Tiếp sức để du lịch hồi phục

August 31, 2022 By Blog Comments Off

Phạm Hà
(Chủ tịch HĐQT Lux Group)

Sau mùa cao điểm hè góp phần phục hồi ngành du lịch một cách ngoạn mục, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng dịp lễ 2-9 sẽ tiếp tục nhộn nhịp.

Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8-2022 đạt hơn 486.000 lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,44 triệu lượt, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Du lịch khởi sắc cũng giúp các doanh nghiệp trong ngành dễ thở hơn, nhưng để phục hồi nhanh và bền vững, đòi hỏi nhiều giải pháp và chính sách tiếp sức của nhà nước. Chẳng hạn, như Lux Group đang có đội du thuyền 3 chiếc khai thác ở vịnh Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc. Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm 3 chiếc du thuyền nữa, đón đầu đà phục hồi của khách quốc tế và khách nội địa cho năm sau, nhưng đến giờ các ngân hàng giải ngân hạn chế vì hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Đồng thời, nhiều doanh các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó vì trước đây được cơ cấu lại khoản vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nhưng từ 1-7 đến nay khi thông tư của Ngân hàng Nhà nước hết hạn, các khoản vay được phân loại nợ như trước dịch Covid-19 nên doanh nghiệp gặp khó.

Chưa kể, các doanh nghiệp du lịch rất khó tiếp cận vốn lưu động đang trong mùa phục hồi và có nhu cầu mở rộng đầu tư. Ngay gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng, du lịch là 1 trong những đối tượng được hưởng, nhưng không tiếp cận được vì ngân hàng nói quy định là khách hàng phải có lãi 6 tháng hoặc 2 tháng qua hoặc thêm tài sản thế chấp để chứng minh tài chính… Nhưng 2 năm dịch doanh nghiệp du lịch làm gì có lãi? Doanh nghiệp du lịch giờ như người đang ốm dậy, rất cần sự tiếp sức để khỏe mạnh, nếu không có đủ “thuốc” sẽ rất khó khăn.

Để phục hồi du lịch thật sự, doanh nghiệp rất cần giải pháp đồng bộ. Ngoài chính sách về vốn, các chính sách khác như visa vẫn là rào cản rất lớn. Kể từ sau khi du lịch Việt Nam mở cửa mốc 15-3 đến nay, khách quốc tế đến chưa nhiều như kỳ vọng. Dù có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng yếu tố chủ quan là rào cản visa vẫn chưa được tháo gỡ. Cần sự đột phá về visa bởi đây được xem là cánh cửa đầu tiên thu hút, mời du khách quốc tế đến. Chính sách visa cần thông thoáng cho phép các loại miễn visa 3 tháng, 6 tháng hoặc miễn 1 tháng visa nhưng khách được ra, vào nhiều lần vì có những đối tượng như khách về hưu có nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá điểm đến Việt Nam dài ngày…

Để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực, ngành du lịch Việt Nam cần chính sách quảng bá, xúc tiến bài bản, có chiến lược phục hồi du lịch trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với những giải pháp cụ thể. Cấp tốc đào tạo nguồn nhân lực đã bị mai mốt, thiếu hụt sau giai đoạn dịch, vì nếu khách đến mà không có người đón thì cũng rất khó bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, cần chiến lược quảng bá để định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam bởi sau dịch nhu cầu của khách đã thay đổi. Nếu không làm mới cho phù hợp nhu cầu của du khách sẽ bị nhạt nhào so với các nước so với khu vực. Muốn vậy, phải có những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, số hóa là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch, cần sự đồng bộ từ trung ương, địa phương đến cấp doanh nghiệp. Nếu giải quyết được những bài toán trên, ngành du lịch sẽ phục hồi bền vững và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.