Ông Bạch Thái Bưởi : Một cái gương cho thương giới nước ta
Ông Bạch Thái Bưởi : Một cái gương cho thương giới nước ta – Phạm Hà, CEO LUX GROUP
Sự khách nhau giữa doanh chủ thân hữu và dân tộc chính là tinh thần dân tộc, tôi xin đăng lại bài cũ, gương xưa, một trong bốn tứ đại phú Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Bưởi và cụ Bạch Thái Bưởi (1874-1932) chỉ xếp thứ tư nhưng lưu danh sử sách, nhiều bài học hay về bang tế thế, tinh thần dân tộc, thành công bằng sự tử tế, chính đạo cuộc đời, tinh thần quý tộc Việt thời 1.0 đấy là thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm. Doanh chủ thời 4.0 học ở cụ phẩm chất lãnh đạo kỳ tài, triết lý kinh doanh nhân bản, tinh thần kiên tâm, kiên định và kiên cường vượt nghịch cảnh, trên hết là khát vọng dân quốc phú cường. Học sinh lớp bốn hiện nay được học về cụ Bạch Thái Bưởi.
Người đương thời cụ viết trên báo Ông Bạch Thái Bưởi: Một cái gương cho thương giới nước ta. Tựa đề bài viết của nhà báo Thượng Chi đăng trên Nam Phong Tạp Chí – Một tờ Nguyệt san xuất bản tại Việt Nam từ 07/1917 đến tháng 12/1934 thì đình bản, tóm tắt nội dung nội dung như sau trong bài dài 12 trang có tiêu đề: Chấn chỉnh thương trường – Một cái gương cho thương giới nước ta, bài báo được đăng báo Nam Phong, số 28, từ trang 318, xuất bản năm 1919 tại Hà Nội, người viết xin lược trích và đặt lại tiêu đề và đoạn cuối luận về số 7.
Một cái gương
Câu hỏi của người đương thời đưa ra: “Ông nào đã từng buôn bán mà nên phát đạt, xin cho biết cái yếu thuật của ông làm thế nào mà được như thế?”
Ngày nay thế giới thông đồng, những gương buôn to bán lớn ở thế giới thiếu gì; người mình cũng nên biết cho hiểu cái tinh tế thương nghiệp trong thiên hạ, nhưng mà muốn bắt chước cho bằng người ta thì còn xa lắm, còn khó lắm. Cho nên bàn việc buôn bán mà nói chuyện Âu Mĩ thời tuy có ích về đường học vấn mà chưa được thiết về đường thực sự. Chỉ hiềm ở nước ta bây giờ, những người buôn bán thành công mà đủ làm gương cho người khác thời thật là quá ít.
Phần nhiều người là may gặp cơ hội tốt mà trở nên giàu có, sự giàu có ấy là bởi những duyên cớ ngoài nhiều hơn bởi cái tài cán của riêng mình. Cho nên có người sự nghiệp to mà cái cách lý tài, cách doanh nghiệp chưa đủ mô phạm cho người khác.
Nay xét trong suốt nước Nam ta, gồm cả Bắc Kỳ – Trung Kỳ – Nam Kỳ, duy có ông Bạch Thái Bưởi là sự nghiệp tư cách phảng phất được ít nhiều các nhà phú hào bên Âu Mĩ. Tiếng ông Bạch Thái Bưởi thời quốc dân ta ai là người chẳng biết, dẫu đứa trẻ con cũng biết ông là người buôn bán to nhất trong nước hiện bây giờ. Nhưng chưa mấy người biết rằng đồng bào ta có một người đứng đầu đứng đầu một đội thuyền ngót ba chục chiếc tàu, hiệu cờ phấp phới khắp các ngọn sông Bắc Kỳ.
Chúa sông Bắc Kỳ
Sự nghiệp to nhất của ông Bạch Thái Bưởi bây giờ là Sở Buôn Tàu, nghề chở tàu là một nghề xưa, nghề mình không từng làm, không từng biết bao giờ. Việc vận tải giao thông trên mặt nước chỉ có các phường đò dọc, đò ngang, thuyền mành, thuyền vạn, chở được hai mươi ba mươi khách, mươi mười lăm tấn hàng là cùng chưa gọi là cơ sở một nghề vận tải lớn được. Nghề ấy mười năm về trước chỉ có các hiệu sách và một vài sở tây kinh lý mà thôi. Ông Bưởi xét thế sự giao thông buôn bán ở Bắc Kỳ bèn quyết chí ra cạnh tranh với người Khách (người Hoa).
