Dư địa phát triển nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin ở Việt Nam còn lớn

“Doanh nhân Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group: Dư địa phát triển nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin ở Việt Nam còn lớn”

Sau đại dịch Covid-19, tất cả các hoạt động kinh doanh gần như bắt tay lại từ đầu nên có thể xem là cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn bứt phá trong đầu tư; cũng là “mảnh đất màu mỡ” dành cho cả doanh nghiệp khởi nghiệp ở 3 lĩnh vực mà Việt Nam giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển, mang lại sự cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, đó là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin.

Xuyên suốt 17 năm hình thành và phát triển, từ công ty lữ hành Lux Travel đến tập đoàn Lux Group, nhà sáng lập doanh nghiệp này, ông Phạm Hà – Chủ tịch tập đoàn, luôn quan niệm một trong những yếu tố mang lại thành công cho doanh nghiệp chính là nhờ vào nhân lực, con người. Nhân sự có tâm, có tài và có tầm sẽ tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, thái độ phục vụ… từ đó tạo nên giá trị riêng, đủ sức cạnh tranh trên thương trường kinh doanh.

Phóng viên: Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay để tiếp cận lại nguồn khách thì Lux Group đã ở “đỉnh cao” khi công suất phòng du thuyền của mình luôn trong trạng thái được lấp đầy. Vậy đâu là nguyên nhân của sự thành công này, thưa ông?

CEO Phạm Hà:  Đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên ngành kinh tế xanh toàn cầu, không riêng Lux Group mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động du lịch đều gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Hoạt động kinh doanh du lịch đang “lên như diều gặp gió” thì buộc phải dừng lại, đứng khựng và ngủ đông. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là rất lớn, điều này đã được minh chứng. Thuyền càng lớn thì càng bị tác động mạnh. Giai đoạn đó, tôi đã phải đưa ra vô số quyết sách, thay đổi kế hoạch liên tục theo tuần và theo ngày. Covid-19 cũng làm tôi thức tỉnh về những điều được, mất và điều gì là quan trọng nhất. Ngày hôm qua đã là quá khứ. Cần sống cho hôm nay và hy vọng cho ngày mai. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngay cả việc co cụm lại cũng không giúp giữ được doanh nghiệp nên các nhà kinh doanh buộc phải thay đổi. Chúng tôi nhìn lại mình, cấu trúc lại, tạo những sản phẩm tốt hơn cho mùa tới, đào tạo thêm, nâng cao năng lực, kỹ năng, hiểu biết, đặc biệt là thái độ phục vụ khách của nhân viên.

Trước đại dịch chúng tôi khá thụ động. Có tới 99% khách hàng của Lux Group là khách quốc tế đến Việt Nam và chúng tôi ngụp lặn trong vùng an toàn đó khi doanh thu luôn tăng trưởng 30% mỗi năm, làm không hết việc. Dịch bệnh đến đã chặn đứng luồng khách quốc tế buộc chúng tôi phải thay đổi để trở nên linh hoạt hơn, đa năng hơn trong lĩnh vực hoạt động của mình. Chúng tôi nhận thấy một thị trường nội địa với 100 triệu dân, là những người mà chúng tôi hiểu rõ về văn hóa, sở thích du lịch nên việc phục vụ cũng thuận tiện hơn nhiều. Quan trọng, nhu cầu về sử dụng và trải nghiệm dịch vụ cao cấp, sang trọng và khác biệt của khách Việt Nam rất lớn. Chính vì vậy Lux Group tạo ra phòng nội địa và website www.luxurytravel.vn riêng tập trung vào phân khúc trung và cao cấp là du khách sang trọng Việt Nam.

Những trải nghiệm du thuyền như ở Emperor Cruises Nha Trang, Hạ Long hay du thuyền Heritage Bình Chuẩn Cat Ba Archipelago của chúng tôi đáp ứng yêu cầu về tìm tòi, mộng mơ, khám phá, thư giãn… hòa mình vào di sản văn hóa và thiên nhiên đã đáp ứng được xu hướng du lịch của khách sau dịch là trải nghiệm, mang lại cảm xúc. Cũng chính vì điều đó, dù dịch bệnh nhưng du thuyền Heritage Bình Chuẩn, một trong ba du thuyền của Tập đoàn được xem là tàu chạy nhiều chuyến nhất ở vịnh Bắc bộ với 25 chuyến/tháng, phục vụ hơn 7.000 lượt du khách.

