Gỡ nút thắt cho ngành du lịch

Theo đánh giá của ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group (www.luxgroup.vn), mở cửa sớm nhưng chậm chạp trong việc thay đổi là điều khiến du lịch Việt Nam để tuột mất nhiều cơ hội.

PV: Đâu là những nút thắt làm cản trở sự hồi phục của du khách quốc tế đến Việt Nam ở thời điểm hiện nay, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Mặc dù đã mạnh dạn mở cửa sớm hơn nhưng du lịch Việt nam đã không thể nhanh chóng nắm bắt được cơ hội để có thể hồi phục so với các nước trong khu vực thực hiện chính sách mở cửa muộn hơn.

Chính sách của ta quá chậm so với các nước mà nổi bật trong đó là sự dậm chân tại chỗ về chính sách thị thực (visa) trong khi các nước đã thay đổi liên tục trong suốt hơn 2 năm qua nhằm đáp ứng được nhu cầu của du khách để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Từ khi Covid-19 xảy ra, Thái Lan đã điều chỉnh chính sách visa tới 7 lần. Nước này miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia, thời gian miễn kéo dài từ 30 đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. Điểm mấu chốt là các thành phần trong trong hệ sinh thái, từ các cơ quan nhà nước cho đến địa phương và doanh nghiệp đều hành động nhanh để thích ứng với sự thay đổi.

Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho một số nước hạn chế; thời hạn cũng chỉ kéo dài 15 ngày thay vì 30 ngày như trước đây. Đó là một trong các nút thắt quan trọng để du khách quốc tế thấy Việt Nam không chào đón họ.

Việc kết nối hàng không chậm chạp cũng là một nút cản khác. Các sản phẩm còn thiếu và thông tin truyền thông tới du khách cũng chưa được nhất quán.

Quan trọng nhất, Việt Nam rất chậm trong việc định hình chân dung khách hàng mục tiêu. Họ là ai, đến từ đâu, cần gì và muốn gì thì không tính toán được. Bao năm nay, du lịch Việt Nam vẫn đang khá chủ quan và kinh doanh phụ thuộc vào lượng khách đại trà, tiêu biểu là Trung Quốc và Nga. Ta vẫn chưa thay đổi để thích ứng, vẫn đang coi trọng số lượng hơn chất lượng. Kể cả con số 5 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm nay cũng mang tính chất “bốc thuốc” mà không có căn cứ, không có kế hoạch hành động.

PV: Vậy theo quan sát của ông là một người chuyên phục vụ khách quốc tế cao cấp, từ tháng 3/2022, ngành du lịch đã kết nối với nhau để đưa ra các kế hoạch và hành động cụ thể trong việc thu hút du khách các nước hay chưa?

Ông Phạm Hà: Từ khi Việt Nam mở cửa, một số chương trình hành động để kích cầu du lịch hậu Covid đã được triển khai nhưng đa phần đến vỗ tay rồi đi về. Sau các chương trình, thấy lượng khách nội địa tăng rất tốt, từ đó ngành du lịch “tự sướng”, thoả mãn với số lượt khách đạt được nhưng doanh thu đang rất thấp.

Rõ ràng, khách nội địa không thể nào thay thế cho khách quốc tế. Ngành du lịch muốn bền vững cần đảm bảo song song hai mảng khách để giải quyết được bài toán du lịch mùa vụ, đảm bảo nguồn khách và doanh thu cho các địa phương.

Cần thành thật với nhau là từ khi Việt Nam mở cửa thì gần như không có chiến lược phục hồi và phát triển từ ngắn, trung cho đến dài hạn. Từ khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn từ giữa tháng 3/2022, chúng ta đã không tập trung vào nhóm du khách sẽ đến Việt Nam vào mùa hè là Tây Âu, đã không xác định được thị trường nào trong số 8 thị trường nguồn sẽ đến Việt Nam ngay sau Covid để từ đó có các chính sách và mục tiêu phù hợp cho từng đối tượng. Hầu như không có hoạt động gì đáng chú ý trong năm 2022.

Vì thiếu hẳn một chiến lược phục hồi mà mỗi người chạy một kiểu, doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình là chính.

PV: Có thể hiểu là nhìn vào bên trong, ta thấy được sự thụ động của ngành du lịch Việt. Vậy còn nhìn ra bên ngoài, nhu cầu của du khách quốc tế đối với điểm đến Việt Nam so với các điểm đến khác như Thái Lan hay Singapore thì sao?

Ông Phạm Hà: Các nước mở cửa sau ta nhưng có chính sách trọng tâm, trọng điểm nên phục hồi nhanh hơn. Trước Covid-19, Thái Lan đón khoảng 40 triệu khách/năm. Ngay sau khi mở cửa, du lịch nước này đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế chỉ trong tháng 11/2022 với tổng thu 14 tỷ USD nhờ các chính sách hấp dẫn và cạnh tranh khốc liệt với các thị trường trong khu vực.

Họ coi du lịch là ngành kinh tế thực sự nên các doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ trong suốt mùa dịch. Việc kết nối hàng không cũng rất tốt vì có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên. Các bên nhanh chóng cập nhật các xu hướng mới, đặc biệt là về insight (thấu hiểu) khách hàng để từ đó có các điều chỉnh và đồng thuận về chính sách để thu hút du khách.

