CHÚA SÔNG BẮC KỲ – VUA TÀU THUỶ

April 4, 2022 By Blog, Tin Tức Comments Off

Tinh thần “Phi thương bất phú” đã giúp cụ Bạch Thái Bưởi (1874-1932) tích lũy kinh nghiệm, ý chí và vốn liếng để hoạt động hiệu quả hơn trên thương trường khắc nghiệt. Và cũng chính từ đây, Bạch Thái Bưởi bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ mà chính cụ và cả người Việt Nam chưa hề nghĩ tới: Nghề vận tải đường sông.

NHỮNG CON TÀU ĐẦU TIÊN

Năm 1909, khi biết tin Marty – chủ một hãng tàu Pháp chuyên chở hàng hóa trên sông Bắc Kỳ – sắp hết hạn hợp đồng với nhà nước bảo hộ Pháp, Bạch Thái Bưởi đã mạnh tay thuê lại ba con tàu của hãng và đổi tên thành Dragon (Phi Long), Phénix (Phi Phượng) và Fai Tsi Long (Bái Tử Long) và mở hai tuyến chở khách đầu tiên cạnh tranh trực tiếp với tàu Pháp và tàu Hoa là Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thủy.

Trong giai đoạn thị trường Vận tải đường thủy Việt Nam thế kỷ 20 độc quyền hoạt động của người Pháp và người Hoa, Bạch Thái Bưởi đã biết cách tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào với khẩu hiệu: “Người Ta đi tàu Ta”. Cụ quan niệm: “Mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ.”

Năm 1912, Bạch Thái Bưởi mở thêm tuyến tàu Hải Phòng, cũng chính là tuyến đường trọng yếu của người Hoa nên đã xảy ra cạnh tranh trực tiếp.

Từ năm 1915 -1919, từ ba chiếc tàu đường Sông thuê lại, ông đã mua lại cả đội thuyền của công ty Marty D’Abbadie và Công ty Deschwanden. Thời gian này, ông cũng mua luôn xưởng sửa chữa tàu của ông Marty giúp khắc phục tình trạng bắt bẻ của người Hoa mỗi khi Bạch Thái Bưởi mang tàu của mình đến sửa chữa.

Ông còn mời chủ tàu người Pháp là ông Deschwanden về làm thuê cho mình và mời ông Nguyễn Văn Phúc – Kỹ sư gốc Ma Rốc về trông nom xưởng tàu cho mình ở Sông Cấm (nay là Tập đoàn công nghiệp Tàu Thủy Việt Nam).

Bạch Thái Bưởi với 30 con tầu xuôi ngược sông hầu ngay đầu thế kỷ cạnh tranh với người Hoa và Pháp và ông đã để lại một di sản của một con nhà tư sản yêu nước đã thành công trên dòng sông Mẹ chở che.

BÊN DÒNG SÔNG TAM BẠC

Năm 1919, Thương hiệu của doanh nghiệp đóng tàu khép kín mang tên Bạch Thái Công Ty Giang Hải Luân Thuyền với lá cờ hiệu màu vàng với hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.

Màu Vàng tượng trưng cho màu da người Việt máu đỏ da vàng, mỏ neo thể hiện lĩnh vực kinh doanh đường thủy và đặc biệt là ba ngôi sao tượng trưng cho ba miền Bắc – Trung – Nam của xứ An Nam, thể hiện ý chí thống nhất quốc gia đã ăn sâu vào tiềm thức con người Bạch Thái Bưởi.

Cơ ngơi đồ sộ của Bạch Thái Công Ty Giang Hải Luân Thuyền nằm bên dòng Tam Bạc cạnh tranh trực tiếp với công ty vận tải thủy của người Pháp và người Hoa. Sông Tam Bạc là nhánh bắt nguồn từ sông Lạch Tray đổ ra sông Cấm. Trong kí ức người dân thành phố Cảng, dòng sông này vừa là nơi cung cấp nguồn sống, vừa là chất riêng của Hải Phòng.

Thế kỷ 19, Tam Bạc trở thành tuyến giao thông đường thủy quan trọng. Triều đình nhà Nguyễn đã đặt Trạm thuế quan thương chính ở làng Lương Quy và An Biên, chính vì vậy sông mới có tên Trạm Bạc sau này đọc thành Tam Bạc. Từ mạch nguồn biểu tượng rất tinh tế Trạm Bạc cần được hiểu là bến thuyền có dòng nước sâu, tĩnh, thanh sạch.

