Hãy làm cái mình thích và thích cái mình làm
Đó là lời chia sẻ của anh Phạm Hà – CEO Lux Group xoay quanh chủ đề: “Con đường thực hiện những ước mơ” với các bạn trẻ xuất phát từ kinh nghiệm thực hiện ước mơ của anh. Tạp chí Thanh niên trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung thú vị về cuộc chia sẻ này.
Phóng Viên: Anh giới thiệu đôi chút về bản thân mình? Về doanh nghiệp của mình?
Anh Phạm Hà: Tôi sinh năm 1975, trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Tôi học Khoa tiếng Pháp tại Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó được cử đi học ở bên Pháp. Khi sang Pháp, tôi thấy có cái hay là mình ở quê nghèo sang, được mở mang đầu óc, tư duy. Mà con người quan trọng nhất là tư duy, đó là tài sản lớn nhất ở thế kỷ 21.
Những năm 1995 khi còn là sinh viên, tôi đã vác ba lô đi làm hướng dẫn viên du lịch rồi, lúc đấy là lúc làn sóng khách du lịch đầu tiên họ tới Việt Nam. Việt Nam mở cửa năm 1986 nhưng đến năm 1990-1995 mới có những người khách nước ngoài đến. Khi đi cùng và nói chuyện với khách nước ngoài thì tôi có được sự tự tin hơn, có cảm hứng từ câu chuyện của họ, học hỏi được phong cách và kinh nghiệm sống của người ta. Từ đó niềm tin, đam mê với nghề trong tôi cứ lớn dần lên và được khẳng định hơn. Ra trường, về nước tôi vào làm cho công ty du lịch, kinh qua các vị trí từ: hướng dẫn, bán hàng, sale, điều hành,… Sau 8 năm đi làm thuê, tôi bắt đầu khát khao tạo dựng cho mình một chân trời riêng.
Năm 2004 tôi quyết định khởi nghiệp, thành lập công ty lữ hành đầu tiên, Công ty Luxury Travel – phân khúc lữ hành sang trọng và cao cấp, nhưng chủ yếu vẫn là đi vào thị trường ngách. Lúc đầu vốn khởi nghiệp chỉ có khoảng 1000 USD, bài toán đặt ra là với 1000 đó mình sẽ có nhà để ở hoặc là mình sẽ phải mất cái nhà đó.. Nhân sự lúc đó cũng chỉ có 1 người, 1000 đô, 1 laptop, 1 văn phòng tự mình làm hết mọi công việc. Lúc đấy thị trường du lịch Việt Nam mới bắt đầu phát triển, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Internet xuất hiện. Tôi tận dụng được thế mạnh của Internet để tạo ra những sản phẩm trải nghiệm tốt, phù hợp với đối tượng khách hàng cao cấp của mình. Sau đấy tôi sử dụng các công cụ website, quảng cáo như: google tác dụng trực tiếp đến khách hàng là những người dùng cuối, tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng hơn trong việc trả tiền. Luxury Travel là đơn vị đầu tiên dùng thương mại điện tử để khách hàng ở khắp nơi trên thế giới có thể đạt được trải nghiệm của mình qua Internet. Đấy là những thành công đầu tiên, là đơn vị tiên phong làm du lịch cao cấp và thương mại điện tử. Đó là bước đầu thành công, sau đó tôi bắt đầu phát triển nhiều hơn lượng khách cao cấp, họ đến nhiều hơn nữa, công ty có uy tín cao hơn. Năm năm gần tôi vẫn tập trung vào du lịch trải nghiệm nhưng nhiều hơn là du thuyền. Hiện tại bây giờ công ty đang có du thuyền tại Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng.
Sau 15 năm hoạt động, từ một văn phòng tại Hà Nội dần dần mở được văn phòng tại Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Hạ Long. Ngoài ra còn có các văn phòng đại diện tại các nước phát triển 5 ngôn ngữ tại thị trường mục tiêu của mình tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Ngoài lữ hành thì công ty còn có các du thuyền như Hạ Long, Nha Trang, Hải Phòng.. giải quyết việc làm cho khoảng 250 người với thu nhập ổn định. 15 năm phát triển cũng là một kỳ tích từ gần như một con số không tròn trĩnh đã tạo ra danh tiếng, uy tín hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Châu Á.
Phóng Viên: Anh có thể chia sẻ sâu hơn với các bạn trẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình khởi nghiệp xuất phát từ bản thân anh?
Anh Phạm Hà: Thuận lợi với tôi có lẽ, mình là một trong những đơn vị mà vốn khởi nghiệp không nhiều trong ngành du lịch. Nhưng mình luôn có đam mê, có chút kinh nghiệm và mình học hỏi được ở những người khác, kể cả khách du lịch nước ngoài. Mặt khác, mình chọn được những người thầy tốt để học và gặp được những người bạn cùng ngành giúp đỡ.. Nhận được sự giúp đỡ của những người cùng trí hướng là những anh em trong công ty, cùng trí hướng làm dịch vụ cao cấp mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng và chạm vào cảm xúc của họ. Khi bạn làm kinh doanh bạn phải trở thành người đầu tiên, bạn phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đấy thì sẽ hiểu được khách hàng của mình là ai, họ muốn cái gì. Mình thấu hiểu khách hàng thì mình sẽ có những sản phẩm trải nghiệm phù hợp, đáp ứng gần nhất nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ mua của bạn.
