Văn hóa là nguồn lực đầu vào cho phát triển kinh tế
Sự khác biệt, độc đáo ở văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực là tài nguyên, thế mạnh cho du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững. Với nhiều doanh nghiệp du lịch, đây cũng chính là nguồn lực để họ khai thác, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đóng góp cho sự phục hồi của du lịch và kinh tế đất nước.
Nhân dịp đầu năm mới 2022, ông Phạm Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm CEO Tập đoàn Lux Group chuyên đầu tư, kiến tạo, kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ du lịch siêu sang tại Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Là doanh nghiệp lữ hành có thế mạnh đón du khách quốc tế đến Việt Nam và đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt Nam của Lux Group được ông triển khai ra sao?
Lux Group tự hào về văn hóa, di sản, lịch sử của Việt Nam và chúng tôi coi đó là sứ mệnh của người làm du lịch cho khách quốc tế đến và người Việt Nam đi du lịch. Đồng thời, chúng tôi dùng “sức mạnh mềm” văn hóa làm nguồn lực đầu vào cho phát triển kinh tế.
Chúng tôi có một hệ sinh thái bao gồm vận chuyển, lữ hành, du thuyền với hai thương hiệu Emperor Cruises và Heritage Cruises hoạt động tại những vùng vịnh biển đẹp như vịnh Nha Trang, Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ. Sắp tới, chúng tôi đưa thương hiệu Emperor Cruises Legend Phú Quốc vào kinh doanh tại Phú Quốc. Lấy cảm hứng từ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, chúng tôi xây dựng khu nghỉ núi Secret Hideaways Pù Luông, Thanh Hóa. Tất cả những thương hiệu này đều giầu cảm xúc, những câu chuyện văn hóa và lịch sử Việt Nam để giới thiệu cho du khách quốc tế.
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của đất nước, theo ông ngành du lịch có vai trò như thế nào trong việc quảng bá, xuất khẩu văn hóa?
Tôi đi nhiều nơi trên thế giới thì thấy rằng Việt Nam chúng ta có nhiều lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên 4.0. Ba lĩnh vực chúng ta có thể đi tắt đón đầu và phát triển nhanh chóng vì nhiều tiềm năng và có sự khác biệt độc đáo là du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin. Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và khẳng định là một ngành kinh tế, đóng góp khoảng 10% GDP và tạo ra hơn 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, góp phần xuất khẩu tại chỗ, quảng bá văn hóa di sản, con người đất nước Việt Nam.
So với các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam khác biệt, độc đáo ở văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên và ẩm thực. Đây là tài nguyên và thế mạnh rất lớn để phát triển du lịch Việt Nam một cách bền vững. Với thế mạnh này, Việt Nam cần cụ thể hóa việc coi du lịch là một ngành kinh tế thực sự, phát huy giá trị tài nguyên du lịch, định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia như du lịch di sản hay du lịch biển.
Đồng thời, tập trung vào sự thỏa mãn của du khách; tăng chất hơn là lượng, từng bước tháo gỡ những nút thắt như thể chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tạo nhiều trải nghiệm du lịch mới lạ, hấp dẫn cho du khách đến dễ dàng hơn để họ đến vui hơn và tiêu tiền nhiều hơn và xúc tiến du lịch sao cho hiệu quả hơn.
Là một doanh nhân rất yêu văn hóa, ông có đam mê sưu tầm tranh, viết sách, bình thơ…. Điều này đã giúp gì cho ông trong việc chèo lái doanh nghiệp trong những thời điểm đầy sóng gió?
Tôi làm trong nghề hạnh phúc. Sứ mệnh cá nhân của tôi là mang lại hạnh phúc (deliveringhappiness) cho cá nhân, gia đình, đồng nghiệp, tổ chức và cộng đồng bằng “5P”, trong tiếng Anh là Passion, Purpose, People, Planet và Prosperity (làm vì đam mê, có mục tiêu rõ ràng, làm vì con người, hành tinh tốt đẹp hơn, xanh hơn, đẹp hơn và vì sự thịnh vượng mỗi cá nhân, của doanh nghiệp và cộng đồng).
