VÌ SAO DU LỊCH VIỆT NAM MỞ CỬA SỚM VẪN ĐỨNG “BÉT BẢNG”

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng. Tuy nhiên, Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này. Chúng ta chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách quốc tế và tạo ra tổng thu khoảng 4,5 tỷ đô la. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu và đâu sẽ là giải pháp cho ngành du lịch Việt? Chuyện tối nay hôm nay chúng tôi có mời đến trường quay ông  PHAM HÀ – chủ tịch, CEO Lux Group (www.luxgroup.vn) – Chuyên gia Du lịch và Du Thuyền cao cấp sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

MC: Vừa qua đã có thống kê, Việt Nam chỉ đón có 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 theo Ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Ông Phạm Hà: Nguyên nhân thì có nhiều, chủ quan và khách quan. Phần lớn là do chính chúng ta, chủ quan là chính, khách quốc tế đến Việt Nam chưa dễ dàng và đến rồi chưa vui. Là người làm du lịch lâu năm, tôi không ngạc nhiên vì con số này. Con số 5 triệu khách là con số bốc thuốc khi chúng ta mở cửa du lịch không có tính toán căn cơ và làm thế nào để đạt được, đạt được số đó thì ai làm, ai phục vụ họ khi nhân lực của nhành đã chuyển qua nghành khác hay bỏ nghề vì ít hoặc không có sự hỗ trợ 2 năm Covid.

Tôi không thấy có kế hoạch cụ thể nào từ 15 tháng 3 làm thế nào để DLVN chúng ta đạt được số lượng khách trên, họ là ai, đến từ đâu, có kết nối hàng không dễ dàng, họ mong muốn gì khi đi du lịch Việt Nam, tại sao chọn Việt Nam chúng ta, hành vi tiêu dùng của họ thay đổi như thế nào, và Việt Nam chúng ta có gì cuốn hút và khác biệt, cạnh tranh hơn đối thủ Thái Lan và Malaysia hay không? Khi nào là mùa đi du lịch của họ và sản phẩm du lịch nào phù hợp, điểm đến nào mới với thị trường khách nguồn mục tiêu mà du lịch VN nhắm tới? Hoàn toàn thiếu vắng một chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Các doanh nghiệp cứu mình và tự bơi là chính.

Khi mở cửa du lịch lại sắp vào dịp hè, khi khách nội địa đông thì chúng ta thỏa mãn và cho rằng du lịch đã phục hồi, nhiều cuộc kịch hoạt các địa phương rầm rộ, phần lớn vẫn là ta làm cho ta xem, không có các hoạt động đổi mới nào xúc tiến lớn ở nước ngoài, các cơ chế chính sách không linh hoạt phù hợp với sự thay đổi và cạnh tranh khu vực. Visa là một ví dụ, Thái Lan đã thay đổi thích ứng nhanh chóng tới 7 lần visa, 45 ngày, vào ra nhiều lần và có cả visa 90 ngày cho khách lưu trú lâu hơn. Ngoài ra thiếu vắng một ban chỉ đạo chính phủ phục hồi nghành kinh tế này, du lịch, hàng không, lữ hành. Kết nối hàng không yếu kém, thiếu nhân sự trong nghành, sản phẩm, xúc tiến không có hiệu quả, vì chưa biết làm mới mình và vẫn tư duy cũ và nhiều bộ ban ngành vẫn nghĩ khách ở ngay cửa du lịch biên giới mở cửa là khách đến ngay, ùa vào thăm quan Việt Nam chúng ta.

 

thiếu kịch bản tổng thể cho việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế

 

MC: Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân mà nhiều khách du lịch nước ngoài gặp phải là quá trình làm visa vào Việt Nam mất nhiều thời gian. Vậy điều này có thực sự ảnh hưởng để việc tìm kiếm thị trường khách của các doanh nghiệp không thưa Ông?

Ông Phạm Hà:  Chúng ta đã có nghị quyết 08 và 36 của TW Đảng về DL là ngành kinh tế, và coi kinh tế biển trong đó có DL Biển ưu tiên đầu tiên phát triển, sau 5 năm rồi chúng ta vẫn còn trên giấy, chưa có hành động cụ thể biến nghị quyết thành hành động và du lịch VN còn chưa là nghành kinh tế và quá nhiều nút thắt từ thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, định vị thương hiệu quốc gia, quản lý điểm đến, chuyển đổi số đồng bộ và ứng dụng vào thực tiễn. DLVN chấm dứt được “ước khoảng” mà phải thực tế, thành thật trong thống kê, ra được số liệu chính xác từ SỐ.