Việc ông Bưởi khởi thủy buôn tàu thật là một đoạn gian nan nhất, nguy hiểm nhất mà cũng vẻ vang nhất trong sự nghiệp của ông. Bao nhiêu lần cạnh tranh với bọn Khách, lắm lúc đã tưởng đắm đuối không thể nào cứu vớt được nữa, thế mà đứng vững được, thế mà phất lên được, thế mà thắng đoạt được cả, không đầy 10 năm trở nên thịnh vượng như bây giờ, có cái thế bồng bột không biết còn tiến lên đến đâu nữa, thật là một cái gương nghị lực ít có trong thương giới ta vậy.
Bây giờ cơ sở kinh doanh đã vững vàng, cái chí ông còn muốn khuếch trương cho mỗi ngày một to thêm lên. Hiện nay, tàu ông mới chạy các đường sông mà thôi, bây giờ ông muốn có tàu đi bể nữa. Và Ông dùng cách thương thuyết bí mật thế nào mà nhất đán văn tự bán cho ông nhà máy làm tàu và chữa tàu rồi thiên hạ mới biết. Nhà máy Bạch Thái Bưởi là một nhà máy nhất nhì ở tỉnh Hải Phòng. Tuy không sánh với các nhà máy bên Âu Mĩ hoặc bên Nhật Bản được nhưng kể cả máy móc và đồ đùng cũng tiềm tiệm đủ cả. Nhất là cái địa thế thì không đâu bằng.
Vua bể
Ở ngay bên bờ sông Cửa – Cấm, thật là tiện lời cho tàu bè đi lại. Ngày 7 tháng 9 năm 1919 ông làm lễ hạ thủy tàu Bình Chuẩn ở Hải Phòng dùng để chạy các đường men bể Trung Kỳ. Ấy đấy, ông Bưởi không phải là tay kỹ sư, các người giúp việc của ông cũng không ai tốt nghiệp trường kỹ nghệ nào cả thế mà làm thành công như vậy, thật đủ chứng rằng cái tài ứng dụng của người mình không phải là hèn vậy. Không học mà làm được thế, có học thời làm được đến đâu?
Những người tài lực như ông, quả cảm như ông, không có chịu khư khư giữ một nghề, dù nghề ấy to lớn thế nào mặc lòng. Nên trước khi làm nghề tàu, hiện bây giờ và sau này nữa, ông đã từng làm nhiều nghề khác và vẫn còn mưu tính nhiều việc khác. Đó là cầm đồ và thầu thuế chợ ở tỉnh Nam Định, bán hàng cơm tây ở Thanh Hóa, việc lĩnh ti rượu ở Thái Bình. Vốn không làm nghề in bao giờ thế mà ông dám xuất tiền mở nhà in lớn ở Hà Nội tức là nhà Đông Kinh Ấn Quán.
Ấy là những công việc ông đã làm, còn những sự nghiệp ông mưu tính cũng nhiều lắm. Như trước chiến tranh bên Âu Châu, ông tính đặt một nhà máy gạo ở Nam Định. Lại những việc chỉnh trang các thành phố, ông cũng lưu tâm nghiên cứu đã lâu, như việc đặt cống thoát nước bẩn cho tỉnh thành Nam Định, việc đặt máy nước, đèn điện cho tỉnh ấy, toàn những việc nhà nước muốn làm mà chưa có cách làm được. Sau nữa còn một việc ông cũng chú ý đã lâu và định làm nhất là đặt một đường xe lửa nhỏ từ Nam Định ra Hải Phòng qua Thái Bình. Việc này ích lời cho ông thì không mấy vì có đường xe lửa thì tàu ông ít khách đi nhưng ích lợi cho dân nhiều. Như vậy thời dẫu ông tính việc riêng của ông mà thực là mưu việc công ích vậy.
Ấy sự nghiệp ông Bạch Thái Bưởi như thế, lịch sử ông, tâm lý ông, cách ông xuất thân xử sự như thế, tưởng cũng là đủ tỏ ra một bậc nhân tài ít có trong nước Nam ta hiện bây giờ. Chắc chắn sau này có lẽ còn nhiều người kỳ tài kiệt xuất hơn ông nữa, nhưng hiện nay thời ông cũng đã đáng làm một cái gương chung cho cả thương giới nước ta vậy. Ông thật là làm vẻ vang cho giống nòi ta và rửa được cho ta cái tiếng rằng dân nước An Nam không có tư cách làm được sự buôn bán to. Ước gì trong nước được răm người như ông, thì cái vấn đề chấn chỉnh thương trường lo gì mà chẳng giải quyết được.
