BẠCH THÁI BƯỞI VÀ KHÁT VỌNG “RA BIẾN LỚN”

August 19, 2022 By Blog Comments Off

1.
Theo chị Bạch Quế Hương là cháu hương khói chăm sóc mộ phần thì ông Bạch Thái Bưởi sinh ngày 08/07/1875 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc (nay thuộc phường Yên Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), có lẽ may mắn lớn nhất đối với cậu bé Đỗ Thái Bửu là được làm con nuôi gia đình họ Bạch khá giả, được đi học. Sau 4 năm học tiếng Pháp ở trường tiểu học, ở tuổi 16 Ông đã làm Thư kí cho một hãng buôn nhỏ có chủ là người Pháp ở Hà Nội. Đây là nơi cho Ông những kiến thức đầu tiên về buôn bán kiểu phương Tây.

Năm 1894, Bạch Thái Bưởi chuyển sang làm cho Công ti chuyên nhập khẩu thiết bị máy móc có trụ sở ở phố Tràng Tiền. Nhờ vậy mà năm 1895 Ông được cử sang Pháp tham dự Hội chợ hàng hoá công nghiệp ở Bordeaux. Phải nói rằng đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Bạch Thái Bưởi, bởi trong chuyến đi này Ông được tiếp cận tri thức mới, học được nhiều kinh nghiệm làm ăn của phương Tây. Sau khi trở về nước, Bạch Thái Bưởi nung nấu dự định làm cái gì đó cho riêng mình. Sau nhiều đêm trăn trở, Bạch Thái Bưởi quyết định lập Công ti riêng, làm đại lí thu gom nông sản cho một hãng buôn của chủ Pháp chuyên xuất khẩu nông sản từ Đông Dương sang châu Âu. Đây là một bước ngoặt trong nhận thức của một thanh niên từ làm thuê sang tự làm.
Thời kì đó, để phát triển kinh tế, chính phủ thuộc địa đã có Chính sách hỗ trợ cho những ai mở Công ti làm ăn ở Đông Dương như : miễn thuế thời kì đầu, cho vay vốn, … Nắm bắt cơ hội này, Bạch Thái Bưởi mạnh dạn vay vốn. Theo quan niệm “Buôn có bạn, bán có phường” của người Việt xưa, Bạch Thái Bưởi không ngại ngần làm quen rồi “xin việc” các nhà tư bản tiếng tăm, có thế lực đang làm ăn khắp xứ Đông Dương. Và cơ hội đã đến, Ông trúng thầu cung cấp tà-vẹt cho Công ti Hoả Xa Đông Dương. Trúng gói thầu lớn, con đường kinh doanh của Ông đã thuận lợi hơn. Đây là bước chuyển quan trọng từ tự làm sang làm ăn lớn.

2.
Bạch Thái Bưởi không phải là một trường hợp cá biệt, nhưng ở Ông luôn thể hiện ý chí phấn đấu phi thường, xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc. Ngoài nghị lực và ý chí, Ông còn có phẩm chất đặc biệt khi nhìn ra cơ hội từ những chuyện mà người bình thường không bao giờ thấy. Năm 1909, nhận thấy vận tải đường sông ở Bắc Kì sẽ cho lợi nhuận nên tháng 6/1909, Ông thành lập Hãng Vận chuyển hành khách đường sông Bạch Thái với 3 chiếc tàu thuê lại của hãng Marty. Ông cho vẽ cờ hiệu màu vàng, ở giữa là mỏ neo, bao quanh là 3 ngôi sao tượng trưng cho Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì. Cho đổi tên tàu thành Phi Phượng, Phi Long và Bái Tử Long, thuê lại một số thợ máy, thuỷ thủ từng làm cho Marty để tiết kiệm tiền đào tạo.

Thời gian đầu Bạch Thái lỗ nặng, nguyên nhân là giá vé bằng nhau song tàu của Hãng Bạch Thái bao giờ cũng chạy chậm hơn Tầu Hiệu của chủ tàu Hoa kiều nên hành khách bỏ sang đi Tầu Hiệu. Để bù vào điểm yếu về tốc độ, Bạch Thái giảm giá vé hạng thường xuống 1 hào thì Tầu Hiệu cũng giảm giá xuống 1 hào, giảm xuống 5 xu thì họ cũng giảm xuống 5 xu. Thấy giảm giá vé không hiệu quả, Bạch Thái tìm lái tàu giỏi trả lương cao để có thể cải thiện tốc độ. Kết quả là tốc độ tàu của Hãng Bạch Thái đã nâng lên ngang bằng với Tầu Hiệu, nhưng doanh thu vẫn thấp. Mùa Hè, Tầu Hiệu phát quạt nan cho khách, Hãng Bạch Thái cũng làm tương tự. Khi Hãng Bạch Thái bán vé tháng cho công chức quê Nam Định hay Hải Phòng làm việc tại Hà Nội với giá vé rẻ hơn mua lẻ, Tầu Hiệu cũng bắt chước làm theo.

Biết không thể thắng, Bạch Thái Bưởi quay sang sử dụng chiêu khác. Ông cho đổi tên tàu thành Trưng Trắc và Trưng Nhị, như ngầm ý đi Tầu Hiệu là không ái quốc. Ông còn thuê gánh xẩm ngồi ở các bến hát. Lời lẽ lấy trong ca dao, vui nhộn, hài hước dễ nhớ và lồng vào đó những câu kêu gọi tình đồng tộc, đồng bang. Ví dụ có câu : “Cô kia má đỏ hồng hồng/ Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan/ Đường đi hiểm trở gian nan/ Tàu Bạch Thái Bưởi dọn đàng rước dâu/ Dù cho nước lũ sông sâu/ Ai về Nam Định rủ nhau cùng về…”. Cách này khiến cho Tầu Hiệu dần bị thua, khách sang đi tàu Hãng Bạch Thái nhiều hơn và bắt đầu có lãi, nhờ đó Bạch Thái Bưởi mua đứt 3 chiếc tầu trước đó đã thuê.

