KHÁI QUÁT VỀ NỀN HỘI HỌA CẬN ĐẠI VIỆT NAM

KHÁI QUÁT VỀ NỀN HỘI HỌA CẬN ĐẠI VIỆT NAM

Cho đến khi giành được độc lập vào thế kỷ X, Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ trực tiếp trong suốt 1000 năm (Thời kỳ Bắc thuộc). Ngay cả sau khi độc lập, các vương triều Việt Nam cũng thống trị đất nước theo mô hình vương triều kiểu Trung Quốc. Nhà Lý (1009-1225), nhà Trần (1225-1400), nhà Lê (1428-1789), nhà Nguyễn (1802-1945) đều xây dựng cung điện theo kiểu Trung Quốc. Do vậy, chắc chắn đã tồn tại những họa sĩ để vẽ bích họa, trang trí trên tường hay trần cung điện.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu lịch sử Đào Thế Hùng (1), các họa sĩ khi đó làm việc với tư cách là những người thợ vô danh trong một nhóm thợ, ở Việt Nam không có truyền thống làm việc với tư cách là họa sĩ chuyên nghiệp độc lập.

Năm 1925, sau 40 năm bị Pháp xâm chiếm làm thuộc địa, tình hình xã hội Việt Nam đã đi vào ổn định, người Pháp đã thành lập tại Hà Nội Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Một họa Sĩ người Pháp là Victor Tardieu (1870-1937) đã có công rất lớn ương việc thành lập ngôi trường này. Việc một tác phẩm trưng bày tại triển lãm tại Paris giành được giải thưởng Đông Dương của Hiệp hội Mỹ thuật Thuộc địa Pháp đã đưa Tardieu đến Việt Nam.

Giải thưởng Đông Dương này chính là một gói học bổng đến làm việc tại Đông Dương, họa sĩ được giải sẽ nhận được một tấm vé hai chiều Paris – Đông Dương cũng như một chuyến du lịch Đông Dương miễn phí. Do chi phí ăn ở không dư giả lắm, nên thông thường, các họa sĩ chỉ lưu lại Đông Dương trong một thời gian ngắn rồi về nước.

Tuy nhiên, sau khi đến Hà Nội, Tardieu đã nhận công việc vẽ bức bích họa lớn trên tường của Đại học Đông Dương vốn đang được xây dựng, nên ông đã kéo dài thời gian lưu lại Hà Nội. Trong thời gian ở đây, Tardieu đã tìm hiểu về tình hình mỹ thuật Đông Dương cũng như giao lưu với các họa sĩ bản địa, dẫn đến ý tưởng thành lập một trường cao đẳng mỹ thuật với mục đích “bồi dưỡng những nghệ sĩ (bản địa) thông qua việc cảm hóa họ bằng những tư tưởng và phương pháp ưu Việt của nước Pháp”.

Cụ thể, Tardieu đề xuất với Toàn quyền Đông Dương Merlin về một phương án cải cách giải thưởng Đông Dương. Theo đó, họa sĩ được giải sẽ dành năm đầu tiên để du lịch Đông Dương, năm tiếp theo sẽ phải có nghĩa vụ giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Phương án này đã được chấp thuận.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được thiết lập với Pháp lệnh ngày 27/10/1924. Một năm sau đó, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã chính thức mở cửa. Các công trình kiến trúc và tổ chức cũng dần dần được hoàn thiện, để 5 năm sau, hai khoa Điêu khắc Hội họa Phác thảo và Khoa Kiến trúc đã bắt đầu tiếp nhận học viên. Khoa Điêu khắc Hội họa Phác thảo có 50 học viên, 40 người thuộc khóa dự bị, Khoa Kiến trúc có 10 người, 16 người thuộc khóa dự bị, tổng số là 116 người. Trừ khóa dự bị, thời gian tu nghiệp là 5 năm. Đại đa số học viên được chu cấp chi phí học tập, được bảo đảm điều kiện kinh tế trong suốt 5 năm, nên có thể tập trung để tiếp nhận nền giáo dục mỹ thuật.

Đội ngũ giảng viên được tổ chức rất bài bản, các họa sĩ được giải thưởng Đông Dương chủ yếu phụ trách các giờ học kỹ thuật thực tiễn, trong khi các môn lịch sử mỹ thuật, lịch sử mỹ học, khảo cổ học ủy thác cho đội ngũ giảng viên đến từ Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise de l’Extreme Orient: EFEO). Như vậy, Trường Cao đăng Mỹ thuật Đông Dương đã học tập mô hình của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, vốn đã tích lũy truyền thống và kinh nghiệm từ thời Phục hưng.

Các kỹ thuật hội họa và điêu khắc được giảng dạy thuộc trường phái Paris. Tuy nhiên, Tardieu còn có một ý tưởng tiến bộ hơn nhiều. Ông nhận thức vấn đề là “phải làm thế nào để có được sự phát triển mang tính hiện đại trên cơ sở kéo dài truyền thống”. Ý tưởng này là khuyến khích học viên trên cơ sở học tập kỹ thuật và tư tưởng của Trường phái Paris, phối hợp những kiến thức đã học được với các tư tưởng và kỹ thuật truyền thống của Việt Nam theo hướng hiện đại.

Được dẫn dắt bởi triết lý của Tardieu, các họa sĩ thuộc thế hệ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bên cạnh việc tiếp thu các kỹ thuật và nguyên lý của nền hội họa Pháp, đã thử nghiệm việc sáng tác theo các chủ đề truyền thống để hình thành nên một phương pháp hội họa riêng. Các họa Sĩ này được gọi là “trường phái Hà Nội”. Các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ đã hình thành nên “trường phái Hà Nội” này.

Công lao lớn nhất của những họa sĩ hoạt động với tư cách là chuyên gia thời kỳ đầu này là họ đã ứng dụng được các chất liệu truyền thống của Việt Nam như sơn mài hay tranh lụa vào kỹ thuật hiện đại, biến chúng không chỉ dừng lại ở những đồ thủ công trang trí mà trở thành những tác phẩm hội họa, nâng cao được giá trị nghệ thuật của chúng.

Tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam có thể khai thác được nguồn sơn với chất lượng tốt. Do vậy, năm 1927, người phụ trách giảng dạy hội họa tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Joseph Inguimberty đã quyết định mở lớp hội họa sơn. Năm 1937, Tardieu qua đời, 1 năm sau tức năm 1938, Évariste Jonchère kế nhiệm Tardieu làm hiệu trưởng đã tiếp tục phát triển Khoa sơn, cũng như thành lập trường thủ công tại nhiều địa phương.

Ngoài ra, Nguyễn Phan Chánh – học viên khóa đầu tiên được Victor Tardieu nhận xét là không thích hợp với tranh dầu mà tài năng của ông hợp hơn với tranh truyền thống, sau một thời gian lao tâm khổ tứ đã tạo ra được một bước đổi mới lớn khi ứng dụng thành công kỹ thuật hiện đại trên tranh lụa. Như vậy, không chỉ dừng lại ở tranh dầu, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã dần dần chuyển sang việc giảng dạy các kỹ thuật truyền thống của Việt Nam như tranh lụa và tranh sơn.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tuy nhiên, nước Pháp đô hộ không thừa nhận nền độc lập đó, dẫn đến cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ I. Mặc dù năm 1954, tại Điện Biên Phủ, Việt Nam đã giáng một đòn tấn công mang tính hủy diệt vào quân đội Pháp, nhưng trong bối cảnh Chiến tranh lạnh khi đó, Mỹ đã nắm lấy quyền chủ động, thành lập quốc gia “Việt Nam Cộng hòa” ở Sài Gòn, dẫn đến việc chia tách Việt Nam thành hai miền Bắc – Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa), kéo dài cuộc chiến.

Do tình trạng chiến tranh kéo dài trong suốt 30 năm, Miền Bắc Việt Nam đã bị cô lập khỏi thế giới, hoạt động giao lưu mỹ thuật chỉ được tiến hành với các nước Xã hội chủ nghĩa, đi theo con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này, do các họa sĩ thuộc thế hệ thứ nhất lẩy mục đích sáng tạo nghệ thuật là sử dụng những phương pháp thể hiện mới mà mình đã được trang bị để phục vụ cho mục đích chính trị, nên họ bắt buộc phải tự phủ định tính cá nhân. Những họa sĩ được đào tạo đông đảo tại các trường mỹ thuật tại Hà Nội trong thời kỳ này được gọi là “thế hệ thứ hai”, nhằm phân biệt với những họa sĩ tiếp nhận nền giáo dục hội họa tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trước đó.

Việc tiếp xúc với hiện thực Xã hội chủ nghĩa được coi là việc lựa chọn một cách có ý đồ những đề tài liên quan đến tư tưởng, với hình mẫu là các tác phẩm của Liên Xô và Trung Quốc. Những hình mẫu đó đã dẫn dắt các nghệ sĩ đến cuộc sống hiện thực, giúp họ nâng cao trách nhiệm đối với xã hội. Mặt khác, nó lại bó buộc người nghệ sĩ trong một tư duy thẩm mĩ cố định, không chấp nhận sự đa dạng.

Do vậy, các tác phẩm trong thời kỳ này tuy bao hàm nhiều giá trị cống hiến cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng về hình thức thể hiện lại thiếu đi tính sáng tạo, chỉ dừng lại ở những hình thức đơnđiệu và bình thường.

Tuy nhiên, các họa sĩ thuộc “thế hệ thứ nhất” – những người tìm kiếm phương pháp thể hiện đặc trưng của Việt Nam, cũng như “thế hệ thứ hai” đã nghiêng về phong cách hội họa ấn tượng của Châu Âu hơn là phong cách hiện thực Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và Trung Quốc.

Lối ra cho người nghệ sĩ trong thời kỳ này bị giới hạn trong các cuộc triển lãm tập thể do Hội Mỹ thuật (thành lập năm 1957) hay các cơ quan văn hóa tổ chức. Các cuộc triển lãm cá nhân là cực kỳ hiếm, có thể nói là gần như không có. Việc đánh giá các tác phẩm dự thi cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn thẩm mỹchính thống, các tác phẩm thoát ly khỏi những tiêu chuẩn đó ngay lập tức sẽ bị loại bỏ bởi sự kiểm duyệt của Hội đồng đánh giá nghệ thuật bao gồm lãnh đạo của Hội Mỹ thuật.

Người mua các tác phẩm hội họa trong thời kỳ này là các bảo tàng mỹ thuật, nhưng các bảo tàng tự tiện áp đặt giá cho từng tác phẩm, trong khi người tạo ra tác phẩm hội họa thậm chí còn không có quyền đề xuất giá bán cho tác phẩm của mình. Đó là vì vào thời kỳ này, người ta coi việc được các bảo tàng mỹ thuật mua tranh bản thân nó đã là một niềm vinh dự. Trong tình hình như vậy, người họa sĩ cũng không thể sống được bằng các tác phẩm của mình.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đất nước được thống nhất. Tuy nhiên, việc đưa quân sang Campuchia (phía Việt Nam dùng từ“đưa quân”, nhưng cộng đồng quốc tế khi đó lại phê phán đây là hành vi “xâm lược”), rồi tiếp theo đó là Chiến tranh Trung – Việt bùng phát, đến đầu những năm 1980 lại xảy ra nạn đói Ở Miền Trung. Đời sống khổ cực, giới mỹ thuật cũng phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn.

Cuối năm 1986, Việt Nam bắt đầu chính sách Đổi mới, nền hội họa Việt Nam cũng bước sang một thời kỳ mới. Bản thân các nghệ sĩ Việt Nam cũng cónhững nỗ lực mang tính chủ động, tuy nhiên ảnh hưởng từ các nhà sưu tầm hội họa nước ngoài cũng rất lớn. Việc các nhà sưu tầm nước ngoài, ban đầu là từ các nước Âu Mỹ và sau đó là từ các nước Châu Á khai quật các tác phẩm hội họa đã kích thích ý chí sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam. Chính các nhà sưu tầm này đã xác định giá trị của mỹ thuật Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho sự thành công của nhiều họa sĩ mà trước đó hầu như chưa được biết đến.

Thị trường hội họa Việt Nam được mở rộng từ thành phố Hồ Chí Minh nhờ mối liên kết hình thành với các họa sĩ sống Ở nước ngoài. Tại Hà Nội, tuy việc sưu tập có quy mô hẹp hơn, nhưng một vài họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Dũng, Đặng Xuân Hòa cũng bắt đầu được các nhà sưu tầm nước ngoài chú ý đến. Một trong số đó chính là Phạm Lực.