Hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại về giai đoạn làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh

June 12, 2023 By Uncategorized Comments Off

Sau 25 năm im hơi lặng tiếng, đầu năm 1980, cựu hoàng Bảo Đại cho xuất bản cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp Le Dragon d’Annam (Rồng An Nam), kể lại cuộc đời mình từ khi sinh ra ở Huế cho đến năm 1956, khi bị ông Diệm truất phế. Phần đặc sắc nhất trong cuốn sách là phần kể lại thời gian ông Bảo Đại được chủ tịch Hồ Chí Minh phong làm cố vấn tối cao, sống ở Hà Nội sau khi thoái vị cho đến khi theo một phái đoàn của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Trung Quốc rồi đi Hồng Kông

Cuộc Cách Mạng Việt Minh

“…. Phụ tá tổng trưởng bộ Thanh niên (Phan Anh, trong chính phủ Trần Trọng Kim) Tạ Quang Bửu, là người cho tôi biết có một nhóm kháng chiến được thành lập ở miền thượng du, vùng Cao Bằng có tên là “Liên đoàn Việt Minh”. Linh hồn nhóm này là Võ Nguyên Giáp, được Tạ Quang Bửu nói đến với đầy nhiệt tình. Sau những cuộc hành quân du kích chống Nhật, “Việt Minh” bắt liên lạc được với đồng minh Trung Hoa và Mỹ đồng thời với cả Pháp và ngay cả với Khâm sai của tôi ở Bắc bộ là Phan Kế Toại. Nhưng tôi cũng không liên lạc được với Phan Kế Toại nên không có sự khẳng định cùa ông ấy (tr 113)

“… Có rất nhiều tin xấu đến tai tôi. Nguyễn Văn Sâm, người đại diện của tôi ở Sài Gòn chưa thấy tới nhiệm sở. Nghe đồn ông ấy bị ám sát sau khi rời khỏi Huế. Ai đã giết ông ấy? … Ở Hà Nội cũng đang xẩy ra những biến cố rất quan trọng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, có những toán xung phong dưới quyền Võ Nguyên Giáp đột nhập vào thành phố và mở cửa nhà tù dưới cặp mắt thản nhiên của Nhật Bản. Ngày 17-8, dưới sự xúi giục của những toán này, có cuộc biểu tình tụ tập 20 ngàn người trước Nhà Hát Lớn. Mọi người đều hô to “Độc lập” và trương cờ mới màu đỏ sao vàng, mà có người nói là do Kampetai (Mật vụ Nhật) đặt ra… Cờ Đế quốc Việt Nam bị giựt xuống…

” Ngày hôm sau, khâm sai của tôi, phải bỏ nhiệm sở và được thay thế bằng một Ủy Ban chỉ đạo lâm thời… vô danh. Ngày 19, toán xung phong “Việt Minh” được tăng cường bởi một đám đông vừa đi vừa la hét, chiếm đóng các công thự: tòa Thống sứ, Tòa án, Kho bạc, trường Đại học và các trường trung học… không những quân đội Nhật có phận sự duy trì kỷ luật, không có phản ứng mà còn mở kho súng phân phát cho lính vệ binh Đông Dương (Lính Khố đỏ);

“Những tin tức đó bị ít nhiều xuyên tạc khi đến tai tôi. Về tình hình Nam Kỳ thì còn thiếu chính xác hơn nữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh “Thanh niên Tiền phong”, hình như từ ngày 15-8 đã đứng đầu một Mặt trận Quốc gia trước khi thành lập một Ủy ban hành pháp lâm thời đặt trụ sở tại dinh Thống đốc dưới sự chủ tọa của một người tên là Trần Văn Giầu mà theo Tạ Quang Bửu, người thông tin cho tôi, là người thuộc về Việt Minh. Cũng như ở Hà Nội, Nhật cũng không có phản ứng gì ở Sài Gòn…

“Cái quan trọng hơn hết cả là ở chỗ nào cũng có những cuộc ám sát và sự mất tích, đặc biệt là những nhân vật quốc gia.

“Ngay ở Huế cũng có những truyền đơn được phân phát. Và có những nhóm không biết nghe lệnh từ đâu, tụ họp và di chuyển trong thành phố, tới tận sát Thành nội.

“Ngày 22-8, đại tá chỉ huy quân đội Nhật ở Huế tới xin triều kiến và nói với tôi là theo lệnh của Chỉ huy Đồng Minh, quân đội Nhật đã bố trí xong hệ thống bảo vệ an ninh thành nội và mọi người trong Thành. Đường từ cầu Tràng Tiền ra cũng như tất cả những lối vào Thành đã bị chắn. Tôi cực lực phản đối quyết định này và nói: “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi. (tr 117)

“Để chắc chắn là lệnh của tôi được thi hành, tôi trao cho ông ta một công hàm có dấu ấn của tôi, trút cho ông trách nhiệm phải duy trì trật tự quanh Thành nội. Tôi ghi thêm là phải mở lại tất cả mọi cửa vào Thành để mọi người tự do ra vào như thường lệ.

“Sau đó ít lâu, giám đốc Bưu điện Huế xin được gặp tôi. Ông ta đưa cho tôi một điện tín nhận được từ Hà Nội. Nội dung bức điện tín: “Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin Hoàng Thượng làm một cử chỉ lịch sừ là trao quyền lại”. Điện tín này được ký bởi “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc đại diện mọi đảng phái và mọi tầng lớp nhân dân”. Nhưng không có tên ai.

“… Sáng ngày 23 chung quanh tôi đều trống không. Từ ông Trần Trọng Kim tới mọi tổng trưởng, chả ông nào có mặt. Chỉ còn người em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi.

“Những lời tâm sự của Tạ Quang Bửu trở lại trong trí tôi: Cái Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội” là cái gì để có thể động viên quần chúng, thực hiện những ước vọng của đám đông và bây giờ lại bảo tôi phải làm gì?

“Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời… Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc tôi… là tôi phải ra đi.

“Nhưng ai là người tiếp nhận sự ra đi của tôi?

“Tôi bảo người em họ Vĩnh Cẩn và Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe ra ngoài thành Nội hỏi tin tức về Việt Minh. Cả hai trở về chả biết chi cả. Tôi đành đánh đại một bức điện tín gửi trống không “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội. Tôi viết:

“Để trả lời kêu gọi của Ủy Ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút quyết định của lịch sử đất nước, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực hiện được sự hợp quần. Tôi xin những người cầm đầu Ủy Ban mau vào Huế để tôi trao lại quyền hành”.

“Ngay trong đêm hôm đó, với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, tôi thảo bản chiếu Thoái vị.

“Sáng ngày 25-8, có hai đặc phái viên, đại diện “Việt Nam Độc lập Đồng minh” từ Hà Nội vào: Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn, là phó chủ tịch Ủy ban. Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé. Người đi cùng là Cù Huy Cận, trông cũng quá tầm thường. Tôi hơi thất vọng:

“Trần Huy Liệu đưa cho tôi một giấy Ủy quyền có mang chữ ký không rõ là của ai. Ông tuyên bố một cách rất long trọng:

— Nhân danh nhân dân Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng, cho chúng tôi cái danh dự đến Ngài để tiếp nhận quyền hành.

“Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản chiếu thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản chiếu cùng với Cù Huy Cận rồi 2 người nói riêng với nhau trước khi quay lại nói:

— Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam chúng tôi chấp nhận hoàn toàn bản chiếu này. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một nghi lễ vắn tắt để trong buổi lễ Ngài đọc bản chiếu trước công chúng.

— Ngay buổi chiều hôm đó, trước vài ngàn người mặc triều phục được tụ tập vội vã trước cửa Ngọ Môn, tôi đọc bản chiếu cuối cùng của triều Nguyễn đề ngày 25-8-1945.

“Bản chiếu bắt đầu bằng:

Để toàn dân Việt Nam có hạnh phúc!

Để Việt Nam có được độc lập!

Trẫm tuyên bố sẵn sàng hi sinh mọi sự…

“Và kết luận bằng:

“Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị”

Hoan hô Việt Nam độc lập!

Hoan hô nước Cộng hòa Dân chủ!

“… Trong một bầu không khí ngượng ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần Huy Liệu.

“… Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, người đại diện Ủy ban Giải phóng nói với tôi:

— Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể chế cộng hòa.

— Tôi trả lời: Thưa ông trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cám ơn Hồ chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch.

“… Trở thành công dân Vĩnh Thụy từ khi thoái vị, tôi không có việc chi làm ở Huế. Tôi quyết định theo lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội. (tr 121)

Cố vấn Tối cao của Chính phủ

“ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.

“Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:

— Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.

“Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:

— Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.

— Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.

“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:

— Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…

“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.

“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).

“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:

— Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.

“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).

“Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..

“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.

Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.

Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.

Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.

“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.

“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:

Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:

— Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.

Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.

— Ai là Nguyễn Ái Quốc?

Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.

“Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.

“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…

“… Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:

— Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.

— Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.

— Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.

— Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.

Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)

“… Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.

“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)

Trung Quốc xâm nhập

“… Toán lính đầu tiên tới Hà Nội ngày 9-9-45. Sau đó là tràn ngập lính Tàu. Tất cả là 3 quân đoàn chừng 80 ngàn người, không kể bọn tùy tùng và bầu đoàn thê tử nhào xuống Bắc Việt như những đám cào cào châu chấu. Tới với danh nghĩa bảo vệ độc lập cho Việt Nam, tụi lính Tàu này cư xử như những kẻ xâm lược. Đối với đám quân này, gồm những lính Vân Nam và Quảng Đông, Bắc Việt là một xứ thần tiên.

” Ngay khi tới Hà Nội ngày 18-9, tướng Lư Hán, chỉ huy trưởng, đã chiếm tòa nhà Puginier làm chỗ ở, đuổi phái bộ Sainteny ra ngoài. Lư Hán đòi tôi cho tiếp kiến, chứng tỏ Trung Quốc cố ý không biết Hồ Chí Minh. Tôi trả lời là tôi sẽ tới chào nhưng cuộc viếng thăm phải theo đúng nghi thức và chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là người tiếp kiến. Đồng thời tôi cũng báo cho ông Hồ. Một thỏa thuận được tìm thấy nhanh chóng: Hồ Chí Minh tiếp tướng Lư Hán với sự hiện diện của tôi trong một biệt thự được trưng dụng. Như vậy cuộc thăm viếng không có tính cách chính thức.

“… Cùng đi theo đoàn quân Tàu là một đám các nhà chính trị thuộc các đảng phái quốc gia trốn từ trước qua Tàu được Quốc Dân Đảng cho tị nạn. Các lãnh tụ VNQDD và Đồng Minh Hội nhất quyết lấy lại ưu thế.. Được che chở bởi các tướng lãnh và những cơ quan tình báo Trung Hoa dưới quyền tướng Tiêu Văn, những người quốc gia này vội vã tước súng ống và thay thế những ủy ban nhân dân (Việt Minh) được Hồ Chí Minh thiết lập ở các tỉnh. (tr 138)

“Tình thế mỗi ngày một trở nên khó khăn với Hồ Chí Minh.. Biết đời sống bị đe dọa, mỗi đêm ông ngủ một chỗ khác. Ông vẫn tin tôi nên chỉ mình tôi biết ông ngủ đêm nào ở đâu…

“Chủ tịch cũng có vẻ bận tâm về sức khỏe của tôi và những quan hệ bạn bè của tôi. Biết là tôi hay được các bạn bè mời ăn tối, ông khuyên tôi như một người cha là phải coi chừng khi giao thiệp với đàn bà gặp ở những bữa ăn đó

“… Tôi không dễ bị mắc lừa về thái độ (của ông Hồ) đối với tôi. Nhưng hồi đó tôi không thấy ông biểu lộ một con người cứng rắn, khắc nghiệt, như sau này.

“Đối với tôi, ông (Hồ) là người rất gắn bó với nền độc lập nước nhà; Những điều ông nói tôi đều thấy hợp với nhãn quan của tôi. Không cần biết quá khứ và phương pháp hành động của ông, với tất cả sự trung trực của tôi, tôi ủng hộ ông.

“Nói cho thật, tôi thích tư thế của ông (Hồ) hơn những lãnh tụ quốc gia, thật sự chỉ là bù nhìn của bọn Tàu. Trong sự hỗn độn tôi thấy Hồ chí Minh vẫn giữ được trầm tĩnh.

— Một buổi chiều Hồ chí Minh nói với tôi: Ngài thấy không, tôi rất thất vọng về thái độ của Đồng Minh: Tôi tưởng được Nga ưu đãi. Rút cục họ chả làm gì cho chúng ta cả. Họ cũng chả thèm gửi qua đây một quan sát viên. Họ hoàn toàn lãnh đạm với vấn đề Đông Dương. Còn người Anh thì chả cần nói, chỉ cần nhìn thái độ của họ ở miền Nam Việt Nam. Họ đã thiên về Pháp và giúp Pháp tiêu diệt đồng bào ta đang tranh đấu giành độc lập. Còn người Mỹ thì ngài đã cùng tôi gặp họ. Khi tôi rời Trung Quốc, đại diện của họ có hứa hẹn với tôi và cam đoan với tôi. Để làm vui lòng họ, tôi để trong Lời nói đầu của Hiến Pháp tuyên ngôn độc lập hệt như tuyên ngôn của Jefferson năm 1776. Chúng ta được những gì? một con số không… Họ chỉ lo thay thế người Pháp và vì vậy họ cạnh tranh với Tàu. Gallagher đã nhận lời làm trung gian giữa chúng ta và bộ Ngoại giao Mỹ và đưa ra những đòi hỏi của chúng ta. Nhưng để đổi lại, ông ta đòi được tự do tổ chức lại nền kinh tế của ta, thật ra chỉ muốn nền kinh tế của ta phụ thuộc họ. Đó là những nhà tư bản, có tư bản trong máu rồi! đối với họ chỉ có business… Bữa nọ chúng ta khám phá ra là ban điều tra của họ tới hỏi cung những tù binh Nhật, không phải để biết những tội ác chiến tranh của Kampetai mà để biết những cơ sở của cửa khẩu Hải Phòng. Về phần bọn Tàu, thì ngài thấy…cả nước Tàu là một cái bụng đói! Quốc Dân Đảng chỉ là những tên trộm bợm, những đám diều hâu. Chỉ một người mà ta có thể dùng được, đó là Tiêu Văn (Siao Wen). Đó là một đứa vô lại rất tốn tiền cho chúng ta, nhưng biết được thứ chúng ta muốn và những “combin” của hắn có thể sài được; Nhưng tôi cũng nghi ngờ hắn có thể trở mặt lúc nào không hay. Khi mới tới đây hắn chơi lá bài VNQDĐ, bây giờ hắn gật đầu mỉm cười với ta. Mai mốt biết hắn cười với ai?… Nghĩ đi nghĩ lại, chắc chỉ còn có Pháp… (tr 140)

“Tôi không thể nén được ngạc nhiên trước cái kết luận như vậy nhưng nó hoàn toàn lô gíc.

“Hồ Chí Minh cho tôi thấy một lần nữa cái tài biết che giấu của ông. Ở Việt Nam công giáo chỉ là một thiểu số nhưng là một lực lượng năng động. 2 triệu tín đồ dính chặc với linh mục của họ. Ngay từ khởi đầu, Hồ Chí Minh đã tìm cách được lòng họ. Không thể không có ẩn ý khi chọn ngày 2-9 lễ Thánh Tử đạo Annam làm ngày Quốc khánh. Ông cũng đưa vào chính phủ Nguyễn Mạnh Hà khi học ở Paris là một thủ lãnh thanh niên Công giáo hoạt động xã hội và là con rể Georges Maranne, thượng nghị sĩ cộng sản quận Seine.

“Ngày 23-9 Nguyễn Mạnh Hà tổ chức một míting lớn ở Hà Nội tụ tập nhiều ngàn giáo dân để biểu lộ tinh thần ái quốc và sự tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Cũng trong bầu không khí đó, lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ được sửa soạn ở Phát Diệm. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi thay mặt ông dự lễ vì bị mắc kẹt ở Hà Nội ngày 28-9, tướng Lư Hán đến để chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật.

“Nhưng ngày hôm trước, chủ tịch nói với tôi:

— Thưa Ngài, quân đội Pháp đã gần như dẹp yên kháng chiến Nam bộ. Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ đổ bộ ở đây. Cần phải tránh không rơi vào tay chúng. Ngài là biểu tượng của nền độc lập Việt Nam. Ngài nên lợi dụng đi Phát Diệm để lánh xa Hà Nội.

— Tôi hỏi thế cụ thì sao?

— Ồ! với tôi đường lối đã vạch sẵn.

“Bữa sau tôi đi Phát Diệm cùng với Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ. Giám mục Lê Hữu Từ thuộc dòng tu kín (trappiste) là một nhân vật rất lạ lùng. Người bé nhỏ gầy đét trong bộ áo trắng dòng tu rộng thùng thình, cặp mắt sáng ngời lại sáng hơn nữa vì 2 lưỡng quyền nhô cao. Ông nổi tiếng trong dòng tu vì tài điều động công việc và rất biết rõ những mưu mẹo thương thuyết mặc cả.. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của giám mục Hà Nội là Nguyễn Bá Tòng. Giáp được Hồ Chí Minh ủy thác là mời tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho chính phủ. Đức cha Lê Hữu Từ nhận lời ngay tức khắc. (tr 141)

“Sau buổi lễ Giáp trở lại Hà Nội còn tôi đi Sầm Sơn, một bãi biển nghỉ mát ở gần Thanh Hóa.

