Việt Nam là điểm đến du thuyền thế giới, tại sao không?

December 23, 2022 By Blog Comments Off

Với bờ biển tuyệt đẹp trải dài hơn 3.200km và có nhiều cảnh quan kỳ diệu như vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, vịnh Nha Trang, Việt Nam đủ điều kiện trở thành điểm đến mới của loại hình du lịch bằng du thuyền của thế giới. Nhưng chúng ta cần “khơi thông, nạo vét” nhiều điểm nghẽn của du lịch biển để biến giấc mơ thành hiện thực.

Một gợi ý tốt: du thuyền trên vịnh Lan Hạ

Mục Du lịch của trang tin CNN mới đây đưa ra 18 điểm đến bị đánh giá thấp trên thế giới, trong đó có Đà Lạt và vịnh Lan Hạ của Việt Nam. Đánh giá về Lan Hạ, CNN viết: “Vịnh Hạ Long ở miền Bắc Việt Nam không có gì bí mật cả, nó là tuyến đường thủy được UNESCO công nhận từ lâu (là Di sản Thiên nhiên Thế giới-PV) và trở nên phổ biến với khách ba lô cũng như khách du lịch sang trọng. Nhưng những du khách muốn dạo chơi trên mặt nước ở một nơi vắng vẻ hơn thì nên đến Lan Hạ, phía Nam vịnh Hạ Long. Giống như người anh em nổi tiếng hơn của mình, vịnh Lan Hạ là một quần thể đảo lung linh, được phân chia bởi những dãy núi đá vôi (karst). Thắng cảnh tuyệt đẹp này có thể được chiêm ngưỡng bằng các chuyến đi trong ngày với các phương tiện thủy như kayak, ca nô hoặc qua đêm trên du thuyền…”

Thậm chí, trong thực tế, với những người đã từng có dịp du ngoạn Lan Hạ, vịnh biển còn tương đối hoang sơ và ít khách du lịch (hơn so với vịnh Hạ Long) này xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý hơn nữa. Nằm trên cùng tuyến đường du lịch biển như Hạ Long và cách đó chừng 20km về phía Nam, Lan Hạ có vẻ chỉ mới choàng tỉnh giấc sau giấc ngủ dài. Điều này lại có mặt tốt: vịnh biển được giữ gìn kỹ, mặt biển xănh ngắt ngọc bích, ít rác, cảnh quan được bảo vệ tốt, người dân làm du lịch và khai thác hải sản có ý thức bảo vệ di sản họ được Tạo hóa trao tặng. Cái khó nhất đối với Lan Hạ cũng như những vịnh biển khác ở Đông Bắc Việt Nam, hay Nha Trang ở miền Trung, là bằng mọi giá phải giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên như vốn có, đồng thời phát triển du lịch và tạo sinh kế cho cư dân bản địa.

Tại Lan Hạ, một số hãng du lịch đã đi tiên phong khai thác sản phẩm du lịch biển độc đáo bằng du thuyền. Loại hình này thực ra đã được “người anh em” Hạ Long giới thiệu từ lâu rồi, nhưng Lan Hạ có USP riêng (Unique Selling Point, nôm na là những thế mạnh riêng biệt và độc đáo). Từ năm 2004, tôi đã trải nghiệm chuyến nghỉ đêm trên biển đầu tiên của mình, trên du thuyền bằng sắt có tên Emeraude của một công ty Pháp tên là Apple Tree (sở hữu hãng lữ hành Exotissimo). Thời đó tất nhiên chưa có nhiều tiện ích và điều kiện như bây giờ, và dĩ nhiên cả Facebook, Instagram, Tik Tok nữa. Nhưng khách Tây hồi ấy đã rất thích thú với loại hình du thuyền này.

Trở lại câu chuyện Lan Hạ, du thuyền Heritage Bình Chuẩn thuộc sở hữu của công ty lữ hành Lux Group hiện nay được giới sành du lịch cao cấp quốc tế coi là một “must-try” khi đặt chân đến vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng của Việt Nam. Họ gọi đây là “Heritage Cruises” (du thuyền di sản), là phương tiện tốt nhất để khám phá non nước Lan Hạ với những dịch vụ cao cấp và trải nghiệm có 1-0-2. Thậm chí, ngay giữa mùa dịch “hoang vắng” khi hầu hết ngành du lịch “ngủ đông”, du thuyền này vẫn chạy nhiều nhất tại vịnh Bắc Bộ.

