Hoàng đế Khải Định phong tước cho cho vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi

July 18, 2022 By Blog, Tin Tức Comments Off

Doanh chủ Bạch Thái Bưởi (1874-1932) đáng kính và đáng làm gương trong con mắt hoàng đế Khải Định vị vua thứ 12 triều Nguyễn. Hoàng đế Khải Định đặc biệt phấn khởi với chiếc tàu thủy do Bạch Thái Bưởi đầu tư với chất lượng không thua kém tàu thủy Châu Âu. Nước Nam vốn kém trong ngành “máy móc kỹ thuật”, vì thế hoàng đế nước Annam đã phong hàm tước cho cụ Bưởi để nêu gương và khích lệ.

Vào cuối thế kỷ 20, khi nhắc đến những người giàu có nhất của đất Việt, người dân thường truyền miệng nhau câu nói “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi”. Nhân vật thứ tư được nhắc đến trong câu nói này là Doanh nhân Bạch Thái Bưởi, tuy đứng cuối cùng trong bốn người Việt Nam giàu nhất, nhưng Bạch Thái Bưởi luôn được người dân, các học giả, các nhà sử học, thậm chí là được hoàng đế Khải Định ngợi khen.

Năm Kỷ Mùi (1919), nhân chuyến ngự giá ra Bắc, hoàng đế Khải Định đã được nghe tiếng về Công ty Bạch Thái. Trong buổi họp triều, hoàng đế Khải Định đã bàn với quần thần về công ty của ông. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 4, điều 442 còn ghi chép lại như sau: “Trẫm Bắc tuần thấy thành phố Hà Nội chỉ có hai công ty Bạch Thái và Nam Sinh đáng gọi là buôn bán lớn, ngoài ra cũng nhiều người nghèo khổ, việc sinh sống lại không bằng Trung Kỳ phần đông đều được bình thường”.

Lại trong một buổi thiết triều khác trong Tử Cấm Thành, Huế vào giữa tháng 11 năm 1920, hoàng đế Khải Định đã phê thượng thư Bộ Lại (tươnh tự Bộ Nội Vụ ngày nay), Sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 6, có viết: “Các nước khác sở dĩ trở nên giàu có, hùng mạnh đều là nhờ họ có được nhân tài để phát minh ra những máy móc tinh xảo, văn minh. Nước ta thì thuần chất quá, ít kiến thức, việc gì cũng chỉ làm theo sau các nước. Trẫm luôn coi đó là một mối lo ngại sâu sắc. May nhờ được quý bảo hộ dẫn dắt nên tình trạng dân ta cũng khá lên được một hai phần, trẫm rất lấy làm mừng, đáng nêu khen thưởng để khuyến khích.

Xem như việc Bạch Thái Bưởi ở Bắc Kỳ mới chế tạo được chiếc tàu thủy gọi là Bình Chuẩn rất khéo, tốt không thua kém gì công nghệ bên Châu Âu. Chiếc tàu này là do tay thợ nổi tiếng Nguyễn Văn Phúc làm ra, cả chủ và thợ đều là người Nam ta cả. Ngày 23 tháng 7 vừa qua, khi trẫm tới thăm Quý Toàn quyền và tham quan tàu chiến ở Đà Nẵng thì vừa gặp lúc tàu này cũng vừa cập bến vào cảng nên có may mắn được ngắm xem, quả nhiên tàu ấy là do chủ ta, thợ ta đồng lòng hợp sức mà chế tạo ra.

Nước ta vốn dĩ của ít thợ vụng. Nếu không có Bưởi dám bỏ tiền của ra thì đâu có việc cho Phúc thi thố, mà không có tài khéo của Phúc thì tiền của Bưởi cũng thành uổng phí mà thôi. Hai người này đã nêu cao tấm gương về sự tiến bộ văn minh cho người nước ta mai sau soi vào. Vậy truyền chuẩn thưởng cho Bạch Thái Bưởi hàm Thị độc Hàn Lâm viện, Nguyễn Văn Phúc hàm Kiểm thảo Hàn Lâm viện, để hai người được đội ơn mà càng thêm khích lệ phấn đấu hơn”.