DL là liên nghành liên vùng, nhiều khi tiếng nói quá nhỏ bé và nói không ai nghe. Visa là một trong những nút thắt trong thể chế chính sách, nói nhiều rồi, biết rồi khổ lắm nói mãi mà vẫn chưa thay đổi được từ nhiều năm nay. Các nước thực hiện visa rất tốt, linh hoạt và visa vàng thì chúng ta vẫn 15 ngày vào ra một lần, lạc điệu và trì trệ, kém cạnh tranh. Điểm chạm đầu tiên khách thấy chính sách visa VN chưa đột phá, không chào đón họ.

Cần visa 30-45 ngày 6 tháng đến 1 năm cho khách ở lâu hơn và chi tiêu tiền nhiều hơn. Ít nhất VN nên cấp visa du lịch 30 ngày, vào ra nhiều lần. Miễn visa cho các thị trường nguồn như Úc, NZ, các nước Bắc Âu, Mỹ- Canada… ít nhất 65 nước như Thái Lan đang miễn nếu muốn cạnh tranh với họ. Tiến hành cấp visa điện tử nhanh chóng bằng nhiều ngôn ngữ, mở rộng các nước được cấp, đưa Sri Lanka, Ấn Độ, Nam Phi…

 

Visa

 

Các quốc tịch khách được miễn Visa du lịch 15 ngày vào Việt Nam, khi muốn ở dài hơn 30 ngày cũng không được sử dụng 15 ngày miễn trừ và 30 ngày E-Visa, khiến cho khách phải bay qua nước thứ 3 rồi quay lại nhập cảnh mới được áp dụng tiếp E-Visa, khiến cho khách cảm thấy phiền phức, mất tiền, mất thời gian nên họ không lưu trú dài ngày tại Việt Nam, trong khi có những quốc tịch khách có thể lưu trú 2-3 tuần tại các vùng biển đẹp của Việt Nam như khách Đức thì việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng các tour trọn gói có nghỉ biển dài ngày cho đối tượng khách chi trả cao như vậy

MC: Việt Nam chưa có Kế hoạch cấp quốc gia về Phục hồi ngành Du lịch và Khách sạn. Ngoài ra, ngành du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Hà:  Như tôi nói trên, Việt Nam chưa coi trọng du lịch là một nghành kinh tế, thiếu vắng một một nhạc trưởng, MỘT BỘ DU LỊCH trong dài hạn hoặc ít nhất phải có ngay một ban chuyên trách phục hồi nghành du lịch, có kế hoạch phục hồi du lịch nhanh chóng bằng kế hoạch cụ thể từ TW tới địa phương, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để phục hồi, tháo gỡ khó khăn và phát triển du lịch, hành không, khách sạn một cách bền vững, mang tính cạnh tranh cao và mang về USD, đóng góp hơn 10% cho GDP.

Kế hoạch đó phải gỡ được các nút thắt kể trên như thể chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch, quản lý điểm đến, kết nối hàng không, chuyển đổi số. Cần có đối thoại thoại công tư, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp tự lực tự cường còn sống được qua Covid có cơ hội hồi sinh và phát triển được.

Có những nghiên cứu thị trường, định vị thương hiệu, phát triển thị trường mới thay thế, câng cao chất lượng du lịch VN< định vị điểm đến di sản, nhắm khách trung và cao cấp, có khả năng chi trả cao và đến bằng đường hàng không và đường biển còn rất khiêm tốn 2%. Hạ tầng cảng thủy nội địa, tài nguyên ven biển duyên hải cần phải đánh thức, tạo sản phẩm du thuyền Made-in-Vietnam chạy dọc bờ biển và ra các nước trong khu vực và đón khách tàu biển cao cấp đến với các cảng biển và thành phố ven biển Việt Nam.

MC: Theo Ông thì vì sao các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… họ lại là những thị trường du lịch hấp dẫn hơn chúng ta?

Ông Phạm Hà: Đấy là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của DLVN, tài nguyên du lịch, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, con người, di sản ít hơn và kém hơn chúng ta nhưng Thailand trước Covid đón 40 triệu khách, Malaysia đón 30 triệu khách quốc tế.