Đầu thế kỷ 20, Tam Bạc không chỉ là phố buôn bán của người Việt, người Hoa mà còn là phố Bến Tàu. Vào thời cực thịnh, sông Tam Bạc đông đúc, ngược xuôi tàu, thuyền với cả rừng cột buồm. Trên bến dưới thuyền náo nhiệt cảnh đi lại bốc xếp hàng hóa, mua bán của các thương nhân và hành khách.

ĐÓNG TÀU BÌNH CHUẨN RA BIỂN LỚN

Ngày 7/9/1919, tại Cửa Cấm (Hải Phòng), con tàu “Bình Chuẩn” do người Việt Nam tự thiết kế, thi công hoàn toàn được hạ thủy và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giới công thương thời kỳ đó. Sự xuất hiện của con tàu khổng lồ do người Việt đóng được xem là tượng trưng cho phong trào “Chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp” của giới tư sản Việt Nam đầu thế kỉ 20.

Cái tên Bình Chuẩn có lẽ bắt nguồn từ một Ty thời nhà Nguyễn do Đặng Huy Trứ đề xuất Bình Chuẩn Ty có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia, giao thương hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Cái tên Bình Chuẩn khái quát được toàn bộ ý nguyện chấn hưng công thương nghiệp của Bạch Thái Bưởi thời bấy giờ.

Vào tháng 11 năm Canh Thân (1920), trong một lần bàn việc với các quan bộ Lại, “Khải Định chính yếu” chép lại lời của vua Khải Định nói với quần thần ngày hôm ấy:

“Xem như việc Bạch Thái Bưởi ở Bắc Kỳ mới chế tạo được chiếc tàu thủy gọi là Bình Chuẩn rất khéo, tốt không thua kém gì công nghệ bên châu Âu. Chiếc tàu này là do tay thợ nổi tiếng Nguyễn Văn Phúc làm ra, cả chủ và thợ đều là người Nam cả.

Ngày 23 tháng 7 vừa qua, khi trẫm tới thăm quý Toàn quyền và thăm quan tàu chiến ở Đà Nẵng thì vừa gặp lúc tàu này cũng vừa cập bến vào cảng nên có may mắn được ngắm xem, quả nhiên tàu ấy là do chủ ta, thợ ta đồng lòng hợp sức mà chế tạo ra.

Nước ta vốn dĩ của ít, thợ vụng, nếu không có Bưởi dám bỏ tiền ra thì đâu có việc cho Phúc thi thố, mà không có tài khéo của Phúc thì tiền của Bưởi cũng thành uổng phí mà thôi. Hai người này đã nêu cao tấm gương về sự tiến bộ, văn minh cho người nước ta mai sau soi vào.

Vậy truyền chuẩn thưởng trao cho Bạch Thái Bưởi hàm Hàn lâm viện Thị độc, Nguyễn Văn Phúc hàm Hàn lâm viện Kiểm thảo để hai người được đội ơn mà càng thêm khích lệ phấn đấu hơn nữa.”

Trong gần 20 năm kinh doanh ngành đường thủy, Bạch Thái Bưởi đã có trong tay đội tàu hùng mạnh với hơn 40 chiếc, chạy trên 17 tuyến đường thủy, tạo công ăn việc làm cho hơn 1400 lao động trên khắp cả nước. Trung bình mỗi năm chuyên chở 5000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng.

Năm 1928, cảm thấy tình hình kinh doanh vận chuyển đường thủy không còn được ưa chuộng khi Pháp mở đường xe lửa ở Đông Dương giúp mang tới một hình thức vận chuyển hiện đại, chi phí thấp và nhanh hơn đường thủy, Bạch Thái Bưởi tìm cách bán lại toàn bộ số tàu thuyền mình có cho Hãng Sauvage của Pháp, rồi thực hiện sứ mệnh khai mỏ tại Uông Bí, tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay).

Tinh thần quý tộc, doanh chủ thành tính đạo nghĩa và trách nhiệm, cụ Bạch Thái Bưởi kết thúc sự nghiệp kinh doanh của chúa sông Bắc Kỳ và Vua Tàu Thuỷ nhưng sự thành đạt mà Bạch Thái Bưởi để lại trở thành niềm tin, khích lệ tinh thần thực nghiệp của giới doanh chủ và doanh nhân Việt Nam xưa và nay.