“… Vào khoảng giữa tháng 12, một đại biểu Ủy ban tỉnh Thanh hóa đến gặp tôi và nhân danh chính phủ mời tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi nhận lời về mặt nguyên tắc và nhắc lại là tôi muốn trở về Hà Nội. Ông này hỏi tôi:

— Thưa ngài; ngài muốn ra ứng cử dưới danh hiệu nào?

— Dưới danh hiệu đảng Cộng sản. Tôi trả lời với chút châm biếm trước một câu hỏi như vậy.

— Không thể được thưa ngài, ông ta trả lời một cách rất nghiêm túc: Đảng Cộng sản Đông Dương đã được giải tán theo quyết định của Ủy ban Trung ương ngày 11-11.

Tôi làm sao biết được những gì xẩy ra ở Hà Nội từ ngày tôi đi khỏi.
— Vậy thi ghi tên tôi là một người cộng hòa.

“Trong 3 tuần tôi không nhận được tin tức gì. Đúng ngày 7-1 có một phái đoàn đến báo tin tôi đã trúng cử vào Quốc hội và cuộc bầu cử đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi được bầu đại biểu tỉnh Thanh Hóa với 92% số phiếu. Mọi người đều chúc tụng tôi. Còn tôi thì không biết ngày bầu cử và tất nhiên là tôi cũng chưa đi bầu. (tr 145)

“Nhưng bây giờ tôi đã là đại biểu Quốc hội. Tôi nhờ phái đoàn nói với Ủy ban Thanh Hóa là tôi muốn trở về Hà Nội càng sớm càng hay và xin cung cấp xăng cho xe tôi. 8 ngày sau, mọi chuyện đều xếp đặt xong xuôi và tôi rời bỏ Sầm Sơn trở về Hà Nội, lòng nhẹ nhõm.”

Đại biểu Quốc Hội Lập Hiến

“Ngay chiều hôm ấy, tôi trở về chỗ ở của tôi, đại lộ Hoàng Diệu Hà Nội. Từ khi tôi đi khỏi Hà Nội cách đây 3 thấng, tình hình biến chuyển rất nhiều. Ngày 19-11 Tiêu Văn triệu tập các đảng phái bắt phải thỏa thuận với nhau và quân đội của 3 đảng phải sáp nhập với nhau để chỉ còn 1 quân đội duy nhất.

“Trước những thủ đoạn chính trị của Tàu, Hồ Chí Minh chỉ còn mối bận tâm duy nhất là làm sao vứt bỏ được sự hiện diện của Tàu ở Bắc Việt. Ông sẵn sàng thân thiện lại với người Pháp. Ông biết đầu tháng 1 Pháp có cử đặc phái viên tới Trùng Khánh điều đình với Tưởng Giới Thạch để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Ông đợi đúng ngày bầu cử Quốc hội 6-1, làm một bản tuyên bố được báo chí Pháp đăng lại, trong đó ông nói: “Chúng tôi không thù hận gì với nước Pháp và dân tộc Pháp mà chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không muốn cắt đứt những mối giây liên lạc đã gắn chặt hai dân tộc chúng ta…”

“… Tháng 11-45 Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn đưa ra sắc lệnh rút hết những tờ giấy bạc 500 được in dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Nhưng quân đội Tàu ngay khi mới tới đã thâu cướp được rất nhiều giấy bạc 500 nên đã thương lượng được với Pháp là sắc lệnh này không có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ 16… Khi từ Sầm Sơn trở về, tôi không có một đồng xu dính túi vì tuy được nuôi ăn cho ở nhưng không có một đồng lương nào. Tôi viết thư xin mẹ tôi chút tiền thì mẹ tôi hồi âm bằng 2 tờ giấy 500 trứ danh đó. Tôi đưa cho Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ tài chánh nhờ ông đổi giùm. Ngày hôm sau người ta đem lại cho tôi một phong bì trong đó có 2000 đồng. Tôi tưởng là đưa lộn nên đi tới bộ Tài Chính để trả lại Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng nói với tôi:

— Không có lộn đâu

— Sao! Tôi đưa một ngàn đồng mà được đưa lại tới 2000 đồng. Ông làm tài chính như vậy thì còn lâu Việt Nam mới lấy lại được thăng bằng kinh tế.

— Nét mặt không chút xao động, Phạm Văn Đồng trả lời tôi: Tôi biết rõ tình trạng tài chính của ngài. Đây là một đặc ân tôi làm cho ngài.

“Một buổi tối, Hồ Chí Minh chìa cho tôi một tờ giấy và nói với tôi:

— Thưa ngài, trong thời gian ngài vắng mặt (ở Sầm Sơn), tôi có nhân danh ngài gửi cho Pháp một thông điệp. Tôi đọc:

“Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Việt Nam, gửi nước Pháp….

Ký tên: Hoàng thân Vĩnh Thụy cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. (tr148)

“… Chính phủ cử Giáp đi thanh tra các tỉnh cho đến tận biên giới Nam bộ với tư cách bộ trưởng bộ Nội Vụ. Tôi xin đi cùng nhưng không được chấp thuận. Giáp nói với tôi:

— Một tuần nữa tôi trở về tôi sẽ báo cáo với ngài những gì tôi thấy được.

“Một tuần sau khi tôi đang ăn trưa thì Giáp tới và nói:

— Tôi vừa về sau cuộc tuần tra.

— Mời anh ngồi cùng ăn, tôi nói.

Giáp có vẻ tư lự cúi đầu ăn không nhìn tôi. Giáp thường ngày đã ít cởi mở nhưng bữa nay bộ mặt còn có vẻ rầu rĩ hơn. Tôi để cho ông ta ngồi ăn không nói câu gì. Sau bữa ăn tôi mới hỏi:

— Thế nào?

— Phải thực tế, mặt vẫn cúi gầm.

— Anh muốn nói gì?

— Cái tôi muốn nói, là mình phải thích nghi với thằng Pháp.

— Không lẽ nào mình lại trở về với cuộc bảo hộ.

— Có thể chứ, nếu cần thiết.

— Tôi không hiểu nổi các anh nữa. Tôi chấp nhận độc lập với thằng Nhật. Tôi thoái vị. Tôi ra đi để nhường chỗ cho các anh, nay các anh lại muốn quay trở về với quá khứ.

— Mình biết làm thế nào bây giờ? Ở miền Nam tụi Pháp nó đã phá tan bộ máy của chúng ta phải mất bao công mới xây dựng được. Nó đã lấy lại hết. Chả bao lâu nữa nó sẽ đổ bộ ở đây. Chúng ta làm thế nào để chống lại được? Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn dược…

“Được thỏa tấm lòng, Giáp kể lại cuộc hành trình… (tr 149)

“Vài ngày sau, tôi mới hiểu sự bối rối của Hồ Chí Minh và ê kíp của ông. Tôi biết giữa Chủ tịch đi cùng với Giáp và Sainteny có một cuộc hội đàm lâu dài về vấn đề sự trở lại của người Pháp và vấn đề phân chia chủ quyền. “Độc Lập” còn có nghĩa gì nữa không? Mặc dầu còn giũ được uy quyền, sự thay đổi thái độ của ông Hồ gặp một sự chống đối mạnh mẽ. Sự chống đối này được sự hỗ trợ của Tàu và của những đảng mà Tàu thao túng: Đại Việt, VNQDD, Đồng Minh… Tất cả đều đồng thanh đòi “chính phủ Việt gian” phải ra đi vì đã bán rẻ nền độc lập. Tôi biết các đảng phái này có bàn bạc với nhau về tôi.

“Ngày 27-1, 7 giờ sáng, điện thoại reo trong căn hộ tôi đường Hoàng Diệu. Hồ Chí Minh kêu tôi:

— Tôi có thể tới thăm ngài ngay tức khắc được không?

Tôi trả lời được và ngay phút sau ông đã tới. Ông có vẻ rất xuống tinh thần và ốm yếu hơn thường lệ. Ngay khi vào, ông nói ngay:

— Thưa ngài, tôi không biết làm sao nữa. Tình hình quá nguy kịch. Tôi biết rõ người Pháp sẽ không thương thuyết với tôi. Tôi không được lòng tin cậy của Đồng Minh. Tất cả đều thấy tôi “đỏ” quá. Tôi xin ngài hi sinh lần thứ hai: lấy lại quyền hành.

— Tôi trả lời: tôi đã bỏ quyền hành và không có ý lấy lại nó. Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị và tôi đã tự đặt mình trong cái nhiệm vụ phải phục vụ một cách trung trực chính phủ Cộng hòa.

–Tôi để lại chỗ cho ngài, ông nhấn mạnh một lần nữa, tôi sẽ là cố vấn của ngài.

— Nhưng ai sẽ trao quyền cho tôi?

— Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong như trong mọi chế độ dân chủ.

— Tôi có được thành lập chính phủ như tôi muốn hay tôi phải lấy lại những bạn hữu của cụ?

— Ngài được tự do hoàn toàn, muốn lấy ai thì lấy.

— Nếu cụ thấy quyền lợi và độc lập của đất nước đòi hỏi như vậy thì tôi sẽ không lẩn tránh. Nhưng tôi xin cụ một chút thời gian để suy nghĩ và hỏi ý kiến các bạn bè của tôi. (tr 150)

“Ngay tức khắc tôi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hà (Nguyễn Xuân Chữ?) và Trần Trọng Kim và tôi nói:

— Tôi có một đề nghị quan trọng muốn đưa ra bàn với các ông. Nhờ 2 ông triệu tập bạn bè, tôi sẽ đến gặp.

“Đúng 8 giờ 30, tôi tới. Tôi kể với họ về cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Hồ. Tôi hỏi họ:

— Các ông có nghĩ đó là cái bẫy không?

“Mọi người đều không tin và Trần Trọng Kim nói rõ thêm:

— Ai cũng biết là Việt Minh có liên lạc thường xuyên với Sainteny và một thỏa ước với Pháp đang được sửa soạn. Nếu Hồ Chí Minh không thiết tha ký nó thì đề nghị của ông Hồ là thành thực. Theo tôi ngài nên nhận lời.

“Khoảng lúc 10 giờ, Hồ Chí Minh lại gọi tôi nữa và hối thúc tôi nhận lời.

— Ngài đã gặp bạn hữu của ngài chưa? Xin ngài đừng mất thì giờ và đến Quốc Hội càng sớm càng hay.

“Đúng 12 giờ trưa, tôi gọi điện thoại ông Hồ và nói tôi nhận lời.

“Trước đó tôi biết là một người thân tôi có tiếp xúc với thiếu tá Buckley, người của Tình báo Mỹ OSS. Ông này không ngạc nhiên về đề nghị của Chủ tịch và hứa hẹn người Mỹ sẽ đứng trung lập vì là chuyện nội bộ của Việt Nam.

“Điện thoại lại reo đúng 13 giờ. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi tới gặp. Khi tới, tôi thấy rõ ràng ông đã thay đổi thái độ. Ông có vẻ đã trấn tĩnh lại, nói hơi ngượng ngùng:

— Thưa ngài, xin ngài quên đi chuyện buổi sáng nay. Tôi không có quyền từ bỏ nhiệm vụ vì tình thế khó khăn. Trao lại quyền hành cho ngài bây giờ là tôi phản bội. Tôi xin lỗi đã biểu lộ sự yếu đuối vì đã nghĩ trong những hoàn cảnh khó khăn này lại muốn trút mọi trách nhiệm lên ngài. Sở dĩ tôi nghĩ ra đi là vì các đảng quốc gia chống đối thỏa ước mà chúng tôi đang sửa soạn với người Pháp.

“Chuyện gì đã xẩy ra giữa 10 giờ và 13 giờ?

“Tôi không nghĩ sự quay ngoặt của ông Hồ là do được Moscou cam đoan hỗ trợ qua phái đoàn Ba Lan, đại diện Liên Xô ở Hà Nội. Đúng hơn là vì tướng Tiêu Văn, bị thuyết phục bởi những” lí lẽ (vàng) kêu lẻng xẻng “(dịch chữ Pháp arguments sonnants et trébuchants) được Việt Minh tung ra, nên đã nhờ chủ tướng của mình là Lư Hán làm áp lực xuống những người quốc gia – đặc biệt là VNQDD – để những người này chịu tham gia chính phủ. Như vậy nhũng người này phải chia trách nhiệm ký thỏa ước với Pháp và Việt Minh không phải chỉ một mình vác gánh trước công luận. (tr 151)

“Bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc để thảo bản thỏa ước trứ danh đó (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Chúng tôi gặp nhau mỗi buổi tối trong một tuần. Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được bọn Tàu. Đó là mục tiêu chính của ông Hồ: loại Tàu ra để Pháp vào thay thế. Nhưng đồng thời cũng thao túng Tàu để Pháp chậm đến và đòi Pháp phải đưa ra tối đa những bảo đảm.

Thời gian ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 1946

“… Hồ Chí Minh, vừa mới được sự thỏa thuận của tất cả các đảng phái cho Pháp trở lại, không muốn để sơ sót một thứ gì nên quyết định gửi một phái đoàn đi gặp thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông gọi tôi đến và yêu cầu tôi, với tư cách là cố vấn tối cao của chính phủ, dẫn đầu phái đoàn này mà thành phần là đủ mọi xu hướng. Ông có cảm tưởng là những tướng lãnh Trung Hoa đã phản ông nên hi vọng với sự hiện diện của tôi, và trong phái đoàn có nhiều thành phần, sẽ làm thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời hơn. Nhưng Trùng Khánh vừa mới thỏa thuận cho Pháp đổ bộ – Người báo tin này cho Hồ Chí Minh là Sainteny – Và hơn nữa, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa công nhận chính phủ của chúng ta. Trong điều kiện này tôi thấy không nên nhận nhiệm vụ. Tôi giảng giải với Hồ Chủ tịch:

— Chuyện này hơi bất trắc. Căn cứ vào chuyện vừa mới có sự thỏa thuận giữa Trùng Khánh và Pháp, nếu Tưởng Giới Thạch không tiếp tôi thì cụ với tôi đều mất mặt.

“Hồ Chí Minh cũng thấy đúng; nhưng vẫn giữ ý định gửi một phái đoàn gặp Tưởng Giới Thạch mà không có tôi.

“Hôm sau, tôi vừa mới ra khỏi nhà thì gặp một tướng Trung Hoa ở cạnh nhà tôi cùng đường Hoàng Diệu. Ông ta có vẻ biết đề nghị của Hồ Chí Minh với tôi nên đột ngột hỏi:

— Thưa ngài, ngài không muốn qua Trung Quốc? Thật là đáng tiếc, ngài nên lợi dụng cơ hội này, dù chỉ là để đi du lịch nước tôi…

Rồi ông ta nói, nửa bỡn cợt, nửa nghiêm trang:

— Với lũ điên, không biết cái chi có thể xẩy đến!

“Cái câu cuối cùng này khiến tôi nghĩ không phải ông ta gặp tôi tình cờ mà là có ý đưa cho tôi lời mời của Tưởng Giới Thạch.

“… Hôm sau tôi đến Phủ Thủ tướng (Bắc bộ phủ) gặp Hồ Chí Minh và nói:

“Cụ không cần tôi ở đây? Đã có Giáp và Đồng. Cho tôi đi qua Trung Quốc du lịch.

— Ngài có thể đi thanh thản, ông Hồ trả lời với vẻ bằng lòng. Ngài đừng lo ngại gì cả.

“… Tôi đi cùng với phái đoàn gồm 6 người: 4 đại diện Việt Minh, 2 VNQDD. (tr 153)

“Ngày 16-3-46, tôi rời Hà Nội. Chiếc máy bay DC-3 cho chúng tôi đi theo có chừng một tá sĩ quan Tàu và chở đầy những hòm lớn, chắc là đồ ăn cắp. Tụi nhà binh này này ngồi chỗ tốt nhất trong khi phái đoàn tôi bị đẩy xuống ngồi phía dưới gần những thùng hàng. Tôi không quen biết người nào trong số những người cùng đi với tôi, trừ một người tôi trông mặt hơi quen quen. Tất cả đều đi máy bay lần đầu nên không giấu được sự lo sợ… Sau 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống phi trường Côn Minh nằm ở độ cao 2000 mét. Máy bay của chúng tôi không đi xa hơn được nữa. Chúng tôi phải đợi một tuần sau mới có máy bay đi Trùng Khánh nên ngày 23 mới tới. Chúng tôi ở khách sạn “Bốn mùa” lớn nhất thành phố. Tôi được ở một phòng rộng rãi còn 6 người đồng hành phải chia nhau 3 phòng tồi tàn.

“Hai ngày hôm sau, tổng thư ký của Quốc Dân Đảng đưa cho tôi giấy mời dự bữa ăn tối. Giấy chỉ mời hoàng đế Bảo Đại mà không đả động gì đến phái đoàn. Một xe đến đón tôi ở khách sạn. Chan, thư ký QDD tới đón tôi. Ông này là cựu sinh viên trường Dòng Tên Rạng Đông Thượng Hải nên nói rất giỏi tiếng Pháp.

“… Tưởng Giới Thạch rất lịch thiệp. Suốt bữa ăn ông tỏ ra rất am tường về tình hình Việt Nam. Chan làm thông ngôn cho tôi.

” Trong suốt thời gian đó, phái đoàn phải chờ hoài mà không được tiếp. Người trưởng đoàn nhờ tôi can thiệp để được Tưởng Giới Thạch cho tiếp kiến. Tôi cố thuyết phục Chan, thư ký Quốc Dân Đảng:

— Sự đoàn kết quốc gia đã được thực hiện ở Việt Nam. Phái đoàn đi cùng với tôi gồm những người đại diện 2 đảng lớn đang nắm quyền. Tất cả đều là những người bạn của Trung Quốc.