Heritage Bình Chuẩn được ông Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm CEO Lux Group, đưa ra ý tưởng thiết kế từ niềm cảm hứng với vua tàu thủy Việt đầu thế kỷ 20 Bạch Thái Bưởi. Ông Hà muốn viết tiếp câu chuyện kinh doanh đường thủy đầy tinh thần dân tộc của cụ Bưởi, xây dựng một đội du thuyền chạy dọc bờ biển Việt Nam. Ông sinh sau nhà tư sản Bạch Thái Bưởi đúng 100 năm, và trùng hợp là con tàu lấy tên Bình Chuẩn của công ty ông được đưa vào vận hành năm 2019, sau đúng 100 năm cụ Bưởi hạ thủy con tàu Bình Chuẩn chạy tuyến Hải Phòng-Sài Gòn khi xưa, năm 1919.

Theo ông Phạm Hà: “Tất cả các thiết kế trên tàu đều mang phong cách kiến trúc Đông Dương những năm 30 của thế kỷ trước. Dọc hành lang của du thuyền là ngập tràn các bức ảnh về Đông Dương và Việt Nam xưa, tranh của hoạ sĩ Phạm Lực, thiết kế tận dụng ánh sáng tự nhiên tối đa với giếng trời, cầu thang vòm, các cửa sổ nhằm làm nổi bật vẻ hoài niệm về một thời ký ức. Ngoài ra, trên tàu còn trưng bày và giới thiệu những bộ trang phục của người Việt vào thập niên 30 thế kỷ 20, từ trang phục của các vị vua chúa thời xưa cho đến áo dài truyền thống, khiến du khách quốc tế vô cùng thích thú khi lênh đênh trong lòng di sản”.

Đây có lẽ là du thuyền duy nhất Việt Nam treo những bức “triệu đô”, chỉ duy nhất của họa sĩ nổi tiếng Phạm Lực và tất cả đều thuộc bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của ông Phạm Hà với 100 tác phẩm. Du khách bước chân lên tàu sẽ được đón tiếp nồng ấm với “welcome drink”, nghe piano “sống” do một nghệ sĩ Philippines biểu diễn, di quanh tàu ngắm tranh và tận hưởng những bữa ăn ngon khi con tàu chầm chậm lướt qua sóng nước Lan Hạ.

Khơi thông điểm nghẽn

Tại hội thảo Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp” mới diễn ra ngày 9/12 tại Đà Nẵng, lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, du lịch biển đảo nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn năm 2010 – 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.

Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước, theo con số được công bố tại hội thảo. Hiện nay, loại hình du lịch biển đảo vẫn chỉ loanh quanh ven bờ, chưa dám đi xa ra phía ngoài khơi, chưa có đột phá mà chủ yếu làm theo nhau. Nhiều bất cập chưa được giải quyết triệt để, ví dụ các vấn đề bảo vệ môi trường, quy hoạch, công tác xúc tiến, quảng bá…

Một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, chia sẻ quan điểm du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh, là một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh, cần tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các cảng biển dành riêng cho hoạt động du lịch.

Bằng thực tế điều hành của một CEO doanh nghiệp du lịch trực tiếp làm về du lịch biển, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, khẳng định mỗi địa phương có bờ biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP, sáng tạo các trải nghiệm độc đáo, đa dạng để du khách bốn phương có nhiều lựa chọn. Theo ông Hà, các sở Du lịch cần có các chuyên gia am hiểu để chuyên trách cho từng mảng sản phẩm, trong đó có sản phẩm tour biển đảo.

“Mỗi tỉnh cần có cơ quan đầu mối một cửa cho hoạt động cấp phép và tổ chức tours biển đảo mới. Cần đơn giản hóa thủ tục tổ chức tour biển đảo. Hiện nay có quá nhiều đơn vị cấp phép, chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm. Trong các hoạt động kinh tế ban đêm, thời gian từ 18h hôm trước tới 6h sáng hôm sau là khoảng thời gian có thể thu nhiều tiền của khách, cơ quan chức năng nên cho phép doanh nghiệp làm các tour đêm trên vịnh biển, sông hồ, ngoài khung giờ cố định”, ông Hà kiến nghị.

Lux Group (www.luxgroup.vn) có 3 du thuyền đang hoạt động tại vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Lan Hạ. Công ty đang triển khai dự án đóng 10 du thuyền mang thương hiệu Emperor Cruises (www.emperorcruises.com) tại Phú Quốc và chiếc đầu tiên Emperor Cruises Grandeur Phú Quốc với 150 chỗ sẽ hoạt động vào năm 2023. Lux Group với thương hiệu di sản Heritage Cruises (www.heritagecruises.com) có ý tưởng kết nối các miền di sản Hà Nội – Hạ Long ra Vân Đồn hoặc ngược lên thượng du Bắc Kỳ, tới Sông Lô và Sông Đà bằng đường sông và hải trình từ Hạ Long tới Đà Nẵng kết nối các di sản 7 ngày/6 đêm và tiến tới lộ trình chạy ven biển Việt Nam từ vịnh Hạ Long vào cảng Nhà Rồng 12 ngày/11 đêm vào năm 2025.

Thành Trung