Nhu cầu của khách quốc tế đối với điểm đến Việt Nam là rất lớn. Trong đó, Việt Nam cùng với Campuchia và Sri Lanka được khách Tây Âu ưa thích.

PV: Như ông nói, du lịch của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc và Nga. Chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra cũng như câu chuyện Trung Quốc đóng cửa du lịch dường như đã ảnh hưởng quá lớn đến du lịch của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, liệu ta có thể tìm nguồn khách nào thay thế được? Ấn Độ là một cái tên được nhắc đến khá nhiều gần đây nhưng có vẻ cũng đang khá chậm?

Ông Phạm Hà: Rõ ràng, việc tập trung vào 1-2 nguồn khách là không bền vững, chưa kể đến các yếu tố ảnh hưởng đến tính bền vững khác như điểm đến, môi trường, các dự án bất động sản du lịch mọc lên làm mất tính tự nhiên và thậm chí “đuổi khách” quốc tế, thiếu tính tạo cảm xúc cho du khách…

Nếu nói về các yếu tố bên ngoài thì Thái lan cũng bị ảnh hưởng như Việt Nam bởi khách Trung Quốc đến Thái rất nhiều. Điều đáng nói là họ đã phục hồi nhanh bằng cách thay đổi để thích ứng. Họ tập trung vào các thị trường có thể chuyển đổi và phục hồi nhanh như Anh quốc.

Khách Ấn Độ cũng là một giải pháp nhưng họ chưa đến nhiều do ta chưa nghiên cứu được hành vi và nhu cầu của du khách. Đó là một câu chuyện lớn. Du khách Ấn Độ không thể thay thế Trung Quốc và cũng không hề “dễ ăn”. Để thu hút được họ, cần có các sản phẩm du lịch và trải nghiệm đặc thù và chính người làm du lịch cũng cần biết cách tư duy như người Ấn.

PV: Vậy việc nghiên cứu để có thể thấu hiểu nhu cầu, khẩu vị của khách hàng để có thể mang lại trải nghiệm khác biệt cho từng đối tượng sẽ thuộc về trách nhiệm của ai, thưa ông?

Ông Phạm Hà: Trong khi các thị trường khác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để nghiên cứu và thấu hiểu khách hàng để đánh trúng và đúng nhu cầu của khách thì đó vẫn là một vấn đề ‘thâm căn cố đế” của du lịch Việt Nam, dẫn đến việc các chiến dịch marketing chưa mang lại hiệu quả.

Phần lớn doanh nghiệp tự làm tự cứu mình là chính mà không có thông tin nghiên cứu, khảo sát có quy mô từ các cơ quan Nhà nước. Các thấu hiểu này mới là thứ giúp các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đưa ra được các quyết sách phù hợp.

Du lịch Việt Nam đang thiếu nhạc trưởng đánh bản nhạc hay là chỗ đó. Các cơ quan như Tổng cục du lịch cũng trực thuộc Bộ Thể thao, văn hoá và du lịch cũng đang hoạt động mờ nhạt trong Bộ nên gần đây nhất là các chính sách để “giải cứu” hoặc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khi mới bước qua khủng hoảng gần như không có nếu so với các lĩnh vực khác.

Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã được 5 năm; Nghị quyết 36 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển trong đó có du lịch biển, đóng góp 10% GDP cả nước cũng đã được 4 năm nhưng chưa có kế hoạch hành động gì cụ thể để đưa vào cuộc sống.

Đâu đó có nhiều nghị quyết, lời lẽ rất mạnh nhưng kế hoạch triển khai cụ thể và năng lực triển khai đang yếu và kém. Chúng ta cần sự triển khai đồng bộ, có thể kết hợp công – tư.

PV: Qua các đợt đi xúc tiến du lịch thời gian qua, ông có cảm nhận và đánh giá như thế nào về triển vọng và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong năm tới?

Ông Phạm Hà: Các nghiên cứu cho thấy độ phục hồi năm 2022 đã được khoảng 50% và có thể đạt 75-80% trong năm 2023 và hoàn toàn phục hồi trong năm 2024, tuỳ vào thị trường.

PV: Khuyến nghị của ông là gì?

Ông Phạm Hà: Chúng ta nên tập trung vào các thị trường mới và đi du lịch vào các mùa mới không chỉ cao điểm. Thay vì chỉ chú trọng số lượng, cũng cần đánh vào các thị trường có khả năng chi trả cao và kết nối hàng không tốt như Mỹ và Canada. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Tây Âu thì cũng cần để ý thêm Đông Âu. Một số thị trường gần như Úc hay New Zealand cũng nên lưu ý vì họ thường đi vào mùa hè. Cần nghiên cứu các thị trường để tạo du lịch quanh năm để đảm bảo tính bền vững.

Trước mắt, Việt Nam nên tuyên bố đã kết thúc Covid để thu hút truyền thông quốc tế, song song với đưa ra các chính sách mới. Việt Nam cũng nên tuyên bố bỏ bảo hiểm du lịch quốc tế chi trả cả bệnh Covid-19 khi làm thủ tục xin Visa. Đặc biệt là ngay và luôn, Việt Nam cần thực hiện cạnh tranh bằng chiến lược visa đã không thay đổi gì trong nhiều năm qua.

Xin cảm ơn ông!

Sơn Trần
TheLeader.vn