Từ khi Covid-19 ập tới, chúng tôi nói chuyện nhiều hơn, cùng bàn thảo để tìm giải pháp. Nếu vẫn chưa tìm ra thì mời chuyên gia về “cùng chụm đầu” tìm cách. Không ai thông minh hơn tất cả chúng ta cộng lại. Lúc khó khăn mới thấy văn hoá doanh nghiệp được phát huy tác dụng ở sự đồng lòng cùng chèo lái công ty ở các cấp bậc, giá trị cốt lõi, tầm nhìn sứ mệnh và sự tin tưởng, giao tiếp nhau cùng vượt khó và dám làm, tự chuyển đổi để thích ứng trong tình hình mới. Đặc biệt, chúng tôi số hóa toàn bộ doanh nghiệp, các quy trình quy chuẩn được thiết lập. Các ý tưởng mới, sản phẩm mới, cách tư duy mới được đưa vào triển khai tạo ra kết quả. Có lẽ chính tư duy dám nghĩ, dám làm, chuyển đổi thích ứng nhanh đã mang lại thành công cho doanh nghiệp và chúng tôi tiếp tục đặt ra mục tiêu, năm 2025, du thuyền Heritage Cruises sẽ chạy dọc bờ biển Việt Nam, tạo sản phẩm mới cho du lịch.

Phóng viên: Như ông chia sẻ, rõ ràng một trong những yếu tố đã mang lại thành công cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua chính là nhờ vào nhân lực, con người. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

CEO Phạm Hà:  Trước khi đến với du lịch, tôi đã từng trải qua rất nhiều công việc khác. Tôi nhận ra rằng, du lịch không chỉ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bản thân mà còn lan tỏa được ra với rất nhiều người, cả đội ngũ 250 nhân viên. Chúng tôi lấy niềm vui của du khách, trải nghiệm và sự thỏa mãn của khách làm mục đích làm mục đích sau cùng trong công việc. Điều này cũng đã được thể hiện xuyên suốt 17 năm qua trong hành trình xây dựng và phát triển với tiêu chí 5P (Passion – Đam mê, Purpose – Mục đích, People – Con người, Planet – Hành tinh, Profit – Lợi nhuận) của doanh nghiệp khi lấy con người là yếu tố then chốt và quan trọng.

Như tôi đã nói, du lịch mang lại niềm vui và hạnh phúc nhưng để đạt được điều đó thì phải làm từ cái tâm, xuất phát từ sự yêu nghề và xem khách hàng là người thân. Tất cả mọi hoạt động từ tư vấn, bán hàng đến thái độ phục vụ… đều lấy khách hàng là trung tâm. Vì lẽ đó, chúng tôi xây dựng đội ngũ nhân sự là những người kể được câu chuyện di sản, trân quý giá trị văn hoá di sản, chuyển tải thông điệp chân thực của Lux Cruises đến khách hàng.

Tôi cũng xác định, làm lãnh đạo cũng là phục vụ. Tôi phục vụ niềm đam mê và hạnh phúc của mình, phục vụ đội ngũ nhân sự doanh nghiệp và phục vụ khách hàng để từ đó mang lại lợi nhuận cho công ty. Vì thế, tất cả chúng tôi đều đồng lòng trong việc đào tạo ra những thế hệ kinh doanh mới mang tinh thần như vậy.

Phóng viên:  Trải qua nhiều công việc ở các lĩnh vực khác nhau, đồng thời sau dịch, mọi thứ cũng gần như bắt đầu lại từ đầu, ông đánh giá thế nào về dư địa để khôi phục và phát triển?

CEO Phạm Hà:  Làm nghề du lịch giúp tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Mỗi nơi có một vẻ đẹp, nền văn hóa khác nhau. Ra nước ngoài nhìn về Việt Nam, tôi nhận thấy 3 lĩnh vực đất nước ta giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển cũng là điểm khác biệt so với các quốc gia trong khu vực. Đó là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin.

Việt Nam cần chú trọng 3 lĩnh vực này và đầu tư nguồn lực với những công viên sáng tạo, những quỹ đầu tư mạo hiểm cùng chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp ít rủi ro hơn, sáng tạo nhiều hơn. Từ đó, tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp với nền kinh tế tri thức và văn hóa sáng tạo.

Phóng viên:  Xin ông nói rõ hơn về dư địa phát triển của các lĩnh vực trên?

CEO Phạm Hà:  Trong thời 4.0, tài nguyên quốc gia là những gì sáng tạo ra, là tài nguyên vô giá về con người. Chúng ta cũng đã nói nhiều đến kinh tế sáng tạo, nền kinh tế sáng tạo. Với Việt Nam là một quốc gia xuất phát từ nước nông nghiệp, khoa học kỹ thuật đi sau các quốc gia tiên tiến. Vì thế, lần nữa khẳng định rằng, nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin sẽ là thế mạnh độc đáo của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước, tạm gọi là “đi tắt đón đầu” để tạo lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển.