— Thưa ngài, Chan trả lời tôi, trong phái đoàn có những người cộng sản và những người cộng sản không thể nào là bạn của Trung Quốc được…

“Rút cục, sau nhiều ngày chờ đợi phái đoàn cũng được tiếp. Nhưng để không có tính cách chính thức, phái đoàn được tiếp trong một ngôi chùa cổ ở ngoài thành phố.

“Phái đoàn trở về hoàn toàn thất vọng. Tưởng Giới Thạch chỉ để đủ thời giờ cho phái đoàn đọc thông điệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi, sau lời cám ơn cụt ngủn, Tưởng Giới Thạch tuyên bố là Trung Quốc, nhờ góp phần vào sự chiến thắng của Đồng Minh, đã có một chỗ ngồi giữa “Tứ cường”, muốn quanh biên giới chỉ có những nước bạn.

“Vài ngày sau, tướng Marshall, thay thế tướng Hurley, muốn gặp tôi. Tôi tới gặp ông ở văn phòng. Ông rất chú ý đến Việt Nam và muốn chính tôi kể lại cuộc cách mạng đã xẩy ra như sao khiến Việt Minh nắm được quyền hành.. Tôi nhắc lại những biến cố xẩy ra hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái và nhấn mạnh vào điểm là không có những xung đột và không có khó khăn gì trong sự thay đổi quyền hành ở Hà Nội. Tôi cũng nói là tôi đã tự rút lui để không có đổ máu. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự hòa hợp trong tân chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập và sự ông quyết tâm thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng mà cả dân tộc Việt Nam cùng chia xẻ.

“Tướng Marshall có nhiệm vụ hòa giải Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, đặt tôi câu hỏi:

— Ngài nghĩ thế nào về Quốc Dân Đảng?

— Thưa Đại tướng, tôi biết rất ít và không rõ nhiều để có thể có một phán đoán có giá trị. Nhưng tôi thấy những thủ đoạn, những mưu toan của các tướng lãnh và của những người của họ ở Bắc Việt ngay khi họ mới tới, thì tôi thấy chả có gì là sáng láng. Tôi sợ cả Trung Quốc đều như vậy.

“Chúng tôi chia tay nhau sau câu nói này.

“Nhiệm vụ thất bại, phái đoàn sửa soạn trở về Hà Nội. Tôi quyết định cùng trở về. Ngày 15-4, máy bay xuống Côn Minh. May mắn hơn khi đi, chúng tôi có ngay máy bay đi Hà Nội.

Khi chúng tôi sắp lên máy bay thì có người đưa cho tôi tin nhắn của Hồ Chí Minh:

“Thưa ngài, mọi sự ở đây đều tốt đẹp, xin ngài cứ thư thả ở lại. Vả lại, sự hiện diện của ngài ở Trung Quốc rất hữu ích cho chúng ta. Đừng ngại ngùng gì cả. Khi nào tôi thấy là ngài cần về, tôi sẽ báo. Xin ngài nghỉ ngơi cho khỏe để còn làm nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta. Ôm hôn thân ái. Ký: Hồ Chí Minh. (tr 156)

“Chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn. Khi máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời, tôi đứng một mình trong căn cứ cũ của không quân Mỹ. Ngồi trên bậc cầu thang của phi trường, tôi điểm lại tình hình: không những tôi trơ trọi một thân một mình mà còn hoàn toàn cùng quẫn, không có một đồng xu dính túi. Vali của tôi nằm trong hầm để đồ của máy bay, khiến tôi không có quần áo để thay và cũng không có giấy tờ hay hộ chiếu… Tôi đọc lại câu “Ôm hôn thân ái” của Hồ Chí Minh mà không thể không mỉm cười: Thật là một đại kịch gia! Khi thì săn sóc như một người cha, khi thì đầy trìu mến, ân cần, biết lợi dụng cái giáng điệu mảnh dẻ yếu ớt của mình, khi thì tỏ ra đầy uy quyền. Thật là không thiếu trào phúng… Tất cả ai gần ông lúc ban đầu đều bị nhầm, bị lừa… Người Mỹ, Sainteny, và chính tôi đây… Thật ra sự hiện diện của tôi làm ông vướng víu. Đó là lí do tôi phải đi Sầm Sơn và bây giờ là tôi phải lưu vong.

“Khi tôi đang trầm mình trong suy nghĩ thì có người tiến lại gần tôi. Một người Trung Hoa mặc âu phục bằng trạc tuổi tôi. Ông ta cười và hỏi tôi:

— Ông biết nói tiếng Pháp?

— Rất mừng có người nói chuyện, tôi trả lời: Biết chứ.

— Tôi tên là Yu, cựu luật sư ở Paris.

–Tôi cũng học ở Pháp, tên tôi là Vĩnh, sinh ở Việt Nam. Tôi đi du lịch qua đây bị lỡ máy bay.

— Ông ở đâu?

Thấy tôi lúng túng, ông ta hiểu tình trạng của tôi và không ngần ngừ đề nghị:

Ông đến ở nhà tôi. Tôi là con cựu thị trưởng thành phố này. Cha tôi mới mất cách đây ít lâu, vì vậy tôi phải về. Nhà tôi khá rộng, ông ở thoải mái.

“… Nhờ sự rộng lượng của chủ nhà, tôi sắm được quần áo trong một cửa hàng bán quần áo cũ của quân đội Mỹ. Tôi liền thay bộ đồ mới mua được. Tôi ngạc nhiên trên đường về thấy lính tráng Tàu chào tôi. Khi về đến nhà tôi mới hiểu là tôi mặc quân phục của đại tá không quân Mỹ. Cả nhà đều cười ran và chúc mừng tôi đã lên chức.

“Có một bữa chúng tôi vào ăn ở một quán thì thấy một thanh niên vòng tay kính cẩn chào:

— Thưa Hoàng thượng, ngài còn sống?

“Đó là một thanh niên Việt Nam thuộc Đoàn Thanh niên của Phan Anh nên có dịp thấy tôi khi đi theo Phan Anh vào thành nội. Trước sự ngạc nhiên của Yu tôi phải giảng nghĩa vì sao tôi phải giấu tên. Không những Yu không bực mình mà còn mời Bùi Minh (Bùi Tường Minh?) ăn cùng. Minh nói phải trốn khỏi Hà Nội vì hoạt động trong đảng Đại Việt…

“… Với 2 người con của tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân Nam, cả 2 đều tốt nghiệp Saint Cyr, tôi cũng cho biết tung tích của tôi và chúng tôi họp thành một nhóm bạn hữu rất vui vẻ.

“… Tôi không nhận được tin tức gì ở Hà Nội mặc đầu tôi có cho Hồ Chí Minh biết chỗ tôi cư ngụ. Bây giờ tôi biết chắc chắn là ông Hồ không muốn có sự hiện diện của tôi ở Việt Nam.

“… Tháng 9 tôi nhận được lời mời của Chan, Tổng thư ký Quốc Dân Đảng tới Trùng Khánh.. Lạ thay Yu cũng nhận được lời mời tương tự. Yu không tỏ vẻ ngạc nhiên vì cùng học với Chan ở trường Rạng Đông Thượng Hải và thỉnh thoảng cũng được gọi về thủ đô. Yu xin đi cùng, tôi nhận lời và 2 ngày sau chúng tôi lấy máy bay đi Trùng Khánh.

“Chan muốn mời tôi đến nhà ở, tôi cám ơn và nói thích trở lại khách sạn “Bốn Mùa” hơn. Tôi lợi dụng sự rảnh rỗi để tiếp tục đọc về Trung Quốc và đi đánh quần vợt lại.

“Đầu tháng Tám, Quốc Dân Đảng báo cho tôi là có một người đồng hương sắp tới. Hơi ngạc nhiên tôi tơi phi trường đón. Anh ta chừng 30 tuổi, hình dạng không phải là một người Việt thuần túy.

“Khi ngồi trong xe anh ta nói:

— Tôi là đại tá tình báo của quân đội Thiên Hoàng, tôi có phận sự theo dõi những hành vi của Quốc Dân Đảng. Tôi sinh ở Nhật, cha Nhật mẹ Việt. Tôi được gửi tới ngài với danh nghĩa là thư ký của ngài;
Chuyện khá tức cười, tôi không nín được đặt câu hỏi:

— Tôi tưởng là những sĩ quan cao cấp Nhật đều tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Tại sao ông không làm?

— Thưa ngài, những sĩ quan tình báo nhận được lệnh cấm làm hara-kiri. Họ phải tiếp tục sống và làm việc cho tương lai của Đế quốc Mặt trời. Khi tôi làm song phận sự, tôi sẽ trở về Sài Gòn theo ngả Manille và đầu hàng quân đội Anh.

Bắt đầu từ ngày đó, anh ta không rời tôi nửa bước.

“Chan, tôi gặp luôn luôn, nói với tôi là Tưởng Thống chế sắp rời đô xuống Nam Kinh, rất hân hạnh mời tôi tới Nam Kinh.

“Cuối tháng Tám Tưởng Giới Thạch xuống Nam kinh. Người thư ký “trung thành” của tôi cũng biến mất sau khi làm xong phận sự. Yu cũng theo chính phủ bỏ Trùng Khánh và nài nỉ tôi đi cùng. Tôi không muốn chút nào đi Nam kinh vì ngán thấu cổ cái bẩn thỉu của nước Tàu và thật sụ là sợ cô độc. Tôi kiếm một nơi ẩn trú đồng thời cũng là trung tâm. Tại sao không là Hồng Kông ? Yu đề nghị cùng đi với tôi vài ngày.

“8 ngày sau, ngày 15-9 chúng tôi bay đến Hồng Kông. (tr 161)

” .. Chúng tôi giữ 2 phòng ở một khách sạn hạng thường bên Cửu Long. Sau 2 tuần du lịch, Yu trở về Nam Kinh, hơi thất vọng vì tôi không đi cùng, nhưng cam đoan với tôi là sẽ được Tưởng Giới Thạch đón tiếp nếu tôi đổi ý.

“…Tôi lại sống cô độc với chút đô la HK trong túi Yu đưa cho tôi. Chỉ ít lâu sau tiền hết, tôi phải tìm cách sinh sống. Trong khi chờ đợi tôi đi dạo. Phần nhiều là đi bộ, hay đi xe buýt. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác như vậy. Trong một bữa đi tản bộ, tình cờ tôi thấy trước một tòa nhà có bản đề “Ngân Hàng Đông Dương”.

“Sau một chút ngần ngừ và cũng không biết tại sao tôi bước vào. Thật tôi đúng vào ngày gặp may! Khi vào đại sảnh, tôi thấy ông Gany, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á. Ông nhận ra tôi tức khắc, rất ngạc nhiên và nói ông mới tới Hồng Kông thanh tra và hỏi thăm tình cảnh tôi. Nói vắn tắt tôi kể cho ông trường hợp nào tôi tới Hồng Kông và tôi không có tiền. Tôi muốn ông ấy ứng ra cho tôi một chút. Ngay tức khắc ông ấy đưa cho tôi chừng 2000 đô la HK. Vài ngày sau, cũng tình cờ tôi được biết hội Truyền đạo Công giáo Pháp ở Nước ngoài. Hội này bằng lòng cho tôi vay một số tiền được bảo đảm bằng tài sản của hoàng gia. Tôi không còn phải lo thiếu tiền nữa và tôi dọn tới khách sạn Gloucester ở trên đường Queen’s Road…

“… Cũng ở khách sạn này, vào khoảng giữa tháng 11, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tới gặp tôi. Ông là giấm đốc những đoàn thanh niên Nam bộ dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Lâm thời tháng Tâm năm 1945 và bây giờ ông là đổng lý văn phòng của Hồ Chí Minh.

— Thưa ngài, tôi từ Quảng Châu tới. Tôi được cụ Chủ tịch sai tôi đưa tin và gửi lời chào thân ái, đồng thời cũng xin ngài nhận vật này: Từ trong cập ông lấy ra một cái tráp trong đó có nhiều nén vàng. Với số vàng này tôi có thể sống được 2 tháng.

— Nhờ ông cám ơn Hồ chủ tịch. Nhưng cho tôi biết hành trình qua Pháp của Hồ Chủ tịch.

— Hồ Chủ tịch tới Pháp ngày 21-10… Một chính phủ mới “Đoàn kết quốc gia” được thành lập. Hồ Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Giáp là bộ trưởng bộ Quốc phòng và Phạm Văn Đồng vẫn giữ bộ kinh tế… Và chủ tịch vẫn muốn ngài làm cố vấn tối cao cho chính phủ.

— Xin ông cám ơn giùm tôi về sự tin cậy của chủ tịch. Kể cho tôi những gì đã xẩy ra từ khi tôi đi Trung Quốc.

— Ngài đã biết là, để thi hành Thỏa ước 6-3, người Pháp đã trở lại… Chủ tịch đã gặp tướng Leclerc ở Hà Nội và Leclerc đã ưng thuận chính phủ chúng ta đi Paris để cụ thể hóa nền độc lập và sự thống nhất nước nhà.. Một buổi hội đàm đã diễn ra tại Đà Lạt ngày 17-4 để sửa soạn cuộc hành trình. Nguyễn Tường Tam sẽ dẫn đầu phái đoàn, chung quanh có Giáp, Vũ Trọng Khánh, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận…Cũng có những người đại diện miền Nam. Rất mau chóng, các đại biểu ta thấy ngay là người Pháp không thành thật. Những gì là sự thật ở Hà Nội không còn như vậy ở Sài Gòn…Cuộc bàn cãi ở Đà Lạt kéo dài đến tận ngày 11-5. Mặc dầu người Pháp không thật lòng, Chủ tịch đã đi Pháp ngày 31-5, hi vọng vào sự gặp gỡ với chính phủ Pháp. Nhưng khi tới Pháp thì chính phủ đổ, Pháp không còn chính phủ nữa! Nghiêm trọng hơn hết là ngay sau ngày Chủ tịch đi Pháp, hôm 1-6, người Pháp thành lập ở Sài Gòn một chính phủ lâm thời Nam Kỳ với bác sĩ Thinh đứng đầu. Đó là chứng cớ sự gian dối của người Pháp….Sau một tháng rưỡi chờ đợi, Hồ chủ tịch quyết định trở về nước. Tuy vậy, để chứng minh lòng thành thật và sự rộng lượng của dân tộc Việt Nam, trước khi rời Pháp Chủ tịch đã ưng thuận ký với tổng trưởng Marius Moutet một bản đồng tuyên ngôn thiết lập giữa Việt Nam và Pháp, một Modus vivendi (Tạm ước).

“… Tôi cám ơn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thuyết trình và nói:

— Tôi thấy bản Tạm ước trù liệu có thể đến tháng 1- 47 sẽ tiếp tục lại những cuộc bàn cãi đã bị bỏ dở ở Hội nghị Fontainebleau. Bởi vậy tôi muốn ông nói lại với Hồ chủ tịch là tôi muốn trở về Hà Nội vào lúc đó.

— Thưa ngài, tôi nghĩ là Chủ tịch muốn ngài ở lại Hồng Kông trong thời gian đó, vì Hồng Kông là địa điểm quan sát tốt nhất. Dầu sao chăng nữa, Chủ tịch dặn ngài phải coi chừng bọn Pháp và những tụi Việt gian được Pháp dùng để thi hành những thủ đoạn của nó. (tr 166)

“Đối với tôi, chuyện đã rõ ràng, Hồ Chí Minh không muốn tôi: Ông đã đẩy tôi đi khi người Pháp trở lại và giữ tôi ở xa trong khi có Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau. Ông không muốn có sự hiện diện của tôi ở Hà Nội nếu cuộc thương thuyết với người Pháp bắt đầu lại.

“Vài ngày sau, gần như cả một phái đoàn tới khách sạn Gloucester xin được tôi tiếp kiến. Từ Quảng Châu tới là 3 thủ lãnh quốc gia, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam: VNQDD. Nguyễn Hải Thần: Đồng Minh Hội. Những người này đã trốn khỏi Hà Nội từ tháng 7 để tránh bị Giáp truy hại trong lúc Hồ Chí Minh vắng mặt. Nối tiếp sau đó là Trần Trọng Kim, cũng từ Quảng Châu tới. Trần Trọng Kim hỏi tôi:

— Thưa ngài, ngài tính thế nào?

— Tôi đợi Hồ Chí Minh gọi tôi về.

— Xin ngài đừng về Hà Nội, nguy hiểm lắm. Tại sao ngài không đi Nam Kinh với Quốc Dân Đảng theo lời mời của Tưởng Giới Thạch?

— Không, tôi không đi Nam Kinh. Quốc Dân Đảng coi như là sắp tiêu tan rồi. Tưởng Giới Thạch không chống lại được áp lực của cộng sản đâu và chẳng chóng thì chày, Mao Trạch Đông sẽ toàn thắng…

“… Tôi được giấy triệu tập của An ninh Anh. Gặp Cảnh sát trưởng người Anh, tôi hỏi lí do. Ông ta nói: Từ ngày ngài tới Hồng Kông tháng Mười năm ngoái, ngài thay đổi nhiều khách sạn. Chúng tôi biết ngài là ai ngay từ đầu. Tôi nhận được lệnh phải bảo đảm an ninh cho ngài. Chúng tôi dành cho ngài một cái biệt thự ở Repulsion Bay. Hai cảnh sát Trung Hoa mặc thường phục sẽ túc trực bên ngài.