Việc Bạch Thái Bưởi được vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn ban hàm Thị độc Hàn Lâm viện, cũng được sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 5, điều 640 chép rằng: “Tháng 11, chuẩn thưởng cho người Bắc Kỳ là Bạch Thái Bưởi hàm Thị độc Hàn Lâm viện, Nguyễn Văn Phúc hàm Kiểm thảo Hàn Lâm viện vì chế tạo được tàu máy Bình Chuẩn (tên tàu). Chủ tàu là Bạch Thái Bưởi tự xuất tiền bạc cùng thợ dưới tàu là Văn Phúc vận dụng trí tuệ chế ra chiếc tàu máy mới, so với tài khéo của người Âu xem ra không thua kém bao nhiêu. Lúc đầu, hoàng đế ngự giá tới Đà Nẵng ngự lãm chiến thuyền, gặp lúc tàu của Bạch Thái Bưởi neo ở vụng Sơn Trà, hoàng đế nhân xuống xem, nên đặc biệt khen thưởng ban cho hàm ấy để tỏ ý khuyến khích”.

Con tàu Bình Chuẩn được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Con tàu này dài 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực, vận tốc trung bình 8 hải lý/h, được hạ thủy vào ngày 7 tháng 9 năm 1919 tại Cửa Cấm (Hải Phòng). Tàu Bình Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng vào ngày 20 tháng 8 và cập bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn ngày 17 tháng 9 năm 1920 trong sự hân hoan chào đón của giới công thương Nam Kỳ, tàu An Nam đầu tiên cập cảng Sải Gòn sau 27 ngày chạy ven biển Việt Nam.

Không chỉ nổi tiếng là doanh nhân giàu có, gia đình Bạch Thái Bưởi còn rất siêng năng làm từ thiện. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, quyển 4, điều 632 cho biết: “Ngày 21, hoàng đế coi triều. Thượng thư Bộ Lại kiêm Bộ Hộ Nguyễn Hữu Bài tâu: “Khánh Hòa bị bão, nhà bị tốc mái rất nhiều, Thanh Hóa cũng bị lụt lớn, các phủ huyện đều bị tổn hại mà Thiệu Hóa là nặng nhất…

Hoàng đế nói: “Quảng Nam thế nào?”. Nguyễn Hữu Bài tâu: “Quảng Nam chỉ có Tiên Phước đói lớn, duyên do là vì hạt ấy trước nay chỉ dựa vào mối lợi lớn của trà và quế. Nay những sản vật ấy không bán được, không có gì tư cấp nên như thế”. Hoàng đế nói: “tiền quyên góp ở Quảng Nam hiện còn 3.000 đồng, cùng số nguyên trích 5.000 đồng và mẹ Bạch Thái Bưởi quyên 1.000 đồng, nên lập tức tư cho tỉnh ấy mau lẹ tiến hành cấp phát”.

Cụ Bạch Thái Bưởi là một quý tộc Việt lưu danh sử sách về sự thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm. Cạnh tranh đến thắng doanh chủ người Hoa và người Pháp trên đất Việt Nam, mục đích kinh doanh lớn hơn cả lợi nhuận đó là dân quốc phú cường giành độc lập. Đây là doanh chủ duy nhất trong lịch sử Việt Nam được cả hai hoàng đế triều Nguyễn khen ngợi: hoàng đế Khải Định phong tước và Hoàng Đế Bảo Đại sắc khen vì cứu đói lũ lụt Trung Kỳ, cụ được mẫu Quốc Pháp trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh ngày 8 tháng 7 năm 1922, Nhà nước Việt Nam truy tặng doanh chủ tiêu biểu nhân ngày doanh nhân Việt Nam ngày 13 tháng 10. Sau cuối và trên hết cụ Bạch Thái Bưởi là doanh chủ dân tộc thời 1.0 được yêu mến nhất trong lòng người Việt Nam.

Bài viết của ông Phạm Hà, Chủ Tịch kiêm CEO Lux Group www.luxgroup.vn, sáng lập Du Thuyền Heritage Bình Chuẩn www.heritagecruises.com