuật nên trong anh luôn có sự lãng mạn của một người nghệ sĩ và anh đã nhạy bén chuyển hóa những câu chuyện lịch sử thành nguồn lực phát triển kinh tế bền vững qua các sản phẩm, dịch vụ du lịch trải nghiệm. Nhờ đó mà hệ sinh thái Lux Group do Phạm Hà sáng lập ngày càng phát triển, trở thành thương hiệu uy tín trong lòng du khách.

Chúng ta đã trải qua những khoảng thời gian đầy khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Trước áp lực đó, không ít doanh nghiệp lữ hành đã phải đóng cửa hoặc tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, Lux Group của doanh nhân Phạm Hà vẫn kiên trì đứng vững, mặc dù khó khăn và áp lực không hề ít. Doanh nghiệp đã phải nỗ lực chuyển mình, tạo ra những ý tưởng mới, sản phẩm mới để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho nhân viên, gác lại những kế hoạch phát triển dài hạn trong tương lai.

Trước đây, nguồn khách chủ yếu mà doanh nghiệp phục vụ là khách quốc tế. Khi nguồn khách chủ lực bị đứt gãy, Lux Group đã nhanh chóng chuyển sang thu hút khách nội địa với mục đích mang đến cho họ những trải nghiệm ngạc nhiên, thú vị, không thể tìm thấy ở những nơi khác.

Với doanh nhân tuổi Ất Mão này, văn hóa dân tộc chính là cái nôi, là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn anh và là ngọn hải đăng soi đường, chỉ lối để anh thực hiện sứ mệnh quảng bá cho thật nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế, biết đến những di sản văn hóa, lịch sử vô giá của Việt Nam.

Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn là một trong những minh chứng cho việc cảm nghệ thuật sâu sắc trong tâm hồn doanh nhân Phạm Hà. Du thuyền được thiết kế dựa trên con tàu Bình Chuẩn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi ở thế kỷ 20. Đây là con tàu lớn nhất Việt Nam thời điểm tháng 9.1919, hoàn toàn do người Việt thiết kế, đóng mới và chạy thành công từ Hải Phòng đến Sài Gòn đúng một năm sau đó. Ngay cái tên Bình Chuẩn cũng mang theo kỳ vọng của Phạm Hà về việc làm sống dậy một ký ức lịch sử đầy kiêu hãnh của con tàu “made in Việt Nam” đầu tiên trong lịch sử. Còn du khách cũng sẽ ấn tượng với những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hoá, tinh thần Việt Nam trên du thuyền di sản này.

Hiện tại, Heritage Cruises Bình Chuẩn đã trở thành một bảo tàng đặc biệt về “vua tàu thuỷ” Bạch Thái Bưởi với sự giúp đỡ của bà Bạch Quế Hương, chắt nội của doanh nhân nổi tiếng này. Phạm Hà cũng đã cho ra đời một cuốn sách về “vua tàu thủy” mang tên “Kinh doanh thời 1.0”.

Ngoài đam mê văn hóa dân tộc thì sưu tập tranh cũng là sở thích cá nhân của vị doanh nhân Ất Mão này, nhằm cân bằng cuộc sống và công việc. Trên du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn và các du thuyền khác của mình, Phạm Hà treo rất nhiều tranh của Phạm Lực, đặc biệt là những bức tranh về khung cảnh, con người Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước. Không những thế, do cảm mến và yêu tranh của hoạ sĩ Phạm Lực, đầu năm 2020, anh đã hoàn thành cuốn sách giới thiệu 100 bức tranh của họa sĩ này với tiêu đề “Picasso Việt Nam, một đời nghệ thuật”.

Du khách khi đến với các du thuyền di sản của Phạm Hà như được sống trong một không gian văn hóa đậm chất Việt Nam xưa cũ.

Với óc sáng tạo của một doanh nhân và trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ, trong thời gian tới, hy vọng vị doanh nhân này sẽ thành công hơn nữa trên hành trình đưa cái đẹp của nghệ thuật, sự dộc đáo của văn hóa, lịch sử Việt Nam đến gần hơn với tất cả mọi người.