“… Từ khi tôi đến ở Repulssion Bay trên đảo Victoria, biệt thự của tôi trở thành một cục nam châm thu hút khách viếng thăm. Có những khách tới để đặt trước chỗ ngồi, có những khách tới để dò dẫm cho Pháp hay cho nước ngoài khác… Tôi không có ảo tưởng gì khi bỗng nhiên nhận được sự quan tâm của nhiều người: bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng, cả 2 thuộc đảng Xã hội, VNQDD có Trần Văn Tuyên, rồi bác sĩ Lê Văn Hoạch, phó thủ tướng chính phủ Nam Kỳ, rồi Ngô Đình Diệm mà tôi nghi là con mắt của Mỹ…(tr 171)

“… Ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?

“Giáp chắc chắn là có một phần khi sửa soạn cuộc Tổng tấn công. Nhưng hình như phút cuối cùng Giáp hủy lệnh đánh. Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài.

“Nếu không có ngày 19-12-1946 thì gì đã có thể xẩy ra ở Việt Nam? (tr 172)

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và chủ tịch Hồ Chí Minh

June 12, 2023 By Tin Tức Comments Off

“Ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.

“Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:

— Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.

“Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:

— Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.

— Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.

“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:

— Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…

“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.

“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).

“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:

— Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.

“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).

“Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..

“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.

Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.

Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.

Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.

“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.

“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:

Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:

— Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.

Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.

— Ai là Nguyễn Ái Quốc?

Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.

“Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.

“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…

“… Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:

— Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.

— Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.

— Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.

— Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.

Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)

“… Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.

“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)

….

Vài bình luận về những sự kiện kể trong những đoạn dịch

1) Bảo Đại cũng như hầu hết mọi người thời ấy, chỉ nghe đồn chứ không biết Việt Minh là gì, Hồ Chí Minh là ai.

Người biết nhiều về Việt Minh nhất là Tạ Quang Bửu khi nói với Bảo Đại về Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và Trần Văn Giầu ở Sài Gòn. Nhưng ở Huế là ai? Ông Phạm khắc Hòe, ngự tiền văn phòng của Bảo Đại, được sai ra ngoài Thành Nội hỏi tin tức ai là người của Việt Minh, trở về tay không. Dễ hiểu: Việt Minh chánh cống còn ở Hà Nội, chưa kịp vào Huế. Người Việt Minh chánh cống đầu tiên vào Huế là Trần Huy Liệu mà nếu xét kỹ lí lịch thì cũng chỉ là cựu VNQDD trở cờ. Cù Huy Cận chỉ là kẻ theo đuôi.

2) Bảo Đại dù tây học, nhưng cũng như đa số người dân hồi ấy, vẫn còn mê tín, tin là ông Hồ có được mệnh trời.

Hai câu sấm Trạng Trình “Bao giờ sen mọc biển Đông (Nhật), cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi”, được giảng là nhằm triều đại nhà Nguyễn và “Đụn sơn phân giới… Nam đàn sinh thánh”, được cho là ứng vào Hồ Chí Minh. Những đồn đại về cụ Hồ mắt sáng như sao, có 2 con ngươi… đã áp đảo tinh thần ông Bảo Đại, khiến ông tự thấy phải thoái vị để theo đúng mệnh trời. (tr119)

3) Ngay khi mới gặp ông Hồ ở Hà Nội, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc như cả triệu người dân Việt thời ấy.

Gặp ông Hồ lần đầu tiên, Bảo Đại đã có ấn tượng tốt vì phong độ nửa đạo sĩ nửa nhà nho của ông Hồ. Nhưng cũng như 99% dân chúng Việt Nam thời đó, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc vì 2 chữ Độc Lập và Thống Nhất. Ai cũng như ai đều cho Độc Lập là Tất cả: là thoát khỏi vòng bị trị, là tự do, là thống nhất, là Bác Hồ, là Nguyễn Ái Quốc, là kháng chiến theo con đường cộng sản. Cả triệu người Việt Nam nghe theo tiếng hô Độc lập của Bác để bị dẫn vào con đường này rồi đi lần lần tới cộng sản.

4) Bảo Đại không có thiện cảm với những người quốc gia

Được mục kích những cảnh hỗn loạn ở Hà Nội gây ra bởi những đám quân Tàu, Bảo Đại ghét lây những người quốc gia vì những người này đã theo quân đội Tàu trở về Việt Nam, mặc dù trong số những người này có người muốn tôn ông làm minh chủ để đối lại với Hồ Chí Minh.

5) Bảo Đại chỉ là phát ngôn viên của ông Hồ

Mang tiếng là cố vấn tối cao, không thấy Bảo Đại đưa ra ý kiến nào trong suốt thời gian làm cố vấn. Trái lại, những thông điệp gửi cho các lãnh đạo nước ngoài, tuy mang tên Bảo Đại, nhưng đều do ông Hồ tự thảo. Và khi đi cùng với ông Hồ gặp đại diện các nước Đồng Minh, những lời tuyên bố của ông Bảo Đại cũng chỉ là những lời đã được ông Hồ mướm trước. Ông Hồ chỉ dùng Bảo Đại như một phát ngôn viên và như một nhân chứng để khẳng định với Đồng Minh là Bảo Đại đã tự trao quyền hành chứ không có sự cướp đoạt quyền hành. Tuy vậy ông Hồ vẫn luôn luôn nghi ngờ Bảo Đại nên không bao giờ để cho đi một mình. Bảo Đại trái lại vẫn luôn luôn tin tưởng vào ông Hồ, luôn luôn tỏ ra trung trực với ông Hồ, ngay cả khi đã biết chắc mình đã bị bỏ rơi. Chứng cớ là khi Phạm Ngọc Thạch tới Hồng Kông đưa cho mấy nén vàng, vẫn một mực hỏi khi nào được ông Hồ gọi về. Thế mới biết sức hấp dẫn của ông Hồ mạnh đến chừng nào!

6) Đề nghị Bảo Đại thay mình là một mánh khóe của ông Hồ khi bị chống đối về dự định ký với Pháp cho Pháp trở lại Việt Nam

Đề nghị này được Bảo Đại kể lại trong cuốn “Rồng Nam” (tr 150 ). Tôi không thấy có tài liệu nào nói đến. Có nhiều người cho là ông Bảo Đại bịa ra. Tôi, ngược lại, tin là có thật vì lí do sau đây:

Để nắm trọn quyền hành trong tay, ông Hồ phải tìm cách gạt những đảng phái quốc gia ra ngoài. Muốn vậy, phải làm sao đuổi được bọn Tàu ra khỏi nước, khiến các lãnh tụ quốc gia từ trước tới nay vẫn dựa vào Tàu, nếu không muốn bị thủ tiêu, chỉ còn cách bám theo Tàu, trốn khỏi Việt Nam. Vấn đề là quân đội Tàu lấy danh nghĩa là được lệnh Đồng Minh vào Bắc Việt để giải giới quân đội Nhật, sẽ ở ỳ không bao giờ chịu về. Muốn đuổi Tàu ra khỏi nước, chỉ có cách là điều đình với Pháp, đem Pháp vào thay thế Tàu. Nhưng làm như vậy ông Hồ sẽ mất mặt với toàn dân và Việt Minh sẽ mất chính nghĩa giành độc lập. Các đảng phái Quốc gia, vì sự sống còn của mình, sẽ nhao nhao chống đối, sẽ giành được chính nghĩa, huy động toàn dân đánh Pháp với súng ống của quân Tàu giải giới Nhật để lại. Lực lượng Việt Minh hồi ấy thật ra cũng chả mạnh hơn gì các đảng phái quốc gia tuy được phóng đại vì khéo tuyên truyền, sẽ chỉ còn cách chạy ra khỏi nước. Nhưng đi đâu? Tàu Mao thì còn quá xa! Không có lẽ lại trốn qua Pháp, nương tựa vào đảng Cộng sản Pháp?

Ông Hồ thấy chỉ còn một giải pháp là đưa Bảo Đại lên thay mình. Tất nhiên là Bảo Đại sẽ chỉ là chủ tịch bù nhìn với một nội các bù nhìn, còn mọi quyền hành thật sự vẫn nằm trong tay “Cố vấn” Hồ Chí Minh. Trách nhiệm về chuyện ký với Tây, đem Tây trở lại sẽ đổ lên đầu ông Bảo Đại hết! Ngoài ra, một khi ông Bảo Đại đã dính với ông Hồ, các đảng phái quốc gia cũng không còn có thể tôn ông làm minh chủ thay thế ông Hồ trước mặt toàn dân được..

Ông Bảo Đại mãi về sau mới hiểu lí do vì sao có sự thay đổi của ông Hồ: Với vàng bạc của “Tuần lễ vàng”, ông Hồ đã đút lót tướng Tiêu Văn để viên tướng này nói với chủ tướng của mình là tướng Lư Hán làm áp lực với các lãnh tụ quốc gia, đặc biệt là VNQDD, tham gia chính phủ Hồ Chí Minh và cùng ký thỏa ước với Pháp. Không biết các lãnh tụ này được Tiêu Văn thí cho bao nhiêu cây vàng. Nhưng đã tự đào hố chôn mình. Và ông Hồ thấy “Giải pháp Bảo Đại” của mình không cần thiết nữa!

Nhưng ông Bảo Đại vẫn bị ông Hồ gài vào cái bẫy “Thỏa ước 6-3” khi được ông Hồ cho cái hân hạnh mỗi tối cùng ông thảo cái bản thỏa ước này. Lịch sử khó mà kết tội ông Hồ đã đem Tây vào vì tự ông Bảo Đại đưa ra chứng cớ là đã cùng ông Hồ thảo bản Thỏa ước và các đảng Quốc gia cũng há miệng mắc quai vì bản Thỏa ước có chữ ký của Vũ Hồng Khanh.

7) Còn một nghi vấn nữa: Bảo Đại, sau khi tham dự phái đoàn đi gặp Tưởng Giới Thạch, đã cố ý ở lại hay bị ông Hồ bỏ rơi?

Có nhiều người cho là Bảo Đại đã lợi dụng tham gia phái đoàn qua Tàu, trốn ở lại.

Tôi thì nghĩ ông Bảo Đại đã bị ông Hồ vắt chanh bỏ vỏ:

– Nếu thật sự ông Bảo Đại muốn ở lại thì ngay khi gặp Tưởng Giới Thạch đã xin ở lại, đã không can thiệp để phái đoàn của ông Hồ được Tưởng Giới Thạch tiếp. Và nhất là khi gặp tướng Marshall, đã không khẳng định chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ đoàn kết quốc gia được Hồ Chí Minh thành lập với ý chí thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng của dân tộc Việt Nam và đã không nói xấu chế độ Quốc dân đảng Tàu.

– Nếu thật sự muốn ở lại thì sao sau hơn 3 tuần ở Trùng Khánh (Từ 23-3 đến 15-4 ), lại theo phái đoàn đi Côn Minh để đổi máy bay trở về Hà Nội?

– Chuyện sắp lên máy bay trở về Hà Nội thì nhận được tin nhắn của ông Hồ nói ở lại, cũng khả tín. Chắc chắn là tin nhắn này đã được ông Hồ viết từ trước và đưa cho một người thân tín trong phái đoàn để phút cuối cùng mới đưa cho ông Bảo Đại, gây bất ngờ để ông Bảo Đại không kịp phản ứng, không kịp nghĩ đến vợ con còn ở Việt Nam, quần áo không có, một xu dính túi cũng không.

Chẳng qua là ông Hồ, sau khi đã lợi dụng đến tận cùng ông Bảo Đại để làm lá chắn cho mình trước mặt Đồng Minh và đã ký được thỏa ước đem quân Pháp vào thay thế quân Tàu, thì thấy đã đến lúc vứt vỏ vì đã vắt hết chanh.

Kết luận

Ông Hồ đã 2 lần lầm lỡ:

Lần thứ Nhất: Ngay từ đầu năm 1946, để đuổi Tàu Quốc, ông Hồ đã đề nghị Bảo Đại thay mình làm chủ tịch nước, điều đình với Pháp để Pháp thay thế Tàu rồi lại trở mặt! Hậu quả: 8 năm chiến tranh chống Pháp cho Tàu và đất nước bị chia đôi.

Lần thứ Hai nặng hơn nhiều: Đẩy Bảo Đại ra khỏi nước. Nếu còn giữ Bảo Đại trong nước thì năm 1950 khi Mao chiến thắng tới sát biên giới, để tránh phải phụ thuộc Tàu Cộng, ông Hồ có thể lấy lại cái “giải pháp Bảo Đại” năm 1946 của mình, điều đình với Pháp. Không những đã rút ngắn chiến tranh Việt Pháp được 4 năm, mà cái quan trọng hơn hết là sẽ không có cuộc nội chiến kéo dài thêm 20 năm với 4 triệu người chết, với hậu quả là đất nước ngày nay thuộc quỹ đạo Tàu không biết bao giờ mới thoát khỏi! Đó là cái tội lớn nhất của ông Hồ đối với lịch sử.

Chủ tịch và ông cố vấn – Tranh sơn mài hoạ sĩ Đỗ Văn Tăng.

Thói ăn chơi của vua Bảo Đại và sự ‘mở đường’ cho du lịch ở Việt Nam

Không hề nói quá khi coi Bảo Đại là người mở đầu văn hóa du lịch – hưởng thụ ở Việt Nam. Để phục vụ cho một trong những “thú vui trần thế” là khám phá du lịch của mình, từ những lầu các và dinh thự trải dài khắp các danh lam thắng cảnh của đất nước, đến những chốn riêng nơi thâm sơn cùng cốc, trên khắp mảnh đất mà mình đáng lẽ phải “trị vì”, nhà vua luôn tìm được “cái đẹp” để tận hưởng.

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy là con trai duy nhất của vua Khải Định, được xác lập làm Đông cung Hoàng Thái tử năm 9 tuổi. Tháng 6.1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ, Jean François Eugène Charles, nhận làm con nuôi và theo học tại Pháp. Năm 1925, vua Khải Định mất, Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Tháng 1.1926, khi mới 12 tuổi, Thái tử được tôn lên kế vị làm Hoàng đế kế nhiệm, lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục du học.

Vậy là suốt thời niên thiếu, suốt những năm tháng học hành, số lần về nước của Bảo Đại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông tiếp nhận giáo dục và văn hóa – lối sống phương Tây, mãi đến năm 19 tuổi.

“Khi trở về Việt Nam lên ngôi Hoàng đế, tôi sẽ chẳng làm gì cả, mà chỉ hưởng lạc những thú vui trần thế”.

Hoàng đế Bảo Đại ở Paris năm 1932.

Đó là một trong những tuyên bố của Thái tử Vĩnh Thụy khi rời Pháp để về tiếp tục “làm vua” một nước. Đúng như câu nói của mình, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn nổi tiếng với lối sống xa hoa và những cuộc ăn chơi khét tiếng. Ông thành thạo nhiều cách hưởng thụ: từ nhảy đầm, đánh golf, sưu tầm ô tô đến săn bắn, và tất nhiên, là một “tín đồ” du lịch.

Tháng 9 năm 1932, khi Bảo Đại kết thúc chuyến du học Pháp trở về, xe ô tô mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 27 năm, với mức giá dĩ nhiên không dành cho tất cả. Bằng gia tài khổng lồ và tính tiêu xài xa hoa, ông vua trẻ không ngần ngại vung tiền cho bộ sưu tập ô tô của mình. Trong cuốn “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” ra mắt năm 2006, tác giả người Pháp Daniel Grandclément đã so sánh sở thích của vua Louis XVI nước Pháp với vị cựu hoàng triều Nguyễn: “Louis XVI thì mê các ổ khóa, còn Bảo Đại thì thích hí hoáy hàng giờ với động cơ ô tô”.

Bảo Đại từng là chủ sở hữu của một chiếc Mercedes lớn nặng 4 tấn, có kính dày 3 cm, vỏ chống được đạn 8 ly của tiểu liên và súng máy; bốn chiếc Limousine; một chiếc Citroën động cơ bánh trước; những chiếc xe thể thao hiệu Ferrari hay Bentley; và vài chiếc máy bay, du thuyền khác.

Tất cả những chiếc xe này đều được Hoàng đế sử dụng để đi thăm thú, du lịch mọi nơi. Nguyễn Hữu Đào, người tài xế từng đưa Bảo Đại đi khắp đất nước (và cả nước ngoài) suốt 15 năm, kể lại một chuyện rằng, “Hôm ấy là ngày 9.3, Nhật đảo chính Pháp, đất nước đang trong cơn rối ren nhưng cựu hoàng vẫn mải đi săn ở một cánh rừng thuộc vùng Khe Sanh, huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị”. Quân Nhật tràn vào Huế nhưng không thấy vua đâu, sau khi biết chuyện liền sai người “điệu” ngài từ Quảng Trị về cố đô. Vậy nhưng ngay ngày hôm sau, nhà vua lại bảo ông Đào chở đi Touranne (Đà Nẵng) để nghỉ mát.

Từ ấy, việc dùng xe hơi đi xa, đi du lịch cũng dần phổ biến trên đất Đại Nam. Có thể nói, khoảng thời gian Bảo Đại “ăn chơi hưởng lạc” cũng là dấu mốc đầu tiên cho lối du lịch bằng xe ô tô của nước ta.

Không chỉ có sở thích về xe hơi, Bảo Đại còn mê săn bắn. Hầu như tuần nào, tháng nào, vua cũng rời kinh thành để tìm thú vui tiêu khiển trong chốn thâm sơn cùng cốc. Một trong những địa điểm được ngài ưa chọn nhất là vùng đất Tây Nguyên lắm thú nhiều chim. Đường từ Huế lên cao nguyên tuy xa nhưng xe cộ thưa thớt, mỗi lần đi, vua thường cho chạy xe một mạch từ Huế lên Đà Lạt không nghỉ đêm.