Để phát triển, Bạch Thái Bưởi tiếp tục khai thác tinh thần dân tộc, ông nhận sĩ phu phong trào Đông Du là Bùi Như Uyên học ở Nhật vào làm. Ông nhận nuôi con trai thứ hai của nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền là Nguyễn Thượng Khoa, sau đó cho sang Pháp học. Năm 1920, Ông còn nhận học giả Phan Khôi, người mới đi tù vì phản đối Pháp bắt dân đi xâu (đi phục dịch, làm việc không công cho chính quyền) vào làm thư kí. Ông nhờ nhà thơ trẻ tài năng Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác bài hát xẩm để hát trên tàu cho khách nghe…

Năm 1919, Hãng Bạch Thái đã tự đóng và cho hạ thuỷ chiếc tàu biển 600 tấn mang tên Bình Chuẩn, từ cảng Hải Phòng nhổ neo ngày 20/08/1920, cập nhiều bến cảng trên dọc bờ biển của đất nước như Bến Thuỷ (Vinh), Tourane (Đà Nẵng), Quy Nhơn, … và ngày 17/09/1920 đến cảng Sài Gòn. Đây được coi là một sự kiện lớn, biểu tượng cho ý chí làm giàu và sự thành đạt của các doanh nghiệp người Việt thuở đó. Với lòng quả cảm, quyết tranh thương với ngoại bang và biết khai thác sự ủng hộ của đồng bào, Bạch Thái Bưởi đã nhanh chóng thành công với một Đội tàu ngày càng mạnh. Các tuyến đường thuỷ ngày càng mở rộng đến nhiều miền đất mới. Đội tàu mang những tên hiệu gắn với niềm tự hào dân tộc như : Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng, … đã vươn ra các tuyến đường vùng duyên hải, đến cả một số bến cảng lân cận tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, … Câu nói gây ấn tượng nhất của Bạch Thái Bưởi trong gian đoạn kinh doanh vận tải là : “Chiến thắng không hiểm nguy là chiến thắng không vẻ vang !”.


3.
Làm ăn phát đạt trong lĩnh vực vận tải thủy và được người đời xưng tụng là “ông vua đường thủy”, năm 1921, Bạch Thái Bưởi vươn sang khai thác mỏ. Ông mua lại từ người Pháp hai mỏ Ăng-toan và Ca-dip, đầu tư khai thác than, xây dựng tuyến đường sắt chuyên chở than dài 3 km. Rồi Ông mua tiếp mỏ than Bí Chợ và Yên Thọ rộng 1 924 ha và cho làm tuyến đường sắt chuyên chở than ra bến Đá Bạc dài 5,5 km. Cùng thời gian đó, Ông hùn vốn cùng với một chủ mỏ khác khai thác một mỏ than rộng 450 ha. Hàng năm, tổng sản lượng than khai thác của Ông lên tới 9 500 tấn. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, than của Công ti còn được xuất sang Pháp và Nhật Bản.

Trước sự phát triển nhanh chóng của các nhà tư sản Việt Nam, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đưa ra những chính sách thuế gây bất lợi cho các nhà sản xuất và thương mại trong nước. Năm 1926, trước Viện Dân Biểu Bắc Kì, Bạch Thái Bưởi đã trực diện phản ứng lại chính sách thuế của Thống sứ Bắc Kì Robin, khiến ông này lên giọng tuyên bố trước các dân biểu : “Ở đâu có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi !”. Không chấp nhận thái độ hách dịch, coi thường người Việt, Bạch Thái Bưởi đã đanh thép đáp lại : “Ở đâu có Bạch Thái Bưởi, ở đó không có Robin !”. Ông trở thành nhà doanh nghiệp có ảnh hưởng to lớn tới “phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp” của giới doanh nhân nước ta lúc đó.

Với đầu óc thực tế, tầm nhìn xa, Bạch Thái Bưởi còn muốn xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện cho Nam Định, xây dựng đường sắt Nam Định – Hải Phòng, … Thậm chí mong muốn “cải tạo Hà Nội lung linh, hoa lệ như Paris”, nhưng đáng tiếc là một cơn đau tim vào ngày 22/07/1932 đã khiến nhiều dự định lớn lao của Ông trở thành dở dang.

4.
Mặc dù thời bấy giờ chưa phải là nhà tư sản giàu nhất Việt Nam, song điều khiến tên tuổi Bạch Thái Bưởi được tôn vinh đến mai sau chính là bởi trong bối cảnh tối tăm của đất nước hơn trăm năm trước, Ông là người đầu tiên khẳng định vị thế của doanh nhân Việt, góp phần khai sáng, khai trí cho cộng đồng bằng ý chí tự cường, tinh thần dân tộc và khát vọng “giong buồm ra biển lớn”. Và điều đó đặc biệt có ý nghĩa trong thời hội nhập hiện nay.

(Báo Hànộimới online – Ngày 29/01/2020)
Ghi chú: các tài liệu đều nói cụ sinh và mất trong tháng 7, cụ sinh năm 1974, theo huân chương Bắc Đẩu Bộ Tinh hạng hiệp sĩ thì đề năm sinh là 1875.