Cuộc đời là hàm tổng của các lựa chọn, tôi chọn du lịch và đó là nghề hạnh phúc, tôi mang lại hạnh phúc, chạm vào cảm xúc với những sản phẩm trải nghiệm mình làm ra. Tôi cũng hơi nghệ sĩ trong một doanh nhân nên đâu đấy cũng là những tác phẩm du thuyền nhưng mỗi chiếc là một độc bản giữa thiên nhiên, một câu chuyện hay phản ánh câu chuyện của cuộc đời tôi, giấc mơ thủa nhỏ thành hiện thực.
Tôi diễm phúc cảm được nghệ thuật, biết yêu cái đẹp và sáng tạo ra những tạo tác từ yêu thương và đưa những yếu tố văn hóa và nghệ thuật dân tộc, những câu chuyện lịch sử vào sản phẩm du lịch trải nghiệm. Đó cũng là sự khác biệt độc đáo mà tôi tâm huyết đặt vào mỗi dự án tôi làm.
Được biết, ông rất ngưỡng mộ tinh thần kinh doanh của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, vậy trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay, tinh thần này đang tiếp lửa như thế nào cho ông?
Cụ Bạch Thái Bưởi là một nhà tư sản dân tộc tiêu biểu kinh doanh thành công và sự ngưỡng mộ của nhiều người Việt, để lại nhiều bài học đáng học hỏi cho nhiều thế hệ doanh nhân. Có thể nói cụ Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là một trong những doanh nhân thế hệ đầu tiên của Việt Nam mà tôi gọi là “kinh doanh thời 1.0”, cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cụ là hiện thân của tinh thần dám khởi nghiệp, dám tận dụng thời cơ, dám trao quền, dám tiếp thu tân thư, dám vận dụng tinh thần yêu nước, dám cạnh tranh đến cùng, dám sáng tạo, dám mở rộng thị trường, dám làm lại từ đầu. Tư tưởng xuyên suốt trong văn hóa kinh doanh là dân quốc phú cường giành lại độc lập.
Thành công như cụ xưa nay hiếm, đặc biệt lại là kinh doanh thành công trong nghịch cảnh, muôn vàn khó khăn, đất nước bị người Pháp nắm quyền và người Hoa nhiều tiền kinh doanh chèn ép. Từ thực tế đó càng thấy tài lãnh đạo của cụ với những phẩm chất truyền cảm hứng. Cụ Bạch Thái Bưởi kinh doanh đa lĩnh vực, nhiều công ty, chi nhánh, hoạt động nhiều nơi, theo mô hình mà ngày nay người ta gọi là một tập đoàn kinh tế. Đặc biệt, ngay từ thời 1.0 đó, cụ Bạch Thái Bưởi đã có những phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời. Trong đó, tôi đã học được 10 phẩm chất của cụ. Lãnh đạo là nghệ thuật gây ảnh hưởng. Lãnh đạo là phụng sự, tập trung, đam mê, trao quyền, tự tin, chính trực, sắc bén, quyết đoán, luôn tiếp thu cái mới, sáng tạo.
Cụ Bạch Thái Bưởi thành công còn vì đã thực hiện nghiêm túc 10 tôn chỉ trên thương trường, như thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hoá. Những giá trị và bài học kinh doanh còn nguyên giá trị để soi rọi và vận dụng cho cuộc cách mạng 4.0 hiện nay để quản trị doanh nghiệp hiệu quả và kinh doanh thành công trên thương trường.
Một trong những ân huệ của cuộc đời tôi là được kết nối với gia đình cụ Bạch Thái Bưởi, được nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của cụ, đặc biệt là những bài học kinh doanh thành công, thuật lãnh đạo và những phẩm chất của một người lãnh đạo xuất chúng.