Ở Tây Nguyên, Bảo Đại còn lập một cánh đồng voi rộng lớn ở giữa buôn Đắk Liêng, huyện Lắk (nay là thị trấn Lắk, tỉnh Đắk Lắk), làm nơi chăn thả đàn voi hàng trăm con của mình. Để thỏa mãn thú ăn chơi ít ai sánh được, Bảo Đại cho người xây dựng khu dinh thự nghỉ dưỡng trên đỉnh núi nhìn ra hồ Lắk. Đây là vị trí đắc địa để quan sát buôn Jun, buôn Liên rộng lớn, hay thưởng lãm lễ diễu hành voi hoành tráng do những nài voi tài ba nhất Tây Nguyên thực hiện. Những cây hoa sứ già bên đường lên biệt thự ngày nay, cũng là do Bảo Đại khi xưa mang giống đến trồng.

Nhưng, Quảng Trị mới là khu săn của Bảo Đại, là nơi ông đặc biệt thích đến nghỉ ngơi. Trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”, Bảo Đại viết về bãi săn ở Quảng Trị của mình:

“Ở đấy, tôi có ngàn mẫu tây đồi núi, có rừng cây nằm ở phía nam Cam Lộ. Trong những khu rừng lớn, có vài con suối nước mát quanh co, có đủ thú rừng của nước tôi, voi, cọp, trâu, rừng, hươu, nai và lợn lòi. Trên nền đất đó có một thửa đồi, đã có một ngôi nhà sàn lợp nứa, có bao lơn như tất cả các ngôi nhà sàn của người Thượng.

[…] Đứng trên bao lơn, nhìn ra phía thung lũng ở giữa hai ngọn đồi, tôi có thể quan sát được cả một sự di chuyển của bầy trâu rừng, một loài dã thú vừa đẹp vừa tuyệt vời, vừa rất nguy hiểm, có nhiều con cao tới hai mét”.

“Đến nay, tôi vẫn còn thấy thích thú những buổi chiều hôm ở trại săn Quảng Trị. Hoàng hậu có khi cũng theo đi. Thỉnh thoảng, tôi có một số bạn cùng dự. Chúng tôi đã qua những buổi chiều hết sức cởi mở trong một bầu không khí thân hữu gia đình. Nhưng phần nhiều, sau một ngày đi dạo trong rừng sâu, tôi trở về chòi, cảm thấy khoan khoái trước sự yên lặng của rừng, sau khi mặt trời vừa lặn. Trước khi bóng đêm phủ xuống, mặt trời đi ngủ, thì đó là một tràn than vãn tê tái của loài côn trùng, như loài giun dế đồng thanh ca ngợi ngày đã qua. Sau đó là tĩnh mịch hoàn toàn. Sự hiện diện của đất đai, như chỉ còn có mùi thơm ẩm ướt của cây rừng và của rong rêu trước mịt mùng vô tận…”

Và đó, Bảo Đại – vị Hoàng đế bị ghim chặt với hình ảnh một ông vua ham chơi, xa xỉ – hóa ra cũng là một người đàn ông yêu rừng núi, và khao khát cái thảnh thơi khi vùi mình vào thiên nhiên.

Ngoài những cơ ngơi ở Kinh đô Huế, Bảo Đại còn có nhiều biệt thự, dinh cơ trải dài khắp ba miền Bắc-Trung-Nam. Đến đâu, vị cựu hoàng này cũng ưu tiên hưởng thụ và sống xa xỉ. Điều đặc biệt là các dinh thự ấy đều tọa lạc ở những vị trí, những mảnh đất mà bây giờ, khi những người Việt thế hệ sau tìm đến, ai cũng dễ dàng cảm thán rằng: chẳng thể lý tưởng hơn.

Ở miền Nam, Bảo Đại có tòa Bạch Dinh nằm bên sườn núi lớn của thành phố Vũng Tàu. Với địa thế “tựa sơn hướng thủy”, Bạch Dinh không chỉ có tầm nhìn hướng ra biển đẹp lãng mạn mà còn có ý nghĩa lớn về mặt phong thủy. Năm 1934, tòa “Biệt thự trắng” (Villa Blanche) vốn xây dành cho Toàn quyền Pháp này được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Hầu hết các bức tường Bạch Dinh đều được quét vôi trắng, kết hợp với kiểu cửa mái vòm cùng mái lợp ngói, tạo nên nên vẻ đẹp xa hoa, sang trọng và nét nghệ thuật cổ điển của thế kỷ 19 – 20.

Tại miền Trung, có tận 5 tòa mang tên Bảo Đại: Dinh I – II – III Bảo Đại ở Đà Lạt, Biệt điện Bảo Đại ở Đắk Lắk và Lầu Bảo Đại ở Nha Trang. Đà Lạt là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của Bảo Đại, đây cũng là nơi ông lần đầu gặp Nguyễn Hữu Thị Lan – người phụ nữ duy nhất được tấn phong Hoàng hậu của triều Nguyễn. Cả Dinh I, Dinh II và Dinh III đều nằm trên đồi thông cao, có không gian xanh mát và thơ mộng, mang nét lãng mạn đặc trưng của thành phố sương mù.

Ba dinh thự trên cùng với Biệt điện Bảo Đại đều nằm ở trung tâm thành phố, tọa lạc ở vị trí “đất vàng” đắc địa. Lầu Bảo Đại thì chỉ cách trung tâm Nha Trang 6km về phía nam, là quần thể gồm 5 trong số những ngôi biệt thự đẹp nhất Việt Nam.

Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là hành cung duy nhất của triều đình nhà Nguyễn tại miền Bắc. Biệt thự này nằm trên đồi Vung, được xây dựng từ năm 1928, được Toàn quyền Đông Dương Pafquiere tặng lại cho vua Bảo Đại vào năm 1949. Mỗi lần đi kinh lý miền Bắc, nhà vua và Hoàng hậu hầu như đều chọn nơi này để làm việc, tiếp khách và làm chỗ nghỉ mát cho cả gia đình. Đứng ở đây, có thể nhìn toàn cảnh bán đảo Đồ Sơn và thả tầm mắt theo sóng biển mênh mông đến tận chân trời. Khí hậu vùng đất này cũng rất ôn hòa và mát mẻ, thích hợp để nghỉ ngơi và thư giãn.

Ngoài ra, ít người biết rằng Bảo Đại còn có hai căn biệt thự Pháp cổ xa hoa ở Hà Nội: một căn nằm trên phố Ngọc Hà (Ba Đình) còn một căn ở phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm). Năm 1945, sau khi thoái vị, Bảo Đại từng có thời gian ngắn sống ở đây.

Tất nhiên, Bảo Đại không chỉ đến những nơi trên đây, ông đã đi qua, và ôm ấp vô kể những mối tình khác với nhiều vùng đất của Việt Nam. Có lẽ Bảo Đại đã không hề miệt mài học cách trị nước, nhưng ông đã miệt mài đi, để “khám phá ra những vẻ đẹp của vùng ven đô”, hay “đến Buôn Mê Thuột, ở đấy có một nhà lầu sát hồ nước nằm trên núi cao, vốn là miệng núi lửa xưa kia”.

Như chính ông từng nói, “Rất thường, tôi vẫn đi xa như thế, và chỉ đến đêm khuya mới trở về. Trong các cuộc đi dạo ấy, chính sự cô đơn là điều thích hợp với tâm hồn hiu quạnh của tôi”.

Theo VNTRAVELLIVE

Tổ Chức Lễ Cưới Trên Du Thuyền Vừa Sang Vừa “Xanh” Làm Lành Cùng Trái Đất

May 23, 2023 By Uncategorized Comments Off

Dịch đại dịch và biến đổi khí hậu đang cùng lúc đem lại những bất ổn nặng nề về kinh tế và đời sống tại nhiều vùng trên khắp thế giới. Nhưng vẫn như muôn thuở, nhu cầu yêu và cưới không vì bất ổn, chiến tranh hay dịch bệnh mà dừng lại.

Như để hòa giải cho những bất ổn về thiên tai, dịch bệnh và môi trường, ngày càng có nhiều cặp đôi chọn tổ chức một lễ cưới thân thiện với môi trường. Nhưng làm thế nào để tổ chức đám cưới thật nhẹ nhàng, thân thiện với mẹ thiên nhiên mà vẫn không kém phần sang trọng và lãng mạn?

Mời các bạn cùng khám phá những các tổ chức một lễ cưới thật sang, sành và “xanh” trên du du thuyền đang được nhiều cặp đôi lựa chọn cho hạnh phúc viên mãn hơn.

TỔ CHỨC HÔN LỄ NGOÀI TRỜI TIẾT KIỆM NHIÊN LIỆU

Các đám cưới trên du thuyền được tổ chức ở không gian thoáng ngoài trời – là một trong những cách tiết giảm nhiên liệu đáng kể mà vẫn đem lại vẻ ngọt ngào, lãng mạn đến khó quên. Không cần đến hệ thống điều hòa không khí hay đèn chiếu sang tốn kém, một đám cưới giữa vịnh biển thiên đường tràn đầy nắng gió sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ cho cô dâu chú dể và khách mời tham dự. Với phông nền là biển núi, trời mây và những làn gió mơn man, lễ cưới trên du thuyền sẽ là trải nghiệm đặc biệt mà không nhà hàng tiệc cưới nào có thể đem lại.

ĐÁM CƯỚI NHỎ GỌN, ẤM CÚNG

Không cần phải có sự “can thiệp” của dịch covid 19 với các khuyến cáo không tụ tập đông người thì xu hướng đám cưới nhỏ gọn tầm 30-40 khách mời đã dần trở nên phổ biến trên thế giới. Nhiều cặp đôi hiện đại mong muốn ngày cưới của mình là dịp để những người thân yêu nhất được chia sẻ niềm hạnh phúc cùng nhau, bỏ qua những hình thức rườm rà hay vẻ ngoài hoành tránh nhưng nhạt nhẽo. Cũng vì lẽ ấy mà lễ cưới trên du thuyền sẽ là sự lựa chọn lý tưởng dành cho những du khách mong đợi một lễ cưới riêng tư, ấm cúng nhưng không kém phần sang trọng.

TRANG TRÍ THEO PHONG CÁCH ECO-FRIENDLY

Một đám cưới thân thiện môi trường sẽ tuân thủ việc không sử dụng các vật liệu nhựa, nylon từ bàn ăn, quà tặng cho đến khâu trang trí. Thay vào đó, không gian tiệc cưới sẽ được trang trí theo phong cách tối giản hoặc dùng nhiều chậu cây xanh và đồ trang trí có thể tái sử dụng sau khi tàn tiệc.

Bạn hãy yên tâm nếu tổ chức đám cưới trên du thuyền thì với không gian du thuyền được thiết kế sang trọng sẵn có thì bạn cũng đã có một không gian cưới độc đáo mà không cần trang trí rườm rà. Nếu bạn thích trang trí bằng hoa tươi hãy lựa chọn các giống hoa bản địa để dễ vận chuyển, bảo quản và có thể tặng lại họa còn tươi cho những không gian cộng đồng khác có nhu cầu.

TỐI GIẢN TRANG PHỤC CƯỚI

Thay vì đặt may một chiếc váy cưới lộng lẫy và đắt tiền chỉ để mặc một lần rồi bỏ xó, bạn có thể dò hỏi và mượn từ bạn bè, người thân một chiếc váy cưới thật ưng ý. Thậm chí, bạn cũng có thể gia nhập những nhóm trên mạng xã hội có chức năng trao đổi hay cho mượn tất tần tật từ váy cưới, lễ phục cho chú rể đến cả trang phục cho các cụ thông gia…

Nếu chỉ thích mặc váy của riêng mình, bạn có thể chọn các thiết kế đơn giản, hiện đại để dễ dàng sử dụng lại sau lễ cưới mà không phải vứt đi. Với tiệc cưới trên du thuyền, trang phục dành cho cô dâu chú rể và cả khách mời sẽ thoải mái hơn. Bạn có thể lựa chọn những lễ phục đơn giản hơn so với bộ váy cưới lộng lẫy và có phần cồng kềnh.

TIỆC BUFFET “XANH” VỚI SẢN VẬT ĐỊA PHƯƠNG

Một bữa tiệc ấm cúng với toàn bộ nguyên liệu organic ngon lành, tươi mới sẽ là tiêu chuẩn lý tưởng nhất của một đám cưới xanh. Nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào tại địa phương với hoa quả, rau củ theo mùa, giúp đảm bảo độ tươi ngon và tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển, khâu bảo quản và đóng gói.

Một bữa tiệc buffet trên du thuyền sẽ vừa giúp tránh lãng phí thức ăn khi thực khách chỉ chọn món mình thích với lượng vừa đủ, mà còn tạo không khí cởi mở, thoải mái khi mọi người đi lại chọn món và gặp gỡ, trò chuyện cùng nhau. www.lux-cruises.com

Dịch vụ từ tâm wow chạm cảm xúc

May 12, 2023 By Uncategorized Comments Off

Nhân sự không phải là tài sản doanh nghiệp, tuyển nhân tài phù hợp với văn hóa doanh nghiệp mới là tài sản doanh nghiệp đó là tư tưởng doanh chủ Phạm Hà Chủ tịch CEO LuxGroup.

Bên cạnh yếu tố chuyên môn nghiệp vụ, thái độ, kỹ năng, việc tuyển được người phù hợp với văn hoá doanh nghiệp ngày càng được nhiều tổ chức chú trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả nhân sự và tổ chức trong phục vụ ông chủ doanh nghiệp là khách hàng và thoả mãn họ đúng như tuyên bố 100% quyền khách hàng hài lòng.

1. Kinh doanh từ tâm nghe rất hay nhưng trong thực tế áp dụng không dễ, giữa bộn bề áp lực trên thương trường. Làm sao anh cân bằng và vận dụng lý thuyết vào thực tế kinh doanh của Lux?

Kinh doanh tất cả là những con số, nhưng suy cho cùng kinh doanh là nhân bản phục vụ con người và vì con người đó là sứ mệnh của doanh chủ như tôi. Kinh doanh dịch vụ nghề hạnh phúc, mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, nhân viên, khách hàng, cộng đồng. Khi tâm tuyệt khí tuyệt, tâm hởi và hoan hỉ thì phục vụ từ tâm, lãnh đạo từ tâm sứ mệnh phụng sự thì sẽ hạnh phúc cho bản thân, đội nhóm, công ty, khách hàng và mang giá trị cho cộng đồng.

Tôi có giấc mơ lớn du thuyền Việt Nam ra biển lớn và kết nối được nhiều người chung đam mê, mục đích, vì con người, bền vững và sau cùng mới là lợi nhuận và thịnh vượng chung. Tôi đi chậm, đúng đường nhưng chắc,
chính đạo cuộc đời và chuyển tải thông điệp trên hải trình hạnh phúc và hiện thực hoá những đam mê và khát vọng tới đội ngũ của mình, tuyển dụng, giữ người tài, chú trọng trải nghiệm nhân viên, tuyên bố quyền khách hàng lấy họ làm trung tâm để thoản mãn hộ

Chúng tôi xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp để cùng ra biển lớn, vượt sóng dữ hay nghịch cảnh thì chính con người, văn hoá doanh nghiệp, sự kiên tâm, kiên định, kiên cường bền vững của kinh doanh, niềm tin giúp CHÚNG TÔI cùng chèo lái, khi không đổi được bão thì chúng tôi điều chỉnh cánh buồm, đồng lòng về đích về bờ cùng nhau.

2. Một “ông chủ trả lương” cho Lux Group-khách hàng. Làm sao để mỗi nhân viên từ thấp đến cao của hệ thống Lux thấm nhuần và áp dụng được hàng ngày?

Cuộc đời là hàm tổng các lựa chọn, chúng tôi chọn nghề hạnh phúc, sứ mệnh làm luxers là làm ông chủ trả lương trả thưởng cho mình thực sự hài lòng bằng cái tâm của người làm nghề du lịch, có năng lực thái độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và hiểu biết. Dịch vụ sang trọng bằng hàm tổng của thái độ, dịch vụ nâng tầm nghệ thuật và quy trình hiệu quả.

Lãnh đạo cấp cao yêu quý, hiểu và giúp đỡ cấp dưới và chung mục địch phục vụ khách hàng bên ngoài doanh nghiệp. Mỗi luxer phải là đại sứ thương hiệu vì yêu công ty, yêu bản thân bằng ăn mặc chỉn chu, chăm sóc cơ thể, yêu văn hoá di sản lịch sử và tự hào về quê hương đất nước của mình và bảo vệ nó cho muôn đời sau.

Tất cả thể hiện ra công việc hàng ngày, nhìn thấy rác thì phải nhặt, gặp khách thì đặt tay lên trái tim và mỉm cười với khách thực hiện 5 xin và 5 luôn, 7 ngày chuyển đổi nhân tâm thái độ, hiểu hạnh phúc và mang lại hạnh phúc, 6 điểm chạm trải nghiệp khách hàng phải hơn cả mong đợi tạo marketing truyền miệng, và 6 cấp độ thoả mãn phải được thấm nhuần. 10 quy định nhà luxers phải được học ngay buổi đầu làm việc và định hướng rõ nghề nghiệp và được thử thách xem có đúng là nhân tài và phù hợp văn hoá doanh nghiệp hay không.