Về dư địa, với nông nghiệp, rõ ràng chúng ta là quốc gia có lợi thế cả ở đồng bằng và vùng trung du miền núi. Sản lượng lúa gạo xuất khẩu, kể cả các mặt hàng nông sản cũng tương đối cao. Du lịch cộng với nông nghiệp đã tạo thành sản phẩm du lịch canh nông hấp dẫn và độc đáo. Đây có thể xem là sản phẩm khác biệt so với các quốc gia; đồng thời đóng góp rất lớn cho sự phát triển bền vững khi vừa thúc đẩy phát triển nông nghiệp vừa thúc đẩy phát triển du lịch, tạo ra những trải nghiệm cho du khách.

Hiện nay, chúng ta cũng đã có hạ tầng về công nghệ thông tin phát triển khi mạng lưới 4G, 5G phủ khắp cả nước cùng với đội ngũ nhân sự, nguồn nhân lực có nền tảng công nghệ tốt. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư phần mềm về lĩnh vực công nghệ thông tin về lập trình, sáng lập ngoài việc thúc đẩy sự phát triển thì chúng ta cũng có thể xuất khẩu phần mềm hay tạo ra những sản phẩm sáng tạo. Người được đào tạo về công nghệ thông tin của Việt Nam rất tốt, nền tảng người dân sử dụng internet, hiểu biết về công nghệ rất cao so với các nước trong khu vực thì rõ ràng là những lợi thế mà các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt và có những chiến lược phát triển về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Phóng viên:  Với du lịch, theo ông cần có chiến lược như thế nào?

CEO Phạm Hà:  Cần phải nói thẳng với nhau rằng, du lịch Việt Nam hiện nay đang thiếu một nhạc trưởng. Chúng ta thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài, phát triển manh mún, mạnh ai ấy làm và không bền vững.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển du lịch, Chính phủ cũng đang thực hiện những giải pháp phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Vậy thì, cần nhanh chóng chuyển từ Nghị quyết sang hành động cụ thể. Quan trọng nhất là xác định du lịch là kinh tế, làm ra tiền, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tôi đã nhiều lần đề xuất tái thành lập Bộ Du lịch, trực thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập theo mô hình Thái Lan nhưng không mấy lạc quan.

Tôi rất băn khoăn cho sự phục hồi của các doanh nghiệp du lịch nếu không có những chính sách thực sự hữu hiệu bởi nhân lực du lịch đã chảy máu chất xám và doanh nghiệp cũng cạn kiệt vốn.

Với thực tế hiện nay, xu thế du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe… với thị trường chính là khách nội địa vẫn chiếm ngôi trong vài năm nữa. Phải ít nhất chừng 4 – 5 năm nữa, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới có thể phục hồi như năm 2019. Vì thế, ngay từ bây giờ chúng ta phải có những chính sách phù hợp cho cả thị trường nội địa và quốc tế, nếu không du lịch Việt Nam sẽ tụt về lượng khách so với các nước trong khu vực.

Hiện nay, có 4 vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng và cần cụ thể hóa bằng hành động. Thứ nhất là cơ chế chính sách cho du lịch và vì du lịch; thứ hai là yếu tố con người, nhân lực; thứ ba là sản phẩm du lịch và cuối cùng là xúc tiến du lịch hiệu quả. Trong bốn vấn đề ấy, cần ưu tiên tập trung vào tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kiến tạo cho doanh nghiệp làm những gì mà luật không cấm.

Phóng viên:  Ông có chia sẻ rằng, dư địa phát triển của 3 lĩnh vực trên cũng là mảnh đất màu mỡ dành cho cả doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo quan sát của ông, chính sách khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay như thế nào?

CEO Phạm Hà:  Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ cho các start-up, những doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó tôi vẫn chưa thấy có nhiều sức hấp dẫn cho giới trẻ hoặc đầu tư mạo hiểm bởi vì những lĩnh vực này còn rất mới, thậm chí chưa có quy định nên tính rủi ro cao. Do đó, chúng ta có thể học cách làm của Mỹ, như tạo ra sân chơi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 5 năm đầu không tính thuế để khuyến khích nhiều người khởi nghiệp và có nhiều sáng tạo hơn khi khởi nghiệp.

Việt Nam cũng cần tạo ra những công viên sáng tạo, không gian sáng tạo để tuyển chọn, hiện thực hóa những ý tưởng, dự án hay mà không bị tính thuế trong thời gian đầu, cho đến khi bán được sản phẩm. Cùng với đó, cần có những quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước hỗ trợ phát triển những dự án có tiềm năng, bởi người Việt Nam rất sáng tạo và như tôi nói, dư địa phát triển ba lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin còn rất lớn.

Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với những dự án mang hàm lượng chất xám cao và tính sáng tạo được đầu tư nhiều hơn, chúng ta sẽ tạo được nền kinh tế tri thức và văn hóa sáng tạo. Điều này không chỉ thu hút nhiều người khởi nghiệp hơn mà còn biến Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Phóng viên:  Xin cảm ơn những chia sẻ của ông và chúc Lux Group ngày càng phát triển!

NGUYỄN NAM thực hiện