Còn khó khăn, rủi ro thì rất nhiều: Ví dụ như: có những khách hàng họ rất tốt nhưng cũng có khách hàng họ đặt qua Internet nhưng họ không trả tiền hoặc họ không đến hay có khách hàng họ lừa đảo trên Internet,… Để tránh những rủi do mình luôn dạy nhân viên những kỹ năng làm việc với khách nước ngoài, những khách hàng sang trọng dùng những ngôn từ hay cách thức mình giao tiếp văn minh, thân thiện. Phải tạo ra được một đội ngũ nhân viên hiểu biết, phải thuyết phục được những đối tác nước ngoài, khách nước ngoài đến Việt Nam bằng những trải nghiệm mà mình cung cấp cho họ sự khác biệt đáng đồng tiền bát gạo. Họ đến có người đưa đón, mình chọn những nhà hàng, khách sạn cao cấp hơn, xe cộ máy bay phải phù hợp với giờ giấc của khách hàng, đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng vào chuyến đi tới Việt Nam.
Phóng Viên: Hiện nay còn một bộ phận thanh niên đang thiếu những ước mơ, hoài bão? theo anh nguyên nhân từ đâu?
Anh Phạm Hà: Theo tôi có nhiều nguyên nhân, thường thì các bạn gặp khó khăn sẽ cố gắng vượt lên, nỗ lực hơn…nhưng không có nghĩa các bạn có điều kiện thì lười hơn hoặc không có cái gì đó làm động lực. Các bạn trẻ dù thuận lợi hay khó khăn luôn phải biết mục đích sống và phải biết được cái mình muốn là cái gì. Điều này có ảnh hưởng khá nhiều từ giáo dục. Tôi cũng xuất phát từ quê ra thành phố học, rồi được đi học ở nước ngoài, rồi quay về lập nghiệp. Tôi có cảm giác giáo dục Việt Nam! nó nặng về lý thuyết và hơi giáo điều làm mất đi khả năng sáng tạo của con người, hơi bị áp đặt dẫn đến con người không phát huy được hết khả năng và kỹ năng của mình. Tôi thích kiểu giáo dục nó phải dân tộc, thứ 2 nó phải nhân văn, thứ 3 là phải khai phóng. Ba cái yếu tố đấy sẽ tạo ra con người là chính mình và phát huy, khai phóng được những cái tiềm ẩn trong con người bộc lộ ra bên ngoài. Có thể nó sẽ hoàn toàn ngược lại những gì mà trước giờ người ta hay nói. Nhưng rõ ràng người ta biết được, người ta lý giải được, làm được cái điều đấy và người ta được làm cái mình muốn đấy là cái hạnh phúc.
Từ cái hạnh phúc thì sẽ tìm được động lực dù nền tảng của anh thuận lợi hay khó khăn, là nông thôn hay thành phố khi mà tìm được chân lý thì sẽ thấy con đường chính đạo trong cuộc đời cho sự nghiệp của mình.
Phóng Viên: Bản thân anh và Doanh nghiệp của mình đã đồng hành, chắp cánh cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ bằng những hoạt động thiết thực nào?
Anh Phạm Hà: Đây cũng là vấn đề quan tâm rất lớn của tôi cũng như doanh nghiệp. Thứ nhất là, tôi tạo ra môi trường làm việc tốt để các bạn trẻ trong công ty có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Thứ hai, dành ưu tiên cho các bạn sinh viên đến thực tập, cộng tác, giúp các bạn quen với môi trường doanh nghiệp sau đó các bạn ấy thích thì có thể ở lại ngay khi ra trường, đây là một cách tạo nguồn cũng rất là thành công. Khi ở trong trường thì các bạn chỉ có kỹ năng tiếng nước ngoài, khi đi làm thì mình bổ sung cho các bạn kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, bổ sung thêm phần thái độ để hiểu biết về ngành du lịch. Mình thì cũng tổ chức các buổi tranning để đào tạo các bạn.. Thứ ba, thường xuyên dành những xuất học bổng, tặng quà cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi..
Phóng Viên: Lời khuyên của anh với các bạn trẻ xuất phát từ kinh nghiệm thực hiện ước mơ của mình?
Anh Phạm Hà: Thường thì tôi thấy các bạn trẻ bây giờ hay tự thỏa mãn về bản thân, cái tôi lớn quá, quá tự tin về bản thân mình. Ví dụ như chưa ra trường các bạn đã khởi nghiệp ngay, có thể bạn giỏi về chuyên môn nhưng thường yếu về tất cả các kỹ năng quản lý, lãnh đạo.. Kết quả các bạn ấy bị thất bại. Vì vậy tôi khuyên các bạn trẻ hãy làm vì tiền trước, làm thuê đi đã sau đó tìm ra chân lý “Hãy làm cái mình thích và thích cái mình làm”. Hãy là chính mình trước, là người tốt, người tử tế rồi hãy theo đuổi đam mê. Khi mà có đam mê đủ lớn thì nó sẽ thúc đẩy chúng ta thức dậy hàng ngày, kết nối nhiều hơn cũng như trang bị thêm kỹ năng còn thiếu. Mặt khác, cuộc đời là hàm tổng của các lựa chọn, các bạn phải một chọn thầy giỏi mà học, phải chọn bạn để chơi, chọn vợ mà lấy và chọn nghiệp để mình theo, đấy là con đường để đi đến sự hạnh phúc và thành công.
Văn Quảng (thực hiện)