Mục tiêu chúng tôi là lấy khách hàng làm trung tâm, tuyên bố quyền khách hàng đầu tiên tại Việt Nam là 100% khách hàng hài lòng từ điểm chạm đầu tiên đến điểm chạm cuối của hành trình trải nghiệm. Chính vì vậy Chúng tôi không tuyển dụng người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất để vừa lòng ông chủ lớn của chúng tôi, ông chủ này có thể đuổi việc bất kỳ ai từ lái xe tới CEO.

3. Triết lý kinh doanh của anh là tạo điểm đến du lịch trải nghiệm, văn hóa cao cho du khách. Mới đây một đoàn khách tỷ phú Nga đã được tận hưởng chuyến đi mang tính “bespoke” có 1-0-2 trên du thuyền HC Bình Chuẩn. Theo kinh nghiệm hơn 20 năm làm du lịch cao cấp của anh với Lux, Việt Nam có thể hút nhóm khách exclusive này bằng con đường riêng có độc đáo nào?

Du lịch du thuyền giờ đây tất cả là điểm đến trải nghiệm, và ký ức. Chúng tôi luôn tự hào về văn hoá Việt Nam và mong muốn giới thiệu sự giầu có của văn hoá di sản và thiên nhiên Việt Nam cho du khách một cách tinh tế, chân thực và độc đáo. Chúng tôi hiểu rõ chân dung khách hàng mà chúng tôi phục vụ và kỳ vọng của họ vào các du thuyền Lux Cruises như Emperor hay Heritage Bình Chuẩn, mỗi lữ khách đều đặc biệt, mỗi khoảnh khắc đều trân quý đáng nhớ, vì khoảnh khắc sẽ thành kỷ niệm.

Chúng tôi vinh dự đón nhiều đoàn khách sang trọng, chính khách, siêu sao Hollywood, hay diễn viên nổi tiếng Việt Nam, doanh nhân, nhiều tỉ phú như đoàn khách trên đã chọn chúng tôi cho kỳ nghỉ biển đặc biệt 6 đêm lênh đênh trên vịnh Bắc Bộ. Có quản gia, đầu bếp riêng, đi theo lộ trình riêng và trải nghiệm riêng. Mỗi ngày một mạo hiểm theo ánh dương và thửa theo yêu cầu, sức khoẻ, năng lượng và sở thích cá nhân. Chúng tôi đều chăm sóc và đo ni đóng giầy các trải nghiệm của các ông chủ này và vượt mong đợi để họ còn quay lại.

Lữ khách siêu sang trọng thích đặc quyền chỉ chiếm 3% lượng khách tới Việt Nam, khó có tiền, có gu và biết giá trị. Chúng tôi thửa theo yêu cầu và mang lại giá trị và trải nghiệm giầu cảm xúc, tinh tế và đáng nhớ. Phân khúc trung và cao cấp thị phần rất lớn 5% thị phần và ngày một lớn, nhiều du khách cho Việt Nam vào danh sách mong muốn được đến và trải nghiệm. Việt Nam cần định vị là điểm đến cao cấp và thu hút khách chất hơn lượng và kinh doanh du lịch tử tế, bền vững.

4. The art of story telling mà du thuyền Bình Chuẩn đang kể cho các nhóm khách của mình rất hay rồi, nhưng cũng sẽ đến lúc phải refresh trải nghiệm nghỉ dưỡng của du khách. Vậy kế hoạch tiếp theo của anh là gì để tạo nên những “wow experience” mới cho tệp khách sang của Lux?

Chúng tôi ngưỡng mộ, học tập, vinh danh con người truyền cảm hứng vua tàu, thuỷ Bạch Thái Bưởi, hồi sinh sau đúng 100 năm và nâng tầm di sản. Chúng tôi không tạo ra một thương hiệu mà một trào lưu đi du thuyền. Heritage Bình Chuẩn được xây dựng lên từ đam mê và giấc mơ du thuyền của tôi trong hạm đội 30 chiếc, chinh phục ngọn nguồn các con sông Bắc Kỳ, các vịnh biển đẹp nhất Việt Nam và chạy dọc duyên hải, và ra biển lớn.

Bản thân con tàu Heritage Bình Chuẩn đã là một điểm đến, một không gian di sản, nhiều tạp chí du lịch quốc tế đã vinh danh và đánh gia là “một tuyệt tác độc bản trong lòng di sản”. Chúng tôi luôn trân quý, học hỏi, vinh danh, tôn trọng và chú trọng trải nghiệm du khách bằng sáng tạo mới cho thân, tâm, trí của du khách bằng những dịch vụ cá nhân hoá, như nhớ tên khách suốt hành trình, ăn tối fine dining với âm nhạc dân tộc, tên khách trên bàn. Khi mời khách chúng tôi gõ mõ như ra đình làng ăn cỗ xưa.

Tiệc trà chiều, âm nhạc live đón hoàng hôn trên vịnh, tour mỹ thuật và giới thiệu tàu hay tiệc bể bơi, khi du khách tới bãi biển có sẵn bar và tiệc bãi biển vào dịp hè này. Chúng tôi hiểu rằng wow là chạm cảm xúc và mỗi âm thanh tên của du khách được nhớ và gọi đúng tên là cảm xúc. Chúng tôi xuất bản sách để tăng trải nghiệm đọc, đánh thức các giác quan và lan toả tinh thần quý tộc Việt: thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm của vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi.

Tiếp nối thành công và hạnh phúc trên hải trình của cuộc đời, vượt qua nghịch cảnh, tái cấu trúc và chúng tôi chuẩn bị đóng mới du thuyền 200 chỗ cho vịnh Nha Trang và quần đảo Phú Quốc và 200 chỗ cho vịnh Lan Hạ thành phố cảng Hải Phòng. Nhiều chuyên gia du lịch đang chờ đón những “tác phẩm du thuyền mới” với nhiều trải nghiệm giầu cảm xúc và wow đêm di sản thực cảnh hàng đêm của chúng tôi trên biển.

Ngự Thiện Phòng: Bữa ăn của vua triều Nguyễn cầu kỳ như thế nào?

April 20, 2023 By Uncategorized Comments Off

Vua ngày xưa ăn uống như thế nào, thức ăn gồm những món gì, việc nấu nướng ra sao là câu chuyện nhiều người muốn tìm hiểu.

Theo sách Lễ Tết ăn chơi trong cung Nguyễn, vua và gia đình, các buổi yến tiệc trong cung, các buổi cúng tế được phục vụ ẩm thực chu đáo.

Hàng ngày, vua có ba bữa ăn chính gồm ăn sáng lúc 6h30, ăn trưa vào 11h, ăn tối 17h cùng nhiều bữa ăn phụ khác. Yến tiệc trong cung tùy vào quy mô, nhìn chung có nhiều món. Tiệc cúng tế được tổ chức quanh năm.

Hai sở lo chuyện ẩm thực

Ẩm thực trong hoàng cung là vấn đề hệ trọng. Triều Nguyễn tổ chức hai sở chuyên lo việc này. Đó là sở Lý Thiện (đông nhất đến 350 người) và Thượng Thiện được đặt ra từ thời vua Minh Mạng, có ít nhất 50 người chuyên lo việc đi chợ, nấu ăn cho vua và các bà hoàng trong tam cung, lục viện.

Mỗi bữa ăn của vua có 35 món thực phẩm, với đủ các loại của ngon vật lạ. Gạo phải thơm ngon, mềm, trồng ở phía Nam kinh thành Huế, phải chọn những hạt nguyên.

Cơm được nấu trong loại nồi đất đặc biệt, được nghệ nhân vùng Phong Điền làm riêng cho hoàng cung. Mỗi nồi nấu cơm chỉ dùng đúng một lần duy nhất, sau đó đập vỡ. Nước dùng nấu cơm hoặc pha trà cho vua phải lấy từ giếng Hàm Long dưới chân chùa Báo Quốc, hoặc thượng nguồn sông Hương.

Việc nấu các món ngự thiện phải sạch sẽ. Chỉ cần phát hiện trong thức ăn một sợi tóc hay bất cứ thứ gì khác, sở Thượng Thiện sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, chén bát dùng trong hoàng cung cũng phải đặc biệt, có ký hiệu riêng, quan lại và dân thường tuyệt đối không được sử dụng. Trong các bữa ăn, vua dùng đũa cật tre và tăm bông do thợ lành nghề vót.

Mỗi món ăn được để trong một cái vịm buộc lạt, bên ngoài có dán nhãn. Vua muốn ăn món nào thì chỉ cho thị vệ mở ra, nếu thức ăn bị lạnh thì hâm nóng lại. Ngoài ra, các bà hoàng trong cung, vì muốn được vua sủng ái, nên cũng đua nhau làm những món của ngon vật lạ để dâng lên trong các bữa ăn.

Vua ngồi ăn một mình được gọi là “ngài ngự thiện”. Trong bữa ăn, vua sẽ uống rượu do các ngự y ngâm thuốc Bắc. Đây là những loại rượu có tác dụng giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Thức ăn tráng miệng của vua gồm các loại chè, mứt, trái cây do địa phương tiến dâng…

Mỗi bữa ăn của vua có tới 35 món khác nhau, không thể ăn hết. Vua sẽ ban một số món ăn cho các bà hoàng trong cung và cho đại thần để bày tỏ lòng quý mến. Những người được vua “ban thiện”, khi quân lính mang thức ăn tới, sẽ hướng về phía nơi vua ở, quỳ vái năm lần để thể hiện sự biết ơn.

Những hoàng đế có sở thích ăn uống ngoại lệ

Đa phần hoàng đế trong cung triều Nguyễn đều ăn uống rất xa hoa, tốn kém. Tuy nhiên, vẫn có những người ăn uống giản dị, không khác dân thường.

Gia Long – vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn (1802-1945) – có sở thích ăn uống rất đơn giản. Buổi sáng, có khi, nhà vua chỉ ăn bát cháo trắng. Những hôm ra khỏi hoàng cung, đến công trường xây dựng, hay các xưởng đóng tàu, hoàng đế sẽ ăn cơm trong thuyền ngự gồm cơm với một số thịt, cá, rau, quả giống như các quan dưới quyền mình. Hoàng đế Gia Long không dùng rượu.

Duy Tân cũng là vị hoàng đế có chế độ ăn uống đạm bạc. Lúc nhỏ, ông phải sống với mẹ ngoài hoàng cung rất cực khổ. Sau này, khi làm vua, ông bảo thị vệ: “Trước kia, tôi thường dùng hai bát cơm úp lại với nhau và một vài con cá bống kho mặn. Cứ việc cho tôi ăn như rứa (như thế) là đủ rồi”.

Sau nhiều lần khuyên vua nên ăn uống theo các món do Thượng Thiện nấu không có hiệu quả, hoàng cung buộc phải chiều theo ý của nhà vua.

Hoàng đế Duy Tân thường rất ít khi ngồi ăn một mình. Nhà vua thường mời thầy của mình là Mai Khắc Đôn ăn cùng và nghe Nhã nhạc. Sau này, khi có vợ (con thầy Mai Khắc Đôn), hai vợ chồng hoàng đế Duy Tân thường xuyên ngồi ăn cơm với nhau.

Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, người lưu giữ những điều vĩ đại, Hoàng đế Bảo Đại có hai giai đoạn sống trái ngược nhau. Lúc nhỏ, Bảo Đại rất thích ăn những món bình dân của xứ Huế như ruốc kho, các loại mắm, canh cá bống… Sau thời gian du học ở Pháp, cựu hoàng có lối sống phương Tây. Hoàng thượng như Tây ngồi ăn cơm với vợ là Nam Phương hoàng hậu cùng các con. Các vật dụng trong bữa ăn cũng theo kiểu phương Tây, cựu hoàng uống rượu Tây.


Ẩm thực bát trân, tinh tế hoàng gia tại Cần Chánh Điện trên Emperor Cruises Legacy Halong và Emperor Cruises Grandeur Nha Trang

Làm sống lại di sản, các món ngon xứ trầm, biển yến, Emperor Cruises Grandeur Nha Trang hay Emperor Cruises Legend Phu Quốc có hai nhà thiết kế riêng King và Queen, Ngự Thiện Phòng Vương và Hậu với biểu trưng rồng và phượng bằng pháp lam Huế.

Nhà hàng đặc biệt này của du thuyền Hoàng Đế Emperor Cruises Legacy Halong được lấy cảm hứng từ Điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành (Huế), là nơi hoàng đế thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn cho tới tận năm 1945. Nơi đây được trang hoàng bằng những bức họa tuyệt đẹp, vật trang trí cổ bằng gốm sứ. Cần Chánh Điện được thiết kế theo kiểu một điện trong một tòa thành và chỉ dành riêng cho mục đích sử dụng cá nhân của hoàng đế – những người hầu duy nhất được phép vào khu nhà này là các hoạn quan. Cần Chánh Điện cũng là nơi các đời vua tiến hành các nghi lễ ngoại giao yến tiệc hoàng gia vào các ngày 5, 10, 20 và 25 của tháng theo lịch âm. Yến tiệc đóng một vai trò quan trọng trong chính trị, và thể hiện sức mạnh của quốc gia phong kiến trong thời kỳ đó. Trong Chiến tranh Đông Dương (1945-1954), Điện Cần Chánh đã bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1947 và chỉ còn lại nền móng cộng với dấu vết của một số chân cột gỗ bằng đá quý.

Phong cách sống của hoàng đế Bảo Đại là hòa trộn giữa Đông Tây, có nhiều ảnh hưởng của Pháp, coi sự đơn giản là sang trọng và tinh tế và điều này đã gây nguồn cảm hứng để du thuyền Emperor Cruises đưa vào kiến trúc, thiết kế của mình. Chúng tôi đã đặt tên nhà hàng là Cần Chánh Điện Nhà Hàng và nằm bên trái, boong chính khi du khách bước lên du thuyền. Tại đây, du khách sẽ được chào đón với một ly nước Yến chào mừng bởi đội ngũ nhân viên của Emperor Cruises trong không gian hương trầm, chào đơn du khách đến với xứ trầm biển yến

Nhà hàng Cần Chánh được thiết kế với một không gian hoàng gia, vừa là nơi nghỉ ngơi thư giãn vừa là nhà hang. Đây là nơi để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam. Một trong những vật trưng bày quý giá đó là chiếc áo Long Bào của Hoàng Đế khi mặc đại triều, do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục chế nguyên bản. Công việc phục chế này mất rất nhiều năm để hoàn thành và được trưng bày trên du thuyền để du khách chiêm ngưỡng.

Nhà hang Cần Chánh là trái tim của du thuyền Hoàng Đế, nơi để những du khách tinh tế thưởng thức văn hóa Việt nam, lịch sử và nghệ thuật ẩm thực, nơi mà truyền thống Hoàng Gia và di sản kết hợp tạo ra sự sang trọng, lịch lãm.

Phòng lounge với không gian thoáng rộng, là nơi thư giản thoải mãi với những nội thất sang trọng, thanh lịch của những thiết kế năm 30 của thế kỷ trước, rất lý tưởng để thưởng ngoạn cảnh biển. Khi ăn tối ở nhà hàng Cần Chánh, du khách có thể nhìn ngắm những đầu bếp giỏi chuẩn bị các món ăn trong nhà hang mở.

Emperor Cruises đã đưa vào giới thiệu cho du khách về nghệ thuật ẩm thực Việt nam để du khách có thể thưởng thức, và đảm bảo mỗi du khách có những trải nghiệm ẩm thực vượt hơn cả mong đợi ở nhà hàng cao cấp fine dining Cần Chánh Điện. Các món ăn ở đây đươc phục vụ cho các vua chúa ngày xưa trong không gian âm nhạc

Mỗi chuyến tàu ngủ đêm bao gồm bữa trưa, bữa tối và bữa sang muộn. Quý khách có thể thưởng thức tại phòng, sundeck, hầm rượu hoặc bất cứ chỗ nào và bất cứ khi nào.

Với mỗi bữa ăn trên tàu, quý khách được lựa chọn thỏa thích các loại rượu, bia, kể cả rượu manh… tất cả đều đa bao gồm. Quý khách sẽ được trải nghiệm ẩm thực ở một nơi đặc biệt, với những người đặc biệt và có những khoảng khắc đặc biệt.

Theo Nguthien.com

Lux Cruises: Những khởi trình đến chốn thiên đường

April 19, 2023 By Uncategorized Comments Off

Du lịch ngày nay hầu như đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống. Nó luôn mang đến cho du khách những trải nghiệm, cảm xúc về cảnh sắc, con người và Việt Nam đang được thế giới biết đến như một quốc gia xinh đẹp, thanh bình với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp đến khó tả. Đón được những tâm lý đó, Lux Cruises đã mang đến những du thuyền cao cấp, hiện đại để làm mới mẻ và hấp dẫn thêm chặng đường khám phá những vùng đất, vùng trời xinh tươi của Tổ quốc.

Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn – Cát Bà Archipelago

Trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sóng nước để nhìn ngắm non sông, hòa mình vào cái yên ả của bình minh và cảm nhận cái tĩnh lặng của đêm với hơi mát từ dưới dòng nước mênh mang vốn là một điều thú vị.

Khởi nguồn từ rất xưa, người Việt đã có những đêm đi thuyền trên sông trăng sáng đó, để đi lại, mưu sinh, hoặc chỉ để làm dịu lòng sau những rối bời của cuộc sống thường nhật. Ngày nay, lữ khách có nhiều lựa chọn, mà Heritage – Bình Chuẩn là một trong số đó.