Số 7 kỳ diệu
Nhiều người Việt chúng ta tin vào phong thuỷ và ý nghĩa của các con số, giờ đẹp, ngày lành, tháng tốt cho những sự kiện quan trọng. Ý nghĩa của số 7, vía nam bảy vía, tuần 7 ngày, đức Phật đi bảy bước, mỗi bước nở ra bảy đài sen, luyện đơn các vị tiên được tiến hành 7*7 =49 ngày, số 7 mang nguồn năng lượng có tính sáng tạo, đột phá, vươn lên không ngừng, khai mở thịnh thế, nhờ vậy mà xã hội ngày càng phát triển, đi lên. Hơn nữa số 7 còn chủ về gia đạo, tình duyên với mỗi con người.
Cụ Bạch Thái Bưởi không thể chọn ngày sinh và chọn ngày mất, trời định cụ sinh và mất đều trong tháng 7, (sinh 8 tháng 7 năm 1874, mất 22 tháng 7 năm 1932) cụ thọ 58 tuổi. Theo ý bà Bạch Quế Hương cháu cụ và tính theo năm sinh được ghi theo huân chương cao quý Bắc Đẩu Bội Tinh mà chính phủ bảo hộ Pháp trao tặng cho cụ nhân ngày quốc khánh Pháp 14 tháng 7 năm 1922, trên đó ghi tặng chủ tàu, nhà buôn Bạch Thái Bưởi sinh 8 tháng 7 năm 1875, tức cụ chỉ thọ 57 tuổi.
Sau 7 năm kinh doanh trên sông nước từ 1909, cụ Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi, sau khi thâu tóm được hãng đóng tàu đầu tiên trên đất Việt Nam là hãng Marty d’Abbadie vào năm 1915.
Hai năm sau, 1917, hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, cụ Bạch Thái Bưởi mua lại sáu chiếc tàu khác của hãng này tại Hải Phòng. Tổng 30 tàu chạy trên 17 tuyến đường thủy hạ lưu sông Hồng từ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng cho đến Việt Trì, Tuyên Quang, Thác Bờ – Hòa Bình vùng thượng du Bắc Kỳ và chạy các tuyến dọc bờ biển Việt Nam. Số 7 thể hiện người tài giỏi và bản lĩnh.
Những con số 7 ý nghĩa khác, số 7 là một số dương, tượng trưng cho sự biến động tích cực mang lại triển vọng tiến bộ, phát triển và vươn lên. Theo ngũ hành thì số 7 thuộc hành Kim, liên quan đến kim khí, công cụ sản xuất kim khí nâng cao năng xuất lao động, ở đây là phát triển đóng tàu, sáng tạo, đột phá, thay đổi toàn diện. Đấy có thể là lý do cụ chọn hạ thủy tàu Bình Chuẩn 7 tháng 9 năm 1919, cập cảng Sài Gòn 17 tháng 9 năm 1920 với sứ mệnh trấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp, tạo thế và lực mới của tầng lớp quý tộc đủ mạnh để canh tân đất nước.
Trộm nghĩ cụ Bưởi đã thực sự chọn những số 7 không phải tình cờ. Hội Hợp Thiện của cụ cũng sáng lập ngày 9 tháng 7 năm 1905, di tích là nhà tang lễ Phùng Hưng ngày nay. Cụ cho phát hành Khai Hoá nhật báo số 1 ngày 15/07/1921, toà soạn và trị sự ở 82 phố Hàng Gai (Hà Nội), phát hành được 1.751 số và đình bản ngày 31 tháng 8 năm 1927. Đây là một trong năm tờ báo phát hành hàng ngày cùng với Thực nghiệp dân báo, Hà Thành ngọ báo, Đông Pháp, Nông-công-thương báo.
Du thuyền di sản Heritage Bình Chuẩn (www.heritagecruises.com) dài 75m, tôi lấy cảm hứng tàu Bình Chuẩn của Bạch Thái Bưởi sau nhiều trì hoãn phần lớn là do khách quan, cũng đã chạy chuyến đầu ngày 17 tháng 8 và chính thức khai trương ngày 7 tháng 9 năm 2019 tại vùng nước lịch Hải Phòng, sau đúng 100 năm tàu Bình Chuẩn hạ thủy. Một tuyệt tác giữa kỳ quan, một câu chuyện di sản văn hóa trên một di sản thiên nhiên, một sự trùng lặp hy hữu hiếm có như thể cụ Bưởi muốn như vậy.