Đặc tính tranh Phạm Lực
Đặc tính tranh Phạm Lực
Ngay ở thời điểm hiện nay, vẫn có đến 70% dân số Việt Nam sống ở vùng nông thôn, tức là sinh hoạt trong một môi trường rất gần gũi với thiên nhiên. Miền Bắc Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có cả mùa hè dài và nóng lẫn mùa đông, tuy rất ngắn, nhìn chung là có đủ sự biến đổi theo bốn mùa. Ngoài ra, từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm thường phải đón chịu các cơn bão, có những lúc lại phải chịu thiên tai như lũ lụt, có thể nói người Việt Nam sống trong một môi trường tự nhiên khá khắc nghiệt. Hơn nữa, lại trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài, nên cuộc sống của người Việt Nam bị đặt trong một hoàn cảnh khắc nghiệt cả về tâm lý, xã hội cũng như kinh tế.
Chính trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc kéo dài, phải làm thế nào để sống sót trở về, không thể chết được nếu chưa “nghe thử bài hát đó”, “ăn lại một lần bữa ăn đó”, “xem lại một lần bức tranh đó” là tâm lý chung của người Việt Nam. Để khích lệ bản thân, lấy lại cuộc sống nhân văn cũng như để chia sẻ niềm vui với gia đình và những người thân, con người cần đến các môn nghệ thuật như âm nhạc, diễn kịch, văn học, hội họa. Ngược lại, trong môi trường đó, các bộ môn nghệ thuật cũng được nuôi dưỡng bởi khát vọng mang tính nhân bản là được sống theo đúng nghĩa của một con người, do vậy chúng tồn tại một cách rất gần gũi với đời sống. Đây được gọi là truyền thống của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Lấy ví dụ, ngay cả những họa sĩ lớn lên ở thành phố, do rất quen thuộc với văn hóa phong tục truyền thống của vùng nông thôn, nên rất dễ dàng cảm thụ được tinh thần dân tộc dù thông qua bất kỳ một hình thức biểu hiện nghệ thuật nào. Các làn điệu Chèo – được coi là nghệ thuật kinh kịch của Việt Nam, các làn điệu dân ca, tranh khắc Đông Hồ, điêu khắc trên kiến trúc đình ở các làng nghề trong một thời gian dài đã ảnh hưởng đến việc hình thành năng lực cảm thụ của người nghệ sĩ Việt Nam.
Có thể nói dù ý thức hay không ý thức, người nghệ sĩ Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực nào đi chăng nữa, nhìn chung đều xác định mình mang sứ mệnh phải đáp ứng được những nhu cầu mang tính cơ bản của dân tộc mình. Đặc biệt nếu so sánh với văn học, diễn kịch hay âm nhạc, hội họa ít chịu sự áp đặt chính trị và tư tưởng hơn, nên các họa sĩ được tự do hơn trong việc thể hiện nội tâm của mình. Với ý nghĩa này, có thể coi Phạm Lực là một họa sĩ đã thể nghiệm tinh thần dân tộc Việt Nam.
Trước tiên, hay thử cùng tìm hiểu từ góc độ một họa sĩ chuyên nghiệp. Tuy không xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng có thể nói tranh của Phạm Lực nằm trong dòng chảy truyền thống của nền hội họa cận đại Việt Nam. Đó là vì các tác phẩm của Phạm Lực chia sẻ được nhận thức chung về việc “làm thế nào để phát triển hiện đại trên cơ sở nối dài truyền thống”. Đề tài của Phạm Lực được lấy từ những điều rất gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam bình thường như tranh nhân vật lấy đề tài về mẹ và con, tranh phong cảnh về vùng nông thôn hay làng chài, tranh về gia súc như trâu, tranh tĩnh vật như hoa quả hay bình hoa…
Bên cạnh đó, Phạm Lực cũng dám vẽ rất nhiều tác phẩm về đề tài nude, một đề tài mà nhiều họa sĩ Việt nam chịu ảnh hưởng của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa thường tránh né. Trong lựa chọn đó, có thể cảm nhận được ý thức mãnh liệt về cái tôi của họa sĩ, ý thức tôi lựa chọn cái mà tôi muốn vẽ. Đối với Phạm Lực giá trị tối thượng là “sự tự do của bản thân”.
Ngoài ra, không chỉ sử dụng hình thức tranh của Phương Tây như tranh dầu, tranh chì hay màu nước, Phạm Lực còn sử dụng những nguyên liệu rất truyền thống của Việt Nam. Ông cũng có các tác phẩm tranh sơn hay tranh lụạ. Dù một tác giả tranh sơn người Nhật là Ando Saeko đã phê phán “tranh sơn của Phạm Lực không sử dụng chất liệu sơn truyền thống của Việt nam mà sử dụng chất liệu sơn hóa học hợp thành, cũng như không sử dụng kỹ thuật sơn mài nên không thể coi là tranh sơn thuộc dòng chính thống”, nhưng rõ ràng Phạm Lực cũng có những tác phẩm tranh sơn.
Ngoài ra, do từng ở trong quân ngũ, nên Phạm Lực vẽ nhiều tranh về đề tài người lính hay gia đình ở lại của người lính trong thời chiến. Tuy nhiên, dù chọn đề tài nào đi chăng nữa, dù dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp, những bức tranh đó đều thể hiện “nỗi buồn chiến tranh”. Phạm Lực không có dù chỉ một tác phẩm theo phong cách cổ động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu như những tác phẩm mà các họa sĩ “đi theo quân đội” hay vẽ.