Lấy cảm hứng từ ông vua tầu thủy Bạch Thái Bưởi hạ thủy thành công con tàu Bình Chuẩn tại Hải Phòng – người có công lớn trong việc phát triển giao thông đường thủy ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Sau gần một thế kỉ, du khách giờ bước lên tàu như quay ngược thời gian, chạm vào di sản những năm 1930 của thế kỉ trước, chạm vào những tuyệt tác giữa kì quan non nước quê hương. Du thuyền Heritage – Bình Chuẩn vừa đậm phong cách nhà hàng sông nước, vừa giàu tính nghệ thuật, và cũng đầy cá tính trên hải trình khám phá con sông Hồng trữ tình cũng như vùng Vịnh Bắc Bộ xinh đẹp.

Thanh lịch, cổ điển nhưng cũng mang đậm nét hiện đại, thoải mái với dịch vụ hòan hảo dành cho giới trung – thượng lưu. Với thiết kế 20 phòng đều có cửa sổ nhìn ngắm toàn vùng vịnh, hai nhà hàng, hồ bơi bốn mùa độc đáo, hầm rượu, Spa và phòng khách ngoài trời – trong nhà, quầy bar bên hồ bơi, phòng trưng bày nghệ thuật và nhiều tiện nghi cho hoạt động và du ngoạn.

Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn mang trong mình sự kết hợp khéo léo tinh hoa văn hóa bản địa, con người và những nét đẹp hoang sơ riêng của từng vùng miền, cùng với dịch vụ hòan hảo, để tạo nên một chuyến đi kỉ niệm khó phai trên Du Thuyền di sản này.

Emperor Cruises Legacy Halong

Không giống như Du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn , Emperor Cruises Legacy Halong lấy cảm hứng từ những cuộc dạo chơi của vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của Việt Nam, từ cuộc sống xa hoa và tráng lệ của Hòang đế. Kiệt tác này được thiết kế mô phỏng lại không gian thập niên 30, từ văn hóa, lịch sử và ẩm thực Việt Nam, để du khách có những trải nghiệm khó quên. Khi yếu tố lịch sử trong phong cách Hòang gia, hòa quyện với nét hiện đại. Mỗi vị khách đều được phục vụ như một vị vua và hòang hậu, một không gian được chăm chút tỉ mỉ, vừa bình dị ấm áp nhất của đế vương. Ẩm thực cũng mang đậm chất cung đình như “nem công – chả phượng”, nhà hàng trên du thuyền cũng được thiết kế như “ngự thiện phòng” đầy độc đáo.

Trong không gian thơ mộng, kiệt tác của tạo hóa Vịnh Hạ Long, du khách có thể đứng trên boong tàu để order một ly cocktail với màu sắc bắt mắt, hương vị mát lạnh để chiêm ngưỡng, để thấy lòng không còn vương những lo lắng buồn phiền của cõi nhân gian.

Emperor Cruises Legacy Halong cung cấp những dịch vụ trọn gói trong chương trình như dịch vụ massage, đồ uống không giới hạn,… một không gian riêng tư, hiện đại, cao cấp, khác biệt với những lựa chọn khác, những chuyến tàu khác trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Emperor Cruises Origin Nha Trang

Ở một góc nhìn khác, Emperor Cruises – Nha Trang được xây dựng dựa trên cảm hứng Hòang gia, với sức chứa tối đa 50 khách. Du thuyền mang đến cho du khách những trải nghiệm khám phá Vịnh Nha Trang. Làn nước biển xanh trong đặc trưng của miền Trung đất Việt và những gợn sóng nhẹ của vùng vịnh này đủ sức quyến rũ và hài lòng du khách.

Emperor Cruises Origin Nha Trang khiến du khách cảm nhận được sự ấm áp bởi nội thất gỗ sang trọng, sẽ ấn tượng với những bình gốm Bát Tràng nhiều màu sắc, hay thích thú với những câu chuyện hấp dẫn về gia đình Hòang đế Bảo Đại.

Emperor Cruises Origin Nha Trang phục vụ du khách theo hai hành trình trong ngày, tùy theo nhu cầu khám phá hay nghỉ dưỡng của du khách.

Hành trình bắt đầu từ 8 giờ 30 -15 giờ 00, du thuyền sẽ đưa du khách tham quan Vịnh Nha Trang xanh mướt, để đắm mình trong làn nước trong vắt hay lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak hay tắm nắng, đọc sách trên bãi biển. Ẩm thực trên du thuyền Hòang đế là một sự tổng hòa giữa màu sắc, hương vị và cách bài trí, đảm bảo dinh dưỡng. Đặc biệt là những món hải sản tươi ngon kết hợp cùng rượu vang hảo hạng. Hành trình ngày sẽ kết thúc khi hòang hôn sắp buông xuống, đưa quý khách trở về tận nơi lưu trú.

Bên cạnh đó, hành trình tối với tiệc cocktail và ngắm mặt trời lặn từ 17 giờ 00 – 21 giờ 00: Hòang hôn vốn là thời khắc đẹp nhất trong ngày, khoảnh khắc lúc ngày tàn được ngắm nhìn trong không gian mênh mông của biển, đón nhận từng vạt nắng buông xuống mỏng mảnh, cơn gió nồng hương vị biển bên ly cocktail, nghe tiếng violon và tiếng guitar du dương thì còn gì tuyệt hơn.

Du thuyền sẽ chở du khách dọc thành phố biển Nha Trang, từ lúc chiều tà đến khi bóng tối phủ xuống nhường chỗ cho những vì sao thêm lung linh, lấp lánh.

Mỗi du thuyền sẽ mang đến những đặc trưng riêng đầy thú vị, những cung bậc cảm xúc khác nhau cho du khách. Từ những không gian hòai niệm hay hiện đại; từ cung cách phục vụ chuyên nghiệp, tận tình; từ khoảnh khắc ở những vùng miền khác nhau để du khách được đắm say và thoải mái trong chuyến hải trình của mình.

Theo Vietnam Logistic Review

Những điều đặc biệt về vua Bảo Đại!

February 26, 2023 By Blog Comments Off

Bảo Đại là vị vua sống gần với thời đại chúng ta nhất và đây cũng là vị vua Việt có nhiều điểm thú vị. Sau đây xin cung cấp cho bạn đọc một số tìm tòi, lượm lặt chúng tôi phát hiện được và hẳn cũng chưa được đầy đủ hết về đức Thiên tử cuối cùng của nhà Nguyễn:

VUA CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM

Chế độ phong kiến Việt Nam theo phân định của các nhà sử học được bắt đầu từ thời họ Khúc (có quan điểm cho rằng bắt đầu từ sau năm 938 Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng).

Tính từ khi họ Khúc đặt nền móng cho sự tự chủ của nước Việt năm 905 cho đến năm 1945 là năm đánh dấu chế độ phong kiến kết thúc là 1.160 năm. Họ Khúc giành quyền tự chủ trong hòa bình thông qua cải cách của Khúc Hạo, Bảo Đại cũng kết thúc chế độ cũ trong hòa bình. Sự kiện ngày 30 tháng 8 năm 1945 là dấu mốc lớn trong lịch sử dân tộc và cả trong cuộc đời ông vua Bảo Đại: ngày Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Sự kiện đó đánh dấu ông là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và của cả chế độ phong kiến Việt Nam.

“THÀ LÀM DÂN MỘT NƯỚC TỰ DO CÒN HƠN LÀM VUA MỘT NƯỚC NÔ LỆ”

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị tại Huế, trao quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời. Trong buổi lễ này Bảo Đại đã có một câu nói nổi tiếng: “Thà làm dân một nước tự do, còn hơn là làm vua một nước nô lệ” khi tuyên bố thoái vị. Câu nói được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt vì tinh thần hợp tác của Cựu hoàng và cũng là bước ngoặt trong cuộc đời ông khi từ vị trí “Thiên tử” cai trị nhân dân trở thành một công dân bình thường của đất nước tự do: công dân Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

VUA LẤY VỢ ĐA VÙNG MIỀN, ĐA QUỐC GIA

Năm 1933 Bảo Đại lấy Hoàng hậu Nam phương (người miền Nam) và tuyên bố thực hiện giáo lý của đạo Thiên chúa thực hiện chế độ một vợ một chồng. Thực hiện lời hứa được chừng 12 năm, Bảo Đại rơi vào lưới tình của thứ phi Mộng Điệp (miền Bắc). Đến năm 1949 Bảo Đại từ Hồng Kông về nước chấp chính, bà Lê Thị Phi Ánh (người miền Trung) trở thành mối tình thứ ba của ông, sinh cho Bảo Đại hai người con là Hoàng nữ Phương Minh và Hoàng nam Bảo Ân. Ngoài những bà phi chính thức, cuộc đời vị vua đào hoa và ăn chơi Bảo Đại còn có bà Lý Lệ Hà nhưng đã chia tay chứ không chính thức thành phi.

Cựu hoàng Bảo Đại khi ở Trung Quốc trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã được bà Jenny Woong, tức Hoàng Tiểu Lan người Trung Quốc thương yêu và chu cấp cho. Sau này Bảo Đại đưa Hoàng Tiểu Lan về Việt Nam hưởng vinh hoa phú quý.

Trong thời gian sống tại Pháp, cựu hoàng Bảo Đại yêu thêm bà đầm Vicky, bà thứ phi Tây đầu tiên của ông. Vicky sinh cho Bảo Đại một Hoàng nữ là cô Phương Từ. Chia tay Vicky, cựu hoàng lao vào cuộc tình buồn với cô đầm Clément. Sau vụ tai tiếng đó ông kết hôn lần cuối với cô làm nghề dọn phòng Monique Baudot, cuộc tình cuối cùng của ông. Không có một ông vua Việt nào có vợ mang nhiều quốc tịch và ở nhiều miền như Bảo Đại.

VUA KHÔNG NGỒI NGAI VÀNG KHI LÀM VUA

Năm 1925 vua Khải Định mất, Bảo Đại về nước chịu tang cha. Ngày 8 tháng 1 năm 1926 ông lên ngôi vua rồi sang Pháp tiếp tục việc học cho đến năm 1932 mới quay trở lại làm vua cho đến khi thoái vị năm 1945. Đây là ông vua duy nhất làm vua nhưng không ngồi trên ngai vàng của nước mình cai trị mà bận… du học.

VUA DUY NHẤT NHÀ NGUYỄN PHÁ LỆ TỨ BẤT

Từ đời Minh Mạng (1820 – 1840) ông đưa ra lệ Tứ bất (không lập Hoàng hậu, không lập Tể tướng, không lấy Trạng nguyên, không lập Thái tử). Các vua nhà Nguyễn từ đó về sau đều răm rắp thực hiện theo, duy đến đời Bảo Đại thì không. Ngay sau khi lấy bà Nguyễn Hữu Thị Loan, Bảo Đại đã phong bà làm Nam phương Hoàng hậu (hương thơm phương Nam). Bình thường các vua đời trước chỉ sau khi vợ mất mới phong hậu, còn Bảo Đại thì phong hậu cho vợ ngay sau khi cưới. Điều này Bảo Đại thực hiện theo một trong bốn yêu cầu của bà vợ mới cưới. Sinh ra Bảo Long ngày 4 tháng 1 năm 1936 thì ngày 27 tháng 7 năm 1938 Tôn nhân phủ tôn cậu bé làm Đông cung Thái tử, lệ Tứ bất xem ra mất hết hiệu lực.

VUA DUY NHẤT CHỐNG CHUYỆN ĐA THÊ

Lấy Hoàng hậu Nam phương, vua Bảo Đại tuyên bố công khai với đình thần rằng ông chống lại “tục đa thê”. Ngày xưa vua chúa Việt “Tam cung, lục viện” là chuyện rất ư bình thường còn ông thì không. Nhưng nói một đằng mà làm một nẻo. Tình sử với các người đẹp của ông vua này còn nhiều chuyện để bàn.

VUA CÓ PHONG CÁCH TÂY NHẤT

Là ông vua Việt nhưng ở Bảo Đại chất phương Đông của ông vua thuần Việt bị mất mát khá nhiều. Đơn giản một điều là ông được đào tạo ở phương Tây, đi theo lề thói phương Tây. Năm 1922 khi Bảo Đại 10 tuổi đã được Khải Định đưa sang Pháp phó thác cho vợ chồng ông Charles – nguyên Khâm sứ Trung kỳ, giúp đào tạo người kế nghiệp mình theo những lề thói phương Tây. Nhờ đó chất Tây phương thấm đẫm trong máu Bảo Đại.

20 tháng 3 năm 1934 ông kết hôn với bà Nguyễn Hữu Thị Loan. Phong bà làm Hoàng hậu Nam phương. Nam Phương Hoàng hậu trước đây cũng du học tại Pháp, bà là một con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo – tôn giáo phổ biến của phương Tây. Hiếm ông vua Việt nào lấy vợ dị biệt tôn giáo như tín đồ Phật giáo Bảo Đại. Dù vậy Bảo Đại vẫn chấp nhận, các con Bảo Đại gồm Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, Bảo Thăng được sinh ra đều chịu lễ rửa tội của Thiên chúa giáo và đi theo đạo của mẹ. Lễ cưới của vua Bảo Đại phải được sự cho phép của Tòa thánh Vatican. Vua lấy vợ còn phải xin phép là trường hợp đặc biệt của Bảo Đại. Những năm cuối đời tại Pháp, cựu hoàng có ba người vợ Tây. Cuộc sống của ông theo lối sống Pháp chứ không phải Việt Nam. Chơi thể thao ông ưa môn tennis chứ không đơn thuần xem đấu gà hay chơi đầu hồ như các vị tiền bối xưa.

VUA THỌ NHẤT

Trong lịch sử Việt Nam, vua đoản thọ cũng nhiều, vua đắc thọ cũng lắm. Đơn cử có thể kể như vua Trần Nghệ Tông thọ 73 tuổi, Hàm Nghi thọ 71 tuổi. Các ông đều vượt qua cái tuổi mà Đỗ Phủ gọi là “nhân sinh thất thập cổ lai hi” (người sống đến tuổi 70 xưa nay hiếm). Nhưng kỷ lục có tuổi thọ cao nhất trong các vua Việt không ai vượt qua được Bảo Đại.

5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 khi cựu hoàng Bảo Đại trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Val de Grace của Pháp, ông đã bước qua 84 tuổi đời. Nếu không bệnh tật bất đắc kì tử, với thân thể và trí lực còn minh mẫn, ông vẫn còn có thể sống lâu hơn. Bảo Đại cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam chết tại đất khách quê người, nối gót vua Trần Duệ Tông, rồi Hàm Nghi, Duy Tân…

VUA CUỐI CÙNG TIẾN HÀNH CẢI CÁCH

Trong lịch sử nước Việt có nhiều vị vua từng tiến hành cải cách như Hồ Qúy Ly, Lê Thánh Tông, Minh Mạng. Bảo Đại sau khi được đào tạo ở Pháp về cũng tiến hành cải cách. Nhưng “cải cách” chỉ tiến hành được tí ti trong việc lễ nghi theo Âu hóa, thể hiện ở việc không bắt dân chúng quỳ lạy, không được ngó “mặt rồng” như trước. Âu đó cũng là điểm hợp lý. Việc này được tiến hành năm 1932, được ghi rõ trong cuốn sách Những thời kỳ trong đại của nước Việt Nam trong lúc hồi xuân của tác giả Pháp là Henri Le Grauclaude.

CỰU HOÀNG DUY NHẤT LÀM CỐ VẤN

Thông thường các triều đại chuyển giao thì vai trò lịch sử của triều đại cũ cũng kết thúc. Còn Bảo Đại dù không còn làm vua nhưng sau khi thoái vị ông được Chính phủ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn, một chức vụ trong chế độ mới. Chưa có ông vua Việt nào được sung sướng đắc dụng như cựu hoàng Bảo Đại.

VUA VIỆT DUY NHẤT GẶP GIÁO HOÀNG

Điều đặc biệt này diễn ra cũng thật trớ trêu. Vốn dĩ đến cuối đời Bảo Đại được bà Monique Baudot “nâng khăn sửa gối”. Nhưng ông không muốn bà xuất hiện nhiều trước công chúng, không thích mọi người biết bà là vợ ông. Giận dữ với thái độ của chồng, bà Monique Baudot dọa sẽ không chăm sóc ông nữa nếu ông không cho bà gặp Đức Giáo hoàng. Gặp Đức Giáo hoàng đâu phải chuyện dễ, chỉ những người quyền cao chức trọng, có ảnh hưởng lớn mới làm được. Bảo Đại bất đắc dĩ phải gửi thư xin gặp Giáo hoàng John Paul II và ngày 24 tháng 6 năm 1995 ông và vợ được tiếp kiến tại Vatican. Sự kiện này khiến bà Monique rất hãnh diện vì mình thuộc bậc danh giá.

Kinh doanh tử tế, thành công và hạnh phúc

February 14, 2023 By Uncategorized Comments Off

Doanh nhân Phạm Hà: “Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc chính là tinh thần dân tộc

Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, một công ty lữ hành và sở hữu các du thuyền 5 sao, kinh doanh chính đạo cuộc đời và doanh nhân cần đạt được thành công bằng sự tử tế và hạnh phúc.

PV Dân Trí: Ông là thế hệ doanh nhân sinh ra khi đất nước bắt đầu thống nhất. Ông nghĩ gì về sự tự do, trong nghĩa rộng nhất của khái niệm này?

Ông Phạm Hà: Khái niệm tự do không chung định nghĩa và giống nhau giữa các quốc gia, thể chế và mỗi con người. Một số điều về tự do được hiến định như tự do tư tưởng, tôn giáo, đảng phái, biểu tình, hội nhóm, tự do biểu đạt, tự do báo chí… Tuy nhiên trong thực tế những quyền này còn chưa thành luật. Con người phải thượng tôn phát luật thì xã hội mới đạt được sự văn minh.