Văn hóa được coi là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhất là trong bối cảnh không ngừng biến động. Ông đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho Lux Group như thế nào?
Trước tiên phải hiểu là văn hóa doanh nghiệp là niềm tin vào tổ chức, tư duy và thái độ của nhân viên về công việc họ đang làm, người mà họ đang phục vụ và với chính ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh của Lux Group là phụng sự, và thành công bằng sự tử tế. Lãnh đạo yêu quý, hiểu và giúp đỡ cấp dưới và nhân viên phục vụ khách hàng từ tâm với mong muốn họ sẽ hài lòng.
Lux Group luôn xây dựng tinh thần khởi nghiệp ngay cả khi đã lớn. Chúng tôi luôn đi tiên phong như kinh doanh du thuyền đầu tiên tại vịnh Nha Trang, vịnh Bái Tử Long và sắp tới là thành phố đảo Phú Quốc. Lux Group đi vào thị trường ngách, tìm lối nhỏ vào nhà sang và chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ ngày đầu thành lập, định hướng rõ ràng tầm nhìn, giá trị cốt lõi.
Trong một thế giới đầy biến động, ông chia sẻ gì về trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân đối với phát triển du lịch bền vững?
Bền vững là phải nhắm tới chất hơn lượng. Chúng ta không nhất thiết đặt mục tiêu số lượng khách năm sau phải cao hơn năm trước mà hãy thoả mãn họ, coi họ là trung tâm xem khách thích gì, muốn gì, không thích gì để cải thiện ngay. Với số hoá các hoạt động thì việc này không khó và cần sớm triển khai và Tổng cục Du lịch là đơn vị đóng vai trò dẫn dắt, chủ động, hiệu quả trong các hoạt động tạo sản phẩm du lịch và xúc tiến.
Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi xác định, du lịch bền vững và có trách nhiệm cần dựa vào 6 trụ cột chính là: Bảo vệ nguồn môi trường sinh thái tự nhiên, trách nhiệm văn hoá xã hội, tạo việc làm tốt cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, khách hàng thoả mãn, doanh nghiệp có lợi nhuận. Theo đó, chúng tôi định nghĩa du lịch bền vững là phải bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, cùng nhau tạo ra nơi đẹp hơn cho người dân sinh sống và tạo ra nơi đẹp hơn để du khách tới thăm quan trải nghiệm; bảo đảm văn hoá xã hội, gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản, văn hoá, phong tục tập quán địa phương.
Cùng với nội lực của doanh nhân Việt, nhà nước cần có quyết sách nào để ngành du lịch hồi phục, phát triển trong năm 2022 và giai đoạn tới?
Hậu Covid- 19, cơ hội cho các doanh nghiệp lớn nhỏ là như nhau, tầm quốc gia cũng vậy. Đối với du lịch Việt Nam, chúng ta nên lấy mỏ vàng văn hoá, di sản làm trung tâm, định vị du lịch di sản là thương hiệu du lịch quốc gia. Để Việt Nam thành quốc gia về du lịch trong khu vực, chúng ta cần phải có chính sách cho du lịch và vì du lịch; visa, hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm đặc trưng, mạnh, xúc tiến hiệu quả. Không thực hiện được xúc tiến hiệu quả thì thuê chuyên gia, định vị lại thương hiệu và nhận diện du lịch quốc gia.
Mặt khác, nên coi Covid-19 là dịp tốt để nhìn nhận lại quản lý du lịch theo hướng phục vụ để 100% khách đến rồi yêu Việt Nam, muốn quay lại nhiều lần, thay vì một đi không trở lại như trước kia. Với tiềm năng du lịch biển đảo, ẩm thực, văn hoá, thiên nhiên và con người, du lịch Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á và châu Á nếu khơi thông cơ chế, chính sách triển kinh tế du lịch, chất lượng nguồn nhân lực; có nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm với hàm lượng chất xám và phải định vị được thương hiệu du lịch quốc gia, xúc tiến hiệu quả trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!
Hoa Quỳnh