Chiến lược “SMILE” của Thái Lan được viết tắt từ các chữ S (Bền vững về mọi khía cạnh), M (Nhân lực: Nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động du lịch lên tiêu chuẩn quốc tế), I (Nền kinh tế bao trùm: Đảm bảo tất cả các khu vực kinh tế đều được đưa vào ngành du lịch), L (Bản địa hóa: Thúc đẩy tính độc đáo của các cộng đồng như là điểm thu hút du lịch), và E (Hệ sinh thái: Thúc đẩy du lịch sinh thái và môi trường địa phương).

Họ đi trước và họ chuyên nghiệp hơn chúng ta về mọi mặt, họ có hẳn bộ DL hoặc cơ quan ngang bộ về DL, họ coi DL là một nghành kinh tế, tất cả cho du lịch và vì du lịch. Truly Asia, Amazing Thailand cùng các chiến dịch marketing hiệu quả tăng gấp 2, 3 lượng khách trong thời gian ngắn và lượng khách có chất lượng.

MC: Dưới góc độ doanh nghiệp, hiện nay cái khó nhất và mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là gì thưa Ông?

Ông Phạm Hà:  Phần lớn các doanh nghiệp lữ hành VN đều nhỏ, họ thực sự khát vốn và giải bài toán nhân sự lúc này để phục hồi. Họ cần các thông tin thị trường, sản phẩm mới, xu thế mới hậu Covid, số hóa cho doanh nghiệp của họ như thế nào và từ đâu.

Khi phát triển các thị trường mới cần có hãng hàng không, cty du lịch, khách sạn cùng phát triển, xúc tiến, với sản phẩm cụ thể thì sẽ chiếm lĩnh thị trường nhanh hơn và hiệu quả hơn.

MC: Vậy chúng ta cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho thị trường du lịch quốc tế thưa ông?

Ông Phạm Hà: Về lâu dài nếu chính phủ VN coi DL là nghành kinh tế cần sớm có BỘ DU LỊCH để phát triển du lịch bền vững và đóng góp nhiều hơn cho GDP.

Trước mắt cần có chiến ban trực thuộc chính phủ chuyên trách mảng phục hồi ngành này trong 2 năm, tiếp sức ngành hàng không, khách sạn, lữ hành, khó đâu gỡ đó nhất là cơ chế chính sách như visa. Phát triển hiệu quả quỹ phát triển du lịch mà CP đã cấp mà hiện đang khá rối khi về BỘ VHTTDL, Tổng Cục DL còn là Cục DL trực thuộc.

DLVN cần tập trung vào các thị trường nguồn, khách cao cấp, đột phá về chính sách visa thực sự thân thiện thông thoáng. Nhiều chuyên gia du lịch quốc tế nói với tôi VN có nhiều tiềm năng du lịch hơn cả trong CHÂU Á. VN cần định vị thương hiệu làm mới mình với bộ nhận diện thương hiệu mới, WOW Việt Nam chẳng hạn, wow nature, culture, food and people. Lấy di sản làm thương hiệu quốc gia, đổi mới sáng tạo từ di sản, tạo trải nghiệm mới.

Mở tung các rào cản, tư duy cũ, các vùng biển liên kết được với nhau như Hạ Long với Lan Hạ. Huế với Đà Nẵng…để khách quay trở lại với hạ tầng tốt hơn, thuận tiện hơn, đi lại dễ dàng hơn, vui hơn. Kinh tế ban đêm cần triển khai càng sớm càng tốt từ 6 tối tới 6h sáng mới là thời gian tiêu tiền nhiều nhất của du khách. 3,5 triệu khách mà tiêu bằng 5 triệu khách thì cần gì phải cố đón 5 triệu khách cho điểm đến quá tải, không có người làm du lịch.

DL VN nên định nghĩa lại, tư duy lại, ít mà chất, không nhất thiết phải cố sống cố chết với 5 triệu và thành tích năm này cao hơn năm trước. Hãy lấy khách du lịch làm trung tâm thỏa mãn họ, giầu cảm xúc, nhớ về VN, đi lại nhiều lần, vui vẻ, tiêu tới đồng USD cuối cùng, có lẽ đấy mới là du lịch. DL giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức.

MC: Cảm ơn Ông đã tham gia chương trình!

 

Thực hiện: Thanh Hà