Tự do là biết quy luật và hành động theo quy luật. Cá nhân tôi cho mình là tự do và hạnh phúc vì được làm điều mình thích và thích điều mình làm, tự hào về điều mình làm. Kinh doanh là chính đạo cuộc đời và doanh nhân cần đạt được thành bằng sự tử tế và hạnh phúc.

PV Dân Trí: Cầm tinh con Mèo, năm mới sắp đến cũng là năm Mèo, Quý Mão, ông nhìn nhận ra sao về sự tinh khôn, lanh lợi của con vật này. Trong kinh doanh, đặc biệt ở môi trường kinh doanh của nước ta, sự tinh nhanh có phải là tố chất cần phải có của người làm kinh doanh?

Ông Phạm Hà: Trong 12 con giáp Việt Nam ta có con mèo, Trung Quốc có con thỏ, nhiều bạn tôi là người Hoa cũng rất nhanh nhạy, linh hoạt uyển chuyển trong cuộc sống và công việc.

Không biết cầm tinh con mèo thì thế nào nhưng tôi luôn cố gắng chính trực, tập trung, linh hoạt, thường xuyên đổi mới sáng tạo. Tôi cũng kiên định, kinh doanh cũng phải có đạo kinh doanh, có tầm nhìn, sứ mệnh giá trị cốt lõi mới dẫn đường tới thành công và hạnh phúc. Tầm nhìn của mình ở đâu thì tương lai ở đó.

Môi trường kinh doanh Việt Nam dần ổn định, có khung pháp lý, tuy nhiên cũng chưa hẳn giống nhau ở các nơi, giữa cấp trung ương và địa phương. Nhiều lĩnh vực chưa có trong luật và còn rất mới như lĩnh vực kinh doanh du thuyền, vật liệu, cảng… quy chuẩn chưa có nên cũng khó cho doanh nghiệp. Những người làm kinh doanh như chúng tôi phải tư duy toàn cầu và hoạt động địa phương sao cho phù hợp.

PV Dân Trí: Những năm qua, nhất là năm 2022, chứng kiến sự vi phạm pháp luật của nhiều doanh nhân. Nhìn thẳng thắn thì họ chắc chắn làm sai luật, tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng ở nước ta ranh giới ĐÚNG – SAI đôi khi không rõ ràng, các văn bản dưới luật cao hơn luật, dẫn đến tình trạng “sai vẫn phải làm”. Bình luận của ông về việc này?

Ông Phạm Hà: Thể chế tạo ra con người, con người nào thì cơ chế ấy, cơ chế do con người tạo ra. Nếu luật không phục vụ lợi ích xã hội mà chỉ phục vụ một nhóm người thì luật không nghiêm và dẫn đến cơ chế “xin-cho”. Đã là luật thì không cần văn bản dưới luật, có lẽ Việt Nam nên thay đổi thực trạng này.

Xã hội chỉ phát triển được khi mọi người làm kinh doanh đều phải thượng tôn pháp luật, đúng luật và luật đúng. Thế hệ doanh nhân như chúng tôi cũng già nửa đời người rồi, lớn lên sau ngày đất nước được thống nhất, được ăn học đàng hoàng và tiếp thu nhiều cái mới, nên chúng tôi luôn mong muốn kinh doanh tử tế, đúng luật. Sai mà không biết sửa, biết luật mà vẫn cố làm sai để vụ lợi thì có quả xấu.

PV Dân Trí: Ông được coi là truyền nhân của vị doanh nhân dân tộc, cụ Bạch Thái Bưởi. Nghiên cứu sâu về cuộc đời cụ khiến ông rút ra được điều gì lớn lao về việc kinh doanh tử tế?

Ông Phạm Hà: Có câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi”, cụ Bạch Thái Bưởi chỉ xếp thứ 4 nhưng lưu danh và học sinh lớp 4 được học về cụ, đạo kinh doanh, thành công và hạnh phúc, để lại nhiều bài học hay về kinh doanh.

Kinh doanh ở cụ chính là “giúp đồng bào”, phụng sự đồng bào, tạo thế và lực cho lớp doanh nhân đủ mạnh, tự tôn dân tộc, mang tầm quốc gia dân tộc, dân quốc phú cường giành độc lập, cạnh tranh sòng phẳng và thắng người Hoa có tiền và người Pháp có quyền hồi đầu thế kỷ 20.

Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc chính là tinh thần dân tộc. Tinh thần quý tộc thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm. Cụ tử tế với chính mình, người nhà, người làm, đồng nghiệp, và đồng bào. Cụ Bạch Thái Bưởi kinh doanh bằng sự tử tế, có tầm nhìn, sứ mệnh cao cả, giao thương hàng hoá và tự do đi lại cho người Việt, lấy khách hàng làm trung tâm, phục vụ từ tâm với chính đồng bào mình. Như vậy triết lý kinh doanh của cụ rất bền vững và trường tồn, xứng đáng để lớp doanh nhân hậu bối ngày nay học hỏi.

PV Dân Trí: Việt Nam chưa giải quyết tận gốc rễ nạn “chặt chém” du khách quốc tế. Thực tế có lần tôi chứng kiến khách nước ngoài vào một quán ăn ở Hà Nội thì chủ nói giá cao hơn hẳn khách bản địa. Hay như lái xe taxi “chém” khách tây tới 500k cho một cuốc xe chỉ 2-3km. Ông có “cao kiến” gì để chấm dứt những hành động làm xấu xí hình ảnh du lịch Việt Nam này?  

Ông Phạm Hà: Khi xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết thì sự tử tế là xa xỉ. Du lịch suy cho cùng là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Khi bị lừa đảo và có trải nghiệm tệ khách sẽ không đến nữa và truyền tai lại cho 12 người khách tiềm năng. Vậy chúng ta có lợi hay có hại? Liệu những người làm du lịch “chặt chém” như vậy có hiểu được thế nào là “lợi bất cập hại” không?

Sự tử tế cũng đến từ giáo dục, nó là máy cái của xã hội, giáo dục Việt Nam thiếu triết lý dân tộc, nhân văn và khai phóng. Con người cần đối xử tốt với đồng bào mình, biết yêu thương bản thân, gia đình cộng đồng, biết yêu thương thấu cảm, chấp nhận sự khác biệt thì mới biết phục vụ người khách, không lừa lọc người khác. Kinh doanh phải cùng thắng lợi mình, lợi nhân viên và lợi khách hàng, cùng nhau “win-win” thì mới bền lâu.

“Chém” ví tiền của du khách được 1 lần sẽ không có lần thứ 2 và mất 12 khách hàng tiềm năng. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh tử tế, mỗi người đều tử tế, xã hội sẽ văn minh và phát triển, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Lux Group tâm niệm kinh doanh bền vững, tuyên bố quyền khách hàng được 100% sự thoả mãn nếu không hoàn tiền. Cả Lux Group chỉ có một ông chủ là khách hàng trả lương, trả thưởng và có thể đuổi việc bất kỳ ai trong công ty.

PV Dân Trí: Có lẽ đến lúc phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội liên quan đến du lịch, chủ trì là Cục Du Lịch Quốc Gia, trực thuộc Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, nhằm thực hiện một chiến dịch, có thể tạm gọi là “làm sạch du lịch”, hiểu theo nghĩa ‘dọn dẹp” những thứ độc hại, “rác rưởi” như “chặt chém” khách quốc tế, cạnh tranh bẩn, kinh doanh thiếu lành mạnh trong ngành lữ hành-du lịch. Theo ông điều này có cần thiết hay không?

Ông Phạm Hà: Việt Nam cần coi du lịch là một ngành kinh tế, có chính sách phát triển bền vững, coi sự thoả mãn của khách hàng làm trọng, đặt họ làm trung tâm. Con người làm du lịch đủ năng lực thái độ, kỹ năng và hiểu biết. Nâng cao truyền thông giáo dục để xã hội nhận thức về kinh tế du lịch và kinh doanh tử tế khách mới đến rồi quay lại, thay vì một đi không trở lại.

PV Dân Trí: Có một thực tế “khổ lắm nói mãi”, là du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh với Thái Lan về sự kinh doanh tử tế, nó xuất phát từ ngay những người dân kinh doanh ăn uống-lưu trú-bán hàng lưu niệm và từ những hành động nhỏ nhất. Chả lẽ người dân nước ta không làm nổi những việc đó hay sao, thưa ông?

Có lẽ Việt Nam nên học Thái Lan cách làm du lịch, toàn dân làm du lịch, tất cả cho du lịch. Làm du lịch bền vững, có bản sắc, khách đến nhiều lần tiêu tiền nhiêu hơn, ai cũng được vui vì hưởng lợi. Thái Lan có chiến lược phục hồi hậu Covid-19, nhưng nước ta thì không. Covid làm chúng ta chậm lại, nên coi đây là cơ hội suy nghĩ lại, định vị lại, xem lại và đi chậm lại nhưng chắc và bền hơn.

Xin cảm ơn ông!

Giá trị kinh doanh cốt lõi và lời hứa thương hiệu

February 8, 2023 By Uncategorized Comments Off

Cốt lõi kinh doanh chúng tôi nêu cao giá trị, hợp tác, tin cậy, luôn sáng tạo, chất lượng, hiệu quả. Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Mỗi điểm đến đều có những bí mật, những câu chuyện, kho báu về ẩm thực, thiên nhiên, văn hoá, nghệ thuật, di sản, lịch sử và con người của vùng đất đó, đấy chính là điểm lôi cuốn du khách tới để tìm tòi, khám phá, tận hưởng, thư giãn, hoà mình vào văn hoá bản địa và thiên nhiên.

1. Chúng tôi Giáo dục Thế Hệ Mới.

Sức khỏe hơn tiền tài. Chúng ta không bao giờ là quá trẻ để tìm hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ. Các hội thảo về dinh dưỡng của chúng tôi dạy trẻ cách ăn uống lành mạnh, đồng thời giữ dinh dưỡng toàn bộ gia đình ngay cả trong kỳ nghỉ du lịch. Chúng tôi kết nối các vị khách của mình với thiên nhiên và thế giới xung quanh từ những con đường đi bộ huyền diệu, những cuộc phiêu lưu leo núi, kinh nghiệm chèo thuyền kayak, khám phá đại dương và các bài học về thảo mộc và thực vật.

2. Chúng tôi tạo cho khách hàng giấc ngủ ngon hơn.

Tầm quan trọng của giấc ngủ không chỉ thể hiện được ở việc khiến tinh thần thoải mái cũng như giảm thiểu quầng thâm mắt mà còn hơn thế nữa. Chúng tôi lựa chọn nệm thủ công, gối và chăn bông hữu cơ, khăn trải giường, các ứng dụng hỗ trợ giấc ngủ, trầm hương và vật dụng khác nữa để đảm bảo quý khách kết thúc một ngày trong giấc ngủ yên bình.

3. Chúng tôi tạo ra các món ăn mang đến sự trải nghiệm, dinh dưỡng và tập trung vào yếu tố sức khỏe.

Ẩm thực là một trong những phương thức tiếp cận sáng tạo của chúng tôi. Đầu bếp cung cấp các thành phần hữu cơ tốt nhất và tạo ra các món ăn có đường thấp và ít natri, và các lựa chọn bột mì chính, không có hóc môn vì sự khỏe mạnh bắt nguồn từ bên trong.

4. Chúng ta đều biết rằng sức khoẻ tối ưu được xây dựng trên kế hoạch và sự cam kết.

Dinh dưỡng, giấc ngủ, di chuyển và các liệu pháp chăm sóc toàn thân cũng như yoga và dưỡng sinh, khí công là một phần trong khối xây dựng sức khỏe toàn diện của du khách trên du thuyền. Và hỗ trợ việc này là sự ra mắt công nghệ thông minh dưới hình thức sàng lọc sức khỏe và phong cách ẩm thực mới kết hợp với chuyên gia để cung cấp các chương trình cá nhân hóa vượt mọi ranh giới và mang lại hiệu quả.

5. Bằng cách kết hợp các chuyên gia sức khỏe uy tín

Phòng Spa, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, ngủ nghỉ, và thuốc bổ sung. Nhóm này đã làm việc song song với du thuyền để tạo ra một cách tiếp cận tích hợp cho việc chăm sóc sức khoẻ.

6. Một hành trình khám phá.

Là những người tiên phong chúng ta khám phá những thực tiễn mới và xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với những phương thuốc truyền thống và hiện đại. Chúng tôi hợp tác với các chuyên gia hàng đầu để cung cấp các chương trình chăm sóc sức khoẻ công nghệ cao và cảm ứng cao. Thành quả là cách tiếp cận từng lớp duy nhất cho sự khỏe mạnh mà chúng tôi gọi là sức khoẻ tiên phong.

7. Chúng tôi tạo ra những kỷ niệm không chỉ đơn thuần là các bữa ăn.

Được lấy cảm hứng từ các món ăn địa phương và có nguồn cung cấp vững vàng, ẩm thực được thiết kế để thu hút những người tìm kiếm một hương vị xa nhà. Thành phần đến từ các vườn nghỉ dưỡng, nông dân địa phương, siêu thị, ngư dân và được phục vụ bởi đầu bếp của chúng tôi và các chủ nhà từ khắp các nơi trên thế giới, biến các bữa ăn thành những khoảnh khắc không thể nào quên.

8. Không chỉ là thực đơn, chúng tôi đem lại trải nghiệm ẩm thực độc đáo,

Không chỉ ăn mà là trải nghiệm ẩm thực. Cảm hứng không bắt đầu và kết thúc bằng một cái tên trong thực đơn, đó là tạo ra những trải nghiệm có khả năng thay đổi và lưu lại trong tâm trí con người mãi mãi.

9. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu.

Cách tiếp cận dịch vụ của chúng tôi bắt đầu với sự đồng cảm và mong muốn hiểu được nhu cầu của khách, dù nhu cầu đó có được phát biểu thành lời hay không. Bởi vì chúng tôi hiểu rằng mọi người bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, cách tiếp cận trực quan của chúng tôi đối với dịch vụ có nghĩa là mọi khách hàng đều nhận được trải nghiệm cá nhân phong phú nhất có thể.

10. Bằng cách làm mới mẻ con người.

Hài hước và mưu mô không phải là yếu tố mà bạn sẽ có thể liên kết được trong các mô hình khách sạn và kinh doanh chăm sóc sức khỏe. Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, chúng tôi là một sự khác biệt độc đáo. Sự tò mò và mong muốn khám phá của chúng tôi cho phép chúng tôi và khách hàng của mình khám phá theo cách không thể dự đoán trước được để kết nối lại từng chuỗi ngày một.

11. Bằng việc đóng vai trò như một phần của kết nối địa phương.

Chúng tôi không xây lâu đài trên đồi. Chúng tôi xây dựng từ lịch sử và văn hoá địa phương. Kiến trúc và thực tiễn xây dựng của chúng tôi theo thiết kế bản địa và sử dụng kiến trúc sư địa phương và thợ thủ công. Thực phẩm của chúng tôi đến từ nông dân địa phương và ngư dân. Kiến thức của chúng tôi về các vùng đánh bắt cá tốt nhất, các điểm lặn, các câu lạc bộ không cố định và tạm thời, các sự kiện và nhà hàng được thành lập trên cơ sở các mối quan hệ địa phương.

12. Bằng cách sống cho hôm nay và lập kế hoạch cho ngày mai.

Trong phát triển, thiết kế và hoạt động hàng ngày của chúng tôi, chúng tôi hành động một cách có trách nhiệm để đo lường và giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự ảnh hưởng đến môi trường, mặc dù quản lý năng lượng, lãng phí nước, đa dạng sinh học, mua sắm và sử dụng hóa chất. Bằng cách ban cho Mẹ Thiên nhiên một lời nói lớn trong mọi việc chúng ta làm, chúng ta bảo vệ tương lai lâu dài song song với sự phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết một vùng vịnh tốt hơn cho người dân sinh sống cũng như cho các du khách đến thăm quan.

13. Nó bắt đầu từ nội tại, từ một niềm tin sẵn có trong việc thôi thúc con người làm việc thiện.

Sinh ra với tư tưởng lạc quan, chúng ta thấy sự tốt lành và tiềm năng cho những điều tốt đẹp hơn trong mọi vấn đề của cuộc sống. Chúng tôi không thể hy vọng chăm sóc cho khách hàng của chúng tôi nếu trước tiên chúng tôi không chăm sóc cho chính người dân và cộng đồng mà chúng tôi thuộc về.

14. Chúng ta giới thiệu lại cho mọi người, những người khác, và thế giới xung quanh họ.

Trong một thế giới như thế, mối liên hệ giữa con người bị ảnh hưởng. Sử dụng trực giác của chúng tôi và áp dụng trực giác này với lòng hiếu khách góp phần loại bỏ những rào cản hàng ngày và để chúng tôi mở rộng liên kết lại với thế giới, thiên nhiên, những người khác và chính chúng ta.

15. Chúng tôi tạo ra một nơi để mọi người kết nối với nhau.

Chúng tôi tạo ra một nơi để mọi người kết nối với nhau. “Kết nối” có thể là cái gì đó thoáng qua và dễ dàng bị lãng quên. Để duy trì kết nối, chúng tôi cố gắng để tạo ra những kỷ niệm. Để được lâu dài sự kết nối này phải độc đáo – không chỉ là một ly cocktail Martini hoàn hảo, mà là khoảnh khắc hoàn hảo. Những cảm xúc mạnh mẽ nhất được xây dựng từ khoảnh khắc khám phá và sẻ chia.