Du lịch biển và kỳ vọng đội tàu ‘made in Việt Nam’
Việt Nam lâu nay chỉ đón khách tàu biển vào nên còn bị động, phụ thuộc, chưa có đội tàu chạy trên lãnh hải nước ta, chạy ra lãnh hải quốc tế, chở khách từ Việt Nam đi các nước.
Việt Nam chưa có đội tàu du lịch nào.
Tại Hội thảo Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam, diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, ông Duy Vũ, chuyên gia du lịch tàu biển, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Saigontourist, đánh giá, với tiềm năng về du lịch biển, Việt Nam đã trở thành điểm đến thường xuyên của các hãng tàu biển trên thế giới. Khách tàu biển đến nước ta ngày càng tăng, tàu càng lớn, với tàu lên tới 4.500-4.800 khách. Nếu không có dịch Covid, chúng ta đã đón được tàu chở 6.000 khách. Thời gian tàu ghé cảng lâu hơn, nhiều cảng hơn, thay vì chỉ 1-2 cảng như trước.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch tàu biển mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 2-3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. So với khách đi bằng đường không, đường bộ, tỷ lệ khách tàu biển tăng trưởng rất thấp, một số năm còn sụt giảm.
Theo ông Vũ, đó là bởi du lịch tàu biển tại Việt Nam chưa được chú trọng quảng bá, chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Úc, Đông Nam Á, qua đó thu hút khách tàu biển; chưa có cảng đón khách chuyên dụng tại một số thành phố cảng, vốn là điểm đến du lịch phổ biến nên phải sử dụng cảng hàng hóa, cảng container… ; một số cảng hạn chế tàu phải neo bên ngoài, khách phải tăng bo mất thời gian, không đảm bảo an toàn… Sản phẩm tàu biển chưa đa dạng, hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu ăn uống, mua sắm và giải trí của khách…
Hơn nữa, chính sách visa với khách tàu biển tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm. Hãng tàu phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, sắp xếp hộ chiếu cho khách trên tàu để được cấp visa, tạo áp lực lớn cho hãng tàu, nhân viên, nhất là tàu có số lượng khách đông 2.000-4.000 khách trở lên.
Trong khi đó, theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dù Việt Nam có 3.000km bờ biển, hàng trăm bãi biển đẹp, hàng trăm hòn đảo có tài nguyên du lịch, hàng chục thành phố ven biển, nhưng du lịch và du lịch biển đảo Việt Nam vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc, hạ tầng lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một đội tàu du lịch nào.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận, Việt Nam mới có chiến lược phát triển du lịch tàu biển inbound, tức đón khách quốc tế vào Việt Nam, nên hoàn toàn bị động. Ông đề xuất cần chủ động vươn ra, bởi du lịch biển là một trong những trụ cột của kinh tế biển.
Theo ông, Việt Nam phải có những cặp tàu chạy trên lãnh hải nước ta, chạy ra lãnh hải quốc tế, chở khách từ Việt Nam đi các nước, bằng tàu của chúng ta.
Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nhấn mạnh, cần thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào tàu biển và du thuyền mang quốc tịch Việt Nam chạy dọc bờ biển, tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn hơn cho ngành du lịch, đồng thời phát huy được tài nguyên ven bờ.
Thực tế, dọc biển Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, tại mỗi cảng khách cập bến lại có đặc trưng khác nhau: Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…
“Cái áo quá chật” cho du lịch biển
Tàu biển chỉ là một trong những nội dung liên quan đến phát triển du lịch biển tại Việt Nam. Vấn đề đáng lưu ý hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng chỉ ra rằng, chúng ta đang “mặc cái áo quá chật cho du lịch biển”. Đó là bởi khung pháp lý hiện nay mới áp dụng cho thủy nội địa chứ không phải cho du lịch biển, tuyến hàng hải. Khung đó cũng chỉ áp dụng cho tàu khách, tàu đi theo tuyến, chứ không phải tàu du lịch.
Ông dẫn chứng, khi đi tàu ăn uống trên sông Hàn (Đà Nẵng), khách phải mặc áo phao, không được di chuyển, chụp hình. Diễn viên lên múa phải mặc áo phao nên không thể biểu diễn. Đây là các quy định vốn áp dụng với hành khách đi lại bằng đường biển, nhưng cũng áp luôn với khách trên tàu du lịch.
Hay tại Lý Sơn, hạ tầng cho phát triển du lịch biển rất bất cập khi phải dùng cảng cá nhỏ của ngư dân khiến khách bước chân xuống tàu thấy hôi thối nên… có người say luôn.
Chưa kể, việc kết nối vùng rất kém, nếu không nói là cát cứ. Điển hình như tàu hoạt động trên hai vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Lan Hạ (Hải Phòng) trong cùng một vùng di sản. Hiện, khách từ Lan Hạ muốn đi vịnh Hạ Long lại phải đi tàu của Hạ Long, khách từ Hạ Long muốn đi Lan Hạ lại phải vòng sang Hải Phòng trong khi đó hai vịnh hoàn toàn có thể kết nối được.
Chính vì không thể kết nối với Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng cũng đang thiếu mảnh ghép du lịch tàu biển. Mấy năm nay, địa phương vẫn chưa có được tour ra vịnh. Trong khi, chỉ cần các địa phương đặt du khách là trung tâm sẽ giải quyết được bài toán này.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, cấp bách và cấp thiết, cũng khiến các doanh nghiệp du lịch lo lắng, hành khách ái ngại. Ông Phạm Hà nhận xét, tại một số địa phương ven biển, việc quản lý điểm đến rất tệ. Rác trên biển, chất thải ven bờ vô cùng nhiều mà không có bất kỳ hoạt động thu gom nào.
Vì thế mà tại Lý Sơn, đảo mới phục vụ khách nội địa là chính, khách quốc tế rất ít. Hay như Lan Hạ, vừa qua các doanh nghiệp phải tự lập ra một chi hội du thuyền, sau đó thuê tàu đi vớt rác ít nhất tại các điểm mà tàu có khách nước ngoài thường xuyên hoạt động, như chèo thuyền kayak, thăm hang, chèo đò,… Đây là vấn đề cấp thiết cần xử lý để du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững, là điểm đến xanh.
Do đó, các doanh nghiệp lữ hành đề xuất: Cần có chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển du lịch biển Việt Nam. Hạ tầng thiếu, khung pháp lý lạc hậu, cần khắc phục, thay đổi ngay để thích ứng với thực tiễn. Ngoài ra, tránh tình trạng chồng chéo trong cấp phép cho các tàu biển xuất bến, cập cảng.
Đại diện Tổng cục Du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, du lịch biển là một trong những sản phẩm du lịch có thế mạnh của Việt Nam, có tiềm năng, tài nguyên và rất nhiều điều kiện để phát triển mạnh, cạnh tranh rất cao đối với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Việc phát triển hiện nay là chưa tương xứng. Ông đồng ý cần sớm có chiến lược tổng thể về phát triển du lịch biển đảo; có quy hoạch để phát triển; chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất; bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách phù hợp và xúc tiến quảng bá tại các thị trường du lịch biển trọng điểm. Đây là những điểm nghẽn trong phát triển du lịch biển đảo, cần sớm tháo gỡ. www.heritagecruises.com
Nguồn: Vietnamnet
Tiếp sức để du lịch hồi phục
Phạm Hà
(Chủ tịch HĐQT Lux Group)
Sau mùa cao điểm hè góp phần phục hồi ngành du lịch một cách ngoạn mục, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng dịp lễ 2-9 sẽ tiếp tục nhộn nhịp.
Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8-2022 đạt hơn 486.000 lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,44 triệu lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Du lịch khởi sắc cũng giúp các doanh nghiệp trong ngành dễ thở hơn, nhưng để phục hồi nhanh và bền vững, đòi hỏi nhiều giải pháp và chính sách tiếp sức của nhà nước. Chẳng hạn, như Lux Group đang có đội du thuyền 3 chiếc khai thác ở vịnh Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc. Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm 3 chiếc du thuyền nữa, đón đầu đà phục hồi của khách quốc tế và khách nội địa cho năm sau, nhưng đến giờ các ngân hàng giải ngân hạn chế vì hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).
Đồng thời, nhiều doanh các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó vì trước đây được cơ cấu lại khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nhưng từ 1-7 đến nay khi thông tư của Ngân hàng Nhà nước hết hạn, các khoản vay được phân loại nợ như trước dịch Covid-19 nên doanh nghiệp gặp khó.
Chưa kể, các doanh nghiệp du lịch rất khó tiếp cận vốn lưu động đang trong mùa phục hồi và có nhu cầu mở rộng đầu tư. Ngay gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng, du lịch là 1 trong những đối tượng được hưởng, nhưng không tiếp cận được vì ngân hàng nói quy định là khách hàng phải có lãi 6 tháng hoặc 2 tháng qua hoặc thêm tài sản thế chấp để chứng minh tài chính… Nhưng 2 năm dịch doanh nghiệp du lịch làm gì có lãi? Doanh nghiệp du lịch giờ như người đang ốm dậy, rất cần sự tiếp sức để khỏe mạnh, nếu không có đủ “thuốc” sẽ rất khó khăn.
Để phục hồi du lịch thật sự, doanh nghiệp rất cần giải pháp đồng bộ. Ngoài chính sách về vốn, các chính sách khác như visa vẫn là rào cản rất lớn. Kể từ sau khi du lịch Việt Nam mở cửa mốc 15-3 đến nay, khách quốc tế đến chưa nhiều như kỳ vọng. Dù có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng yếu tố chủ quan là rào cản visa vẫn chưa được tháo gỡ. Cần sự đột phá về visa bởi đây được xem là cánh cửa đầu tiên thu hút, mời du khách quốc tế đến. Chính sách visa cần thông thoáng cho phép các loại miễn visa 3 tháng, 6 tháng hoặc miễn 1 tháng visa nhưng khách được ra, vào nhiều lần vì có những đối tượng như khách về hưu có nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá điểm đến Việt Nam dài ngày…
Để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam cần chính sách quảng bá, xúc tiến bài bản, có chiến lược phục hồi du lịch trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với những giải pháp cụ thể. Cấp tốc đào tạo nguồn nhân lực đã bị mai mốt, thiếu hụt sau giai đoạn dịch, vì nếu khách đến mà không có người đón thì cũng rất khó bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, cần chiến lược quảng bá để định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam bởi sau dịch nhu cầu của khách đã thay đổi. Nếu không làm mới cho phù hợp nhu cầu của du khách sẽ bị nhạt nhào so với các nước so với khu vực. Muốn vậy, phải có những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, số hóa là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch, cần sự đồng bộ từ trung ương, địa phương đến cấp doanh nghiệp. Nếu giải quyết được những bài toán trên, ngành du lịch sẽ phục